Đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) và kỷ niệm 30 năm thành lập ngành BHXH Việt Nam tại điểm cầu BHXH tỉnh Cà Mau.
Sau 30 năm phát triển, ngành BHXH Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Chính sách BHXH, BHYT ngày càng hoàn thiện, phù hợp với thực tiễn và tiệm cận thông lệ quốc tế, trở thành trụ cột của hệ thống an sinh xã hội. Cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đồng lòng thực hiện mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân do Đảng và Nhà nước đề ra. Diện bao phủ BHXH, BHYT không ngừng mở rộng, đặc biệt diện bao phủ BHYT tăng trưởng ổn định, bền vững qua các năm và tiệm cận mục tiêu BHYT toàn dân với 94,2% dân số tham gia BHYT, 95,557 triệu người vào cuối năm 2024 (năm 1995, số người tham gia BHYT chỉ là 7,1 triệu người, chiếm 9,6% dân số).
Số người tham gia BHXH tăng từ 2,276 triệu người (năm 1995) lên trên 20,16 triệu người vào cuối năm 2024, chiếm 42,71% lực lượng lao động trong độ tuổi; vững vàng tiến tới đạt mục tiêu theo lộ trình tại Nghị quyết 28-NQ/TW. Trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện do ngành BHXH Việt Nam tập trung kiên trì, liên tục tuyên truyền, vận động khoảng 2,311 triệu người, đạt khoảng 4,9% lao động trong độ tuổi.
Quyền lợi người tham gia BHXH, BHYT ngày càng được mở rộng, chất lượng phục vụ ngày càng tốt, số người thụ hưởng chính sách an sinh ngày càng tăng, góp phần quan trọng ổn định đời sống Nhân dân, phát triển bền vững đất nước.
Nhân viên Phòng truyền thông BHXH tỉnh Cà Mau tuyên truyền cho cán bộ hưu trí nhận lương hưu qua thẻ ATM. (Ảnh minh họa)
Vai trò và vị thế của ngành BHXH Việt Nam được nâng cao, với hệ thống tổ chức bộ máy hoàn thiện, tinh gọn, hoạt động hiệu quả; đội ngũ công chức, viên chức và người lao động ngày càng chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành trong giai đoạn mới.
Công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT ngày càng được chú trọng và chuyên nghiệp hơn, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực thi chính sách.
Với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, công tác cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số của ngành luôn đi tiên phong với nhiều bước tiến quan trọng, trở thành một trong những đơn vị đi đầu trong triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ.
Quỹ BHXH trở thành quỹ an sinh lớn nhất, là nguồn lực tài chính của quốc gia lớn thứ 2 sau ngân sách Nhà nước, quỹ phát triển ổn định bền vững, được quản lý an toàn, minh bạch và hiệu quả, bảo đảm quyền lợi an sinh lâu dài cho người dân…
Bám sát chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Chiến lược phát triển BHXH Việt Nam đến năm 2030 (Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 11/01/2024), ngành BHXH Việt Nam cụ thể hóa thành các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và kế hoạch triển khai toàn diện. Phát triển ngành theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, bảo đảm thực hiện tốt chính sách BHXH, BHTN, BHYT; mở rộng bền vững diện bao phủ, hướng tới mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân.
Người dân vùng nông thôn tìm hiểu về chính sách BHXH tự nguyện. (Ảnh minh họa)
Mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 5% lao động trong độ tuổi; khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; khoảng 45% lao động trong độ tuổi tham gia BHTN; trên 97% dân số tham gia BHYT. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 95%. Chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 90%.
Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển hệ thống công nghệ thông tin ngành BHXH Việt Nam để đáp ứng yêu cầu mới, tích hợp và liên thông dữ liệu: hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về bảo hiểm; kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa CSDLQG về bảo hiểm và các CSDLQG khác để triển khai dịch vụ công và kiểm tra, kiểm soát dựa trên dữ liệu lớn; tái cấu trúc và ứng dụng công nghệ hiện đại cho 100% hệ thống thông tin liên quan đến người dân, tổ chức, doanh nghiệp, đảm bảo kết nối, liên thông qua các nền tảng tích hợp; xử lý 100% hồ sơ công việc trên môi trường mạng (trừ hồ sơ bí mật Nhà nước).
Hồng Phượng – Trầm Nghĩ