Vai trò của người có uy tín trong tuyên truyền, giáo dục pháp luật

Vai trò của người có uy tín trong tuyên truyền, giáo dục pháp luật
4 giờ trướcBài gốc
Một góc trung tâm xã Long Hẹ, huyện Thuận Châu hôm nay.
Nói dân tin, làm dân theo
Ở xã vùng cao Long Hẹ, huyện Thuận Châu, nơi có gần 1.000 hộ thuộc 6 dân tộc sinh sống ở 11 bản; trong đó, dân tộc Mông chiếm 65,4%. Những năm gần đây, cơ sở hạ tầng được đầu tư, đời sống người dân từng bước cải thiện. Tuy nhiên, do thiếu hiểu biết nên một bộ phận người dân vẫn còn vi phạm pháp luật. Chính vì vậy, xã Long Hẹ đã chú trọng phát huy vai trò của trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư; duy trì hoạt động của các nhóm liên gia tự quản và tổ hòa giải ở cơ sở.
Nguyên là cán bộ Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, ông Vàng Đà Tú, người uy tín bản Long Hẹ, luôn mong muốn đời sống của bà con ngày một phát triển, trẻ con được đến trường học hành. Để bà con nghe và làm theo, ông Tú và gia đình luôn gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua, cuộc vận động do địa phương phát động.
Ông Tú chia sẻ: Ngày trước, chúng tôi lấy vợ rất sớm, khi cưới phải có hàng trăm lít rượu, 30 đồng bạc trắng, mổ hơn 10 con trâu, bò để ăn uống từ 3-4 ngày. Cuộc sống khổ lắm, cái đói, cái nghèo cứ đeo bám mãi. Bản thân tôi được đi học và làm cán bộ, tôi nhận ra phải thay đổi nhận thức thì cuộc sống mới khấm khá. Gương mẫu, trong cưới xin của con, cháu trong gia đình không thách cưới; việc ma chay thực hiện theo nếp sống mới. Tăng thu nhập, gia đình tập trung đầu tư cây trồng, con giống có giá trị kinh tế. Nhờ đó, gia đình có điều kiện mua sắm các vật dụng phục vụ sản xuất và sinh hoạt.
Cũng theo ông Tú, hiệu quả từ mô hình thực tế, bà con trong bản thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Hiện nay, 88 hộ trong bản thâm canh hơn 120 ha ngô, sắn, 4 ha dong riềng; chăn nuôi gần 1.000 con gia súc, gia cầm; không còn tình trạng du canh, du cư. Hết năm 2024, bản còn 11 hộ nghèo, giảm 21 hộ so với năm 2023; 100% trẻ trong độ tuổi đi học được đến trường.
Ông Vàng Đà Tú (thứ 2 từ phải qua trái), người uy tín bản Long Hẹ, trao đổi với cán bộ xã và nhân dân trong bản.
Rời vùng cao huyện Thuận Châu, chúng tôi đến xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp gặp ông Giàng Chứ Mang, người có uy tín, thành viên tổ hòa giải cơ sở bản Sam Quảng. Tham gia tổ hòa giải đã nhiều năm, mỗi khi có mâu thuẫn xảy ra trong bản, ông Mang cùng các thành viên tổ hòa giải đến tìm hiểu nguyên nhân sự việc, lắng nghe ý kiến của các bên rồi họp bàn và đưa ra giải pháp xử lý hiệu quả nhất. Với sự lắng nghe, chia sẻ và cách làm thấu tình, đạt lý, vài năm trở lại đây, các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong bản đều được giải quyết kịp thời, không phát sinh đơn thư, khiếu kiện.
Với 24 năm được tín nhiệm là người có uy tín, 10 năm tham gia tổ hòa giải, ông Mang đã trực tiếp tham gia nhiều vụ hòa giải ở cơ sở. Ông Mang chia sẻ: Nhiều vụ việc được hòa giải nhanh, nhưng cũng có vụ việc phức tạp phải họp với nhiều bên liên quan. Đơn cử việc giải quyết tranh chấp về đất sản xuất, khu vực chăn nuôi của bản với các bản giáp ranh là Huổi Phúc, Huổi Luông, Huổi Ái. Khi nắm được tình hình, tôi tham mưu cho ban quản lý bản tổ chức họp với các bản liên quan để rà soát, thống nhất về việc cắm lại mốc ranh giới, phân chia khu vực bãi chăn thả. Trên cơ sở giải quyết, các bản tổ chức họp dân và thống nhất lại việc cắm mốc ranh giới. Nhờ đó, việc tranh chấp đất sản xuất ở các bản giáp ranh được giải quyết dứt điểm, bà con đoàn kết, hăng hái thi đua lao động, sản xuất.
Nông dân bản Sam Quảng, xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp chăm sóc cây cà phê.
Còn ở huyện Sông Mã, gần 300 người có uy tín ở 29 xã, thị trấn đã tích cực gương mẫu đi đầu trong các phong trào của địa phương, như: Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; xây dựng nông thôn mới; vận động bà con phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống.
Ông Lò Văn Tưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Sơ, huyện Sông Mã cho biết: Xã có 16 người uy tín là các người cao tuổi, trưởng bản. Đội ngũ người có uy tín đã giúp cấp ủy, chính quyền xã nắm bắt, giải quyết kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của bà con, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi công dân đối với cộng đồng. Nhờ đó, cuộc sống của nhân dân ngày một nâng cao. Hiện nay, bà con trong xã đang tập trung chăm sóc 867 ha cây ăn quả; chăn nuôi 9.000 con gia súc và 23.000 con gia cầm; năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 2,9%.
Ông Lò Văn Viêng, người có uy tín bản Bua, xã Yên Hưng, huyện Sông Mã tuyên truyền pháp luật cho các đoàn viên, thanh niên.
Phát huy vai trò người uy tín
Hiện nay, toàn tỉnh có 2.188 người có uy tín là người cao tuổi, trưởng bản, trưởng dòng họ, cán bộ nghỉ hưu, bí thư chi bộ bản, đảng viên, người được quần chúng tín nhiệm… Đây chính là nhân tố tích cực trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật ở cơ sở. Không chỉ có vai trò trong tuyên truyền mà đội ngũ người có uy tín còn là trung tâm của việc gắn kết, giải quyết mâu thuẫn ở cơ sở thông qua việc tham gia các tổ hòa giải.
Đến nay, toàn tỉnh có 2.251 tổ hòa giải cơ sở, với 4.427 hòa giải viên; 100% các tổ hòa giải đều có người uy tín tham gia. Năm 2024, các tổ hòa giải đã tiếp nhận 1.866 vụ việc và hòa giải thành 1.607 vụ việc, đạt tỷ lệ 86%. Các vụ mâu thuẫn chủ yếu liên quan về đất đai; do quan niệm sống, lối sống trong gia đình.... Mỗi vụ việc xảy ra ở cơ sở khi được hòa giải, giải quyết kịp thời, góp phần tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc của chính các bên tranh chấp, cũng như của các cơ quan Nhà nước, chính quyền địa phương, cơ quan tư pháp.
Một buổi truyền thông về trợ giúp pháp lý cho cán bộ, người có uy tín xã Mường Và, huyện Sốp Cộp.
Trang bị kiến thức, kỹ năng cho người có uy tín, năm 2024, thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 10 thuộc chương trình 1719 về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, các sở, ngành của tỉnh đã phối hợp tổ chức 26 hội nghị tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; phát 299 sổ tay trợ giúp pháp lý cho trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng.
Bà Trần Thị Minh Hòa, Giám đốc Sở Tư pháp, thông tin: Những người uy tín có ảnh hưởng rất lớn trong cộng đồng. Họ chính là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, là chỗ dựa tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Sở tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh triển khai hoạt động “Nâng cao nhận thức trợ giúp pháp lý điểm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Nói dân tin, làm dân theo, những người có uy tín không chỉ gương mẫu thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà còn tích cực tham gia tuyên truyền, vận động dòng họ, người dân xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang và lễ hội, đẩy lùi các tệ nạn xã hội; giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình; tích cực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng bản mường ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Trần Hiền
Nguồn Sơn La : https://baosonla.org.vn/xa-hoi/vai-tro-cua-nguoi-co-uy-tin-trong-tuyen-truyen-giao-duc-phap-luat-Id8j5wcHg.html