Vai trò tuyên truyền của tranh cổ động

Vai trò tuyên truyền của tranh cổ động
2 ngày trướcBài gốc
Triển lãm tranh cổ động về chủ đề Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tại tỉnh Sơn La, tranh cổ động sử dụng rộng rãi, phổ biến tại các khu vực công viên, quảng trường, trên đường phố, khu dân cư từ thành phố đến các bản làng vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Mỗi bức tranh có nội dung phong phú, chủ đề đa dạng ở nhiều lĩnh vực với cách thức biểu đạt ấn tượng sâu sắc, trở thành công cụ tuyên truyền đắc lực về các phong trào thi đua, sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, như: Tuyên truyền về Đại hội Đảng bộ các cấp, bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, kỷ niệm ngày lễ lớn của dân tộc…
Tranh cổ động còn là công cụ tuyên truyền trực quan, định hướng hành vi, kêu gọi hành động khi có các vấn đề lớn như thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát. Hay các hình ảnh mang tính cảnh báo, tạo ấn tượng mạnh mẽ về giác quan, khơi dậy ý thức về phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội, phòng chống bạo lực gia đình…
Họa sĩ Lê Chương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật tỉnh, chia sẻ: Tranh cổ động là một loại hình của mỹ thuật ứng dụng, mang tính khái quát cao, nội dung bố cục, mang hơi thở thời đại, giàu ý nghĩa, rõ ràng, dễ hiểu. Để có được bức tranh cổ động đạt hiệu quả tuyên truyền cao, người họa sỹ phải hiểu sâu sắc nội dung tư tưởng, chủ đề cần tuyên truyền. Từ đó, tạo hình nhân vật, hình khối, đường nét, màu sắc phù hợp, nêu khẩu hiệu có ý nghĩa, giúp người xem hiểu ngay được thông điệp mà tác giả muốn truyền tải, tạo sức thuyết phục cao và được công chúng đón nhận.
Tranh cổ động sử dụng phổ biến trong tuyên truyền lưu động.
Là đơn vị thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, tổ chức các hoạt động văn hóa - điện ảnh tổng hợp, nhiều năm qua, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh sử dụng tranh cổ động như một công cụ tuyên truyền đắc lực. Ông Bạc Cầm Phát, Đội trưởng Đội Tuyên truyền lưu động, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, cho biết: Mỗi năm, đội thực hiện sáng tác, biên tập trên 25 tranh cổ động phát hành tới cơ sở, phục vụ hoạt động tuyên truyền lưu động của đội. Nội dung tranh vẽ theo các chủ đề lớn, như: Học và làm theo Bác, Đại hội Đảng các cấp, phòng chống ma túy, dân số, bảo vệ trẻ em, bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng… Với hình ảnh mang tính trực quan, sinh động, tranh cổ động là phương tiện tuyên truyền đắc lực, phổ biến sâu rộng đến nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
Năm 2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động Cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền về chủ đề gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình tỉnh Sơn La. Sau 3 tháng phát động, cuộc thi nhận được 219 tác phẩm của 55 tác giả, nhóm tác giả trong và ngoài tỉnh gửi về dự thi. Các tác phẩm được thiết kế trên máy tính hoặc vẽ tay với nội dung, hình ảnh đa dạng, phong phú, giàu chất lượng nghệ thuật, cách thức biểu đạt ấn tượng, mang thông điệp tuyên truyền sâu sắc. Trong đó, tác phẩm “Hạnh phúc sẽ tỏa sáng trong gia đình không có bạo lực” của tác giả Lò Văn Thi (thành phố Sơn La) là một trong số ít tác phẩm xuất sắc của Sơn La tham dự cuộc thi và đoạt giải Nhì.
Tác phẩm tranh cổ động "Hạnh phúc sẽ tỏa sáng trong gia đình không có bạo lực" tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình.
Họa sĩ Lò Văn Thi chia sẻ: Bức tranh mang ý nghĩa, các thành viên trong gia đình giống như trái tim lớn bao bọc, yêu thương trái tim nhỏ thành một trái tim hạnh hạnh phúc. Gia đình có sự sẻ chia, yêu thương, thấu hiểu sẽ giúp cho hạnh phúc được tỏa sáng, nhân lên, thắp lên niềm tin yêu, hy vọng về cuộc sống tươi đẹp và hướng đến một xã hội bình yên, hạnh phúc.
Dù ở thời đại nào cũng vậy, tranh cổ động vẫn giữ được vai trò và ý nghĩa quan trọng trong công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức cách mạng, định hướng tư tưởng, khơi dậy ý chí và hành động tích cực. Qua đó, giúp loại hình mỹ thuật ứng dụng này luôn có giá trị thực tiễn, có sức sống bền vững cùng thời đại.
Bài, ảnh: Thanh Đào
Nguồn Sơn La : https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi/vai-tro-tuyen-truyen-cua-tranh-co-dong-saaSF6HHR.html