Mô hình trồng cà chua mang lại hiệu quả tại xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải.
Năm 2024, bản Háng Đề Chu, xã Hồ Bốn chính thức ra mắt bản nông thôn mới. Tới thăm vườn trồng của Tổ hợp tác Nông nghiệp là hội viên Hội Cựu chiến binh xã, giàn su su của Tổ hợp tác đúng mùa đang cho thu hoạch cả ngọn rau lẫn quả.
Đồng chí Vừ A Sào - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã phấn khởi: "Bản Háng Đề Chu có hơn 100 hộ đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Sau khi bàn thảo, Chi bộ đã xây dựng nghị quyết phát triển cây su su - loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương; sản phẩm ngọn và quả có đầu ra ổn định. Từ diện tích 2,5 ha ban đầu, đến nay, diện tích trồng su su mang lại hiệu quả thiết thực, toàn xã đã tăng diện tích lên 3,5 ha”.
Được biết, su su sinh trưởng tốt, cho thu hoạch tới 9 tháng trong năm với sản lượng cao, trung bình từ 3 - 4 tạ quả/ngày; giá bán 10.000 - 12.000 đồng/kg cho thu về 150 triệu đồng/năm. Hiệu quả từ Tổ hợp tác trồng su su đã phát triển mạnh khắp thôn Háng Đề Chu và nhiều thôn khác. Không chỉ su su, Hồ Bốn giờ đã có nhiều tổ hợp tác khác được thành lập như: Tổ hợp tác trồng lúa Séng cù do Hội Nông dân thực hiện; Tổ hợp tác trồng cây ăn quả do Hội Liên hiệp Phụ nữ thực hiện; Tổ hợp tác trồng xả do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thực hiện; Tổ hợp tác trồng lạc đỏ, trồng ngô tí hon, trồng dưa trái vụ…
Thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã, được huyện quan tâm, từ khi đầu tư xây dựng, bê tông hóa tuyến đường chính từ trung tâm xã đi bản Háng Đề Chu và khu Háng Đề Chu đi Páo Lầu, làm mới, tu sửa các công trình tưới tiêu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Đây chính là điều kiện tiên quyết để Hồ Bốn thuận tiện đi lại, giao thương, vươn lên trở thành địa phương đi đầu trong phát triển kinh tế.
Xác định rõ, nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực, Đảng bộ huyện Mù Cang Chải tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại nông - lâm nghiệp, thủy sản, phát triển ngành nông nghiệp theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các giống mới vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, từng bước thay đổi tư duy sản xuất của người dân, dần hình thành các vùng sản xuất tập trung: trồng hoa hồng và rau màu hàng hóa tại xã Nậm Khắt (trên 55 ha); gạo nếp Tan tại xã Nậm Có, Cao Phạ (400 ha); vùng sản xuất gạo Séng cù tại xã Khao Mang, Lao Chải (300 ha)...
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn huyện đã có 10 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh; trong đó, có 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, 8 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao và 4 sản phẩm có gắn tem nhãn truy xuất nguồn gốc lên sàn thương mại điện tử (gạo nếp Tan Khau Phạ, chè Shan tuyết Púng Luông, mật ong hoa tự nhiên, táo mèo khô Mù Cang Chải).
Đồng thời, triển khai thực hiện 3 dự án liên kết trồng mới và tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả ôn đới; hỗ trợ gần 300 cơ sở chăn nuôi theo hướng hàng hóa hoặc đặc sản hữu cơ... Đảng bộ huyện cũng triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình đầu tư, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Đặc biệt là quan tâm đổi mới cách tiếp cận, đặt hộ nghèo, người nghèo vào vị trí chủ thể của hoạt động giảm nghèo. Tích cực tuyên truyền, vận động, khơi dậy khát vọng tự vươn lên thoát nghèo của người dân; thay đổi tư tưởng trông chờ, ỷ lại của các hộ nghèo vào sự trợ giúp của Nhà nước và cộng đồng; phân tích hiện trạng hộ nghèo, hộ cận nghèo của từng xã, thị trấn, từng bản để phân nhóm và có chính sách, giải pháp hỗ trợ nâng cao thu nhập và cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Kết quả, sau hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 8,4%, vượt 20,6% Nghị quyết.
Có được kết quả đó là nhờ cấp ủy, chính quyền các cấp tích cực tuyên truyền và triển khai thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng bằng nhiều hình thức thiết thực, thông qua các hội nghị cung cấp thông tin theo cụm, theo khu; xe loa tuyên truyền bằng hai thứ tiếng Việt - Mông; phát huy vai trò tích cực của đội ngũ già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín trong công tác tuyên truyền; đẩy mạnh tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội zalo, facebook, fanpage; đặc biệt quan tâm những giải pháp mới, sáng tạo trong công tác phổ biến, tuyên truyền; tổ chức hội nghị đảng viên cung cấp thông tin, định hướng tuyên truyền theo từng khu, đảm bảo ít nhất mỗi quý tổ chức 1 lần...
Đồng chí Đào Thị Thu Thủy - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Mù Cang Chải khẳng định: "Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, huyện lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ huyện xác định và tập trung thực hiện hiệu quả Đề án phát triển vùng dược liệu huyện, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; phấn đấu có 3 xã đạt xã nông thôn mới; các xã còn lại đạt từ 15 tiêu chí nông thôn mới trở lên và mỗi xã có ít nhất 2 bản đạt tiêu chí bản nông thôn mới; phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có ít nhất 40 bản đạt chuẩn nông thôn mới”...
Nhìn lại những thành tựu trên tất cả các lĩnh vực mà huyện Mù Cang Chải đã đạt được những năm qua với những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể đã mang đến một làn gió mới, thổi bùng khát vọng vươn lên, quyết tâm phấn đấu xây dựng Mù Cang Chải năm 2025 cơ bản không còn là huyện nghèo, đến năm 2030 không còn là huyện nghèo. Đó cũng chính là động lực để củng cố thêm niềm tin, ý chí và quyết tâm cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Mù Cang Chải thêm nỗ lực trên chặng đường sắp tới.
Năm 2025, huyện Mù Cang Chải tiếp tục xác định thực hiện tốt quan điểm, mục tiêu lấy tiềm năng, lợi thế của địa phương làm "điểm tựa” để thúc đẩy phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu nền kinh tế; phấn đấu, tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp năm 2025 đạt 600 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 9,5%/năm…
Mai Linh