Vai trò giám sát 'túi tiền' của Nhân dân

Vai trò giám sát 'túi tiền' của Nhân dân
3 giờ trướcBài gốc
Tòa nhà Quốc hội mới của Ấn Độ. Nguồn: Times of India
Theo Hiến pháp Ấn Độ, Chính phủ không được chi bất kỳ khoản tiền nào từ ngân sách nhà nước khi Quốc hội chưa thông qua đạo luật chi tiêu cho phép. Như vậy, Hiến pháp đã trao cho Quốc hội một trong những chức năng quan trọng để giám sát cơ quan hành pháp là thông qua việc kiểm soát ngân sách nhà nước. Quyền hạn và thủ tục của Quốc hội về vấn đề này được Hiến pháp quy định. Khoản 2 Điều 113 Hiến pháp nêu rõ, tất cả các dự toán ngân sách “sẽ được đệ trình dưới hình thức yêu cầu cấp vốn của Hạ viện (Hạ viện) và cơ quan này có thẩm quyền chấp thuận hoặc từ chối chấp thuận bất kỳ yêu cầu nào, hoặc có thể điều chỉnh giảm số tiền được đề xuất”.
Tuy nhiên, quyền kiểm soát của Quốc hội đối với chi tiêu công không chỉ giới hạn ở việc thông qua các khoản chi ngân sách mà Chính phủ yêu cầu để thực hiện hoạt động quản lý đất nước mà còn là giám sát quá trình chi tiêu các khoản ngân sách có đúng với phạm vi và mục đích cho phép hay không.
Chức năng giám sát cơ quan hành pháp của Quốc hội Ấn Độ bắt nguồn từ nguyên tắc cơ bản: Quốc hội thể hiện ý chí của nhân dân, do đó, Quốc hội được trao quyền giám sát cách thức Chính phủ thực hiện chính sách công mà Quốc hội đã phê duyệt cũng như cách thức chi tiêu ngân sách nhà nước. Điều này nhằm bảo đảm nguồn lực công của quốc gia không bị lãng phí, không bị sử dụng sai mục đích; đồng thời thu được kết quả thỏa đáng từ số tiền chi tiêu.
Quốc hội Ấn Độ thực hiện trách nhiệm giám sát của mình thông qua một mạng lưới các ủy ban thường trực, bao gồm các loại ủy ban sau: 3 ủy ban thường trực về tài chính của Quốc hội bao gồm Ủy ban Tài khoản Công, Ủy ban Dự toán và Ủy ban Doanh nghiệp nhà nước. Ngoài ra, Quốc hội cũng thành lập 24 Ủy ban Thường trực phụ trách các Bộ, đóng vai trò quan trọng trong thực hiện chức năng giám sát này. Và cuối cùng là các ủy ban thường trực khác.
Giống như những nhánh chính trên một thân cây, các ủy ban của Quốc hội cung cấp và đóng vai trò là cơ chế hiệu quả trong việc thực thi trách nhiệm giải trình của cơ quan hành pháp. Những đề xuất, kiến nghị hoặc khiển trách do các ủy ban này đưa ra mang tính định hướng và hướng dẫn hữu ích cho Chính phủ trong việc điều chỉnh các chính sách và hoạt động hiện tại cũng như xây dựng các chính sách cho tương lai. Một thực tế là các hoạt động và hiệu quả hoạt động của các ủy ban này trong thực thi chức năng giám sát đã chứng tỏ được khả năng cân bằng quyền lực, ngăn ngừa nguy cơ sử dụng và quản lý không hiệu quả ngân sách nhà nước. Điều này không nhằm hạ bệ Chính phủ mà là để tiếp thêm năng lượng cho Chính phủ và khuyến khích Chính phủ tạo dựng lòng tin đối với người dân thông qua những quyết sách đúng đắn. Theo cách này, các ủy ban của Quốc hội đã đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo trách nhiệm giải trình của Cơ quan hành pháp trước Quốc hội một cách đặc biệt hiệu quả.
Thông qua các báo cáo của mình, hoạt động giám sát của các ủy ban thu hút sự chú ý của cả chính quyền và người dân. Các khuyến nghị, gợi ý của các ủy ban có thể được Chính phủ chấp nhận hoặc không, nhưng Chính phủ vẫn xem xét đầy đủ và cẩn thận cũng như đánh giá cao các báo cáo của ủy ban của Quốc hội. Trong trường hợp Chính phủ hoặc các bộ không chấp nhận các khuyến nghị của ủy ban, họ sẽ trình bày lý do tại sao các khuyến nghị đó bị bác bỏ. Trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, Chính phủ hoặc các bộ sẽ viết thư cho các ủy ban về lý do không thể thực hiện các đề xuất, kiến nghị và cho biết sẽ đánh giá lại tính hợp lý của các chính sách hoặc quyết định để các ủy ban thay đổi kiến nghị .
Quỳnh Vũ
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/vai-tro-giam-sat-tui-tien-cua-nhan-dan-post397299.html