Ngày 4/1/2025, Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) tổ chức khảo sát, làm việc tại một số doanh nghiệp, cơ sở đào tạo logistics tại TP. Hải Phòng.
Đây là hoạt động đầu tiên trong năm 2025, thực hiện kế hoạch tổ chức các chuyến tham quan, khảo sát nhằm cung cấp thông tin thực tế, đồng thời tăng cường kết nối giữa các hội viên của Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA).
Đoàn khảo sát do ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Chủ tịch danh dự Hiệp hội VALOMA làm Trưởng đoàn. Tham gia Đoàn khảo sát có đại diện Ban Hội viên, Ban Đào tạo VALOMA, cùng đông đảo hội viên là doanh nghiệp logistics, giảng viên, sinh viên các cơ sở đào tạo nhân lực logistics và chuỗi cung ứng.
Trong chương trình, Đoàn khảo sát đã tham quan, làm việc tại Khu tổ hợp Nhà máy đóng tàu Damen Sông Cấm của Công ty TNHH đóng tàu Damen Sông Cấm tại Tp. Thủy Nguyên; Kho CFS của Maersk tại Trung tâm kho vận Hải Thành của Công ty cổ phần HTM Logistics tại quận Dương Kinh; Trung tâm Đào tạo Logistics tiểu vùng Mekong - Nhật Bản (Đại học Hàng hải Việt Nam) tại phường Kênh Dương, quận Lê Chân.
Đoàn khảo sát của VALOMA làm việc tại Công ty TNHH đóng tàu Damen Sông Cấm, Thủy Nguyên, Hải Phòng.
Phát biểu tại buổi làm việc với đại diện Lãnh đạo Công ty TNHH đóng tàu Damen Sông Cấm, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Chủ tịch danh dự Hiệp hội VALOMA cho biết, Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) có sứ mệnh chính là đào tạo, chuẩn bị nguồn nhân lực logistics và chuỗi cung ứng, đón đầu xu hướng phát triển mạnh mẽ của ngành hiện nay.
Theo ông Trần Thanh Hải, đóng tàu là một ngành công nghiệp tiềm năng của Việt Nam, gắn kết mật thiết với các hoạt động logistics. Thông qua hoạt động khảo sát, trao đổi, làm việc thực tế tại Công ty TNHH đóng tàu Damen Sông Cấm sẽ giúp kết nối, thúc đẩy hợp tác giữa Công ty với các doanh nghiệp logistics, các cơ sở đào tạo nhân lực logistics và chuỗi cung ứng là hội viên của VALOMA.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Chủ tịch danh dự Hiệp hội VALOMA phát biểu tại buổi làm việc
Ông Quách Đình Nguyên, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH đóng tàu Damen Sông Cấm thông tin khái quát về tổ chức bộ máy, tình hình hoạt động của Công ty; những sản phẩm chủ yếu của Công ty; đồng thời giới thiệu quy trình hoạt động logistics của Công ty.
Công ty TNHH Damen Sông Cấm là công ty liên doanh giữa Tập đoàn đóng tàu Damen của Hà Lan và Công ty Cổ phần đóng tàu Sông Cấm, thành viên của Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC) của Việt Nam. Nhà máy được xây dựng bên bờ sông Cấm trên diện tích 43ha là Khu tổ hợp chuyên đóng và hoàn thiện tàu hiện đại với cơ sở vật chất, hệ thống nhà xưởng thiết kế đồng bộ nhằm tối đa hóa chất lượng và hiệu quả, bao gồm: Văn phòng, nhà kho, nhà xưởng, xưởng sơn, xưởng hoàn thiện, phòng vận hành và thử tàu, cẩu tháp, sàn nâng hạ, cầu tàu nổi...
Ông Quách Đình Nguyên, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH đóng tàu Damen Sông Cấm giới thiệu về hoạt động của Công ty.
Tập đoàn đóng tàu Damen (Hà Lan) sở hữu và vận hành 35 nhà máy đóng mới và sửa chữa tàu trên phạm vi toàn cầu với 12.500 nhân viên. Cho đến nay, Tập đoàn Damen đã bàn giao hơn 7.000 tàu tại hơn 100 quốc gia, trung bình mỗi năm bàn giao từ 120 - 160 tàu cho các khách hàng trên phạm vi toàn cầu.
Riêng Damen Sông Cấm được đánh giá vượt trội trong lĩnh vực sản xuất và bàn giao các tàu lai dắt, tàu công trình và phà cao tốc chất lượng cao có chiều dài lên đến 60 mét. Nhà máy được biết đến với tiêu chuẩn HSEQ cao và cơ sở vật chất hiện đại, trong đó có một xưởng sơn kiểm soát được điều kiện thời tiết. Damen Sông Cấm có thể hoàn thiện và bàn giao hơn 40 tàu lai dắt, tàu công trình và phà mỗi năm.
Tại Kho CFS của Maersk tại Trung tâm kho vận Hải Thành, Đoàn khảo sát của VALOMA đã tham quan, tìm hiểu về kho xưởng và các quy trình hoạt động logistics, vận hành, khai thác hàng hóa tại đây.
Với vị trí địa lý thuận lợi gần cảng biển nước sâu Lạch Huyện và các tuyến đường cao tốc quan trọng, Kho CFS của Maersk được trang bị hệ thống giao thông nội bộ, hệ thống cấp thoát nước, trạm xử lý nước thải, được đầu tư đồng bộ, hiện đại; hệ thống trạm biến áp, máy phát điện dự phòng; hệ thống phòng cháy chữa cháy được trang bị các họng chữa cháy lắp đặt xung quanh nhà xưởng...
Quản lý Kho CFS của Maersk giới thiệu về hoạt động của đơn vị.
Thông tin với Đoàn khảo sát của VALOMA, Quản lý Kho CFS của Maersk cho biết, Kho CFS có tổng diện tích hơn 27.200 m2, được đưa vào hoạt động từ tháng 2/2014, gồm 3 kho: CFS 1, CFS 2 và CFS 3. Đến nay sau 11 năm hoạt động, đến nay, Kho thường xuyên có khoảng 200 lao động làm việc 2 ca/ngày, phục vụ các khách hàng, đối tác với tổng sản lượng khai thác hàng hóa tới 2 triệu khối/năm.
Đoàn khảo sát tham quan, tìm hiểu về quy trình hoạt động tại Kho CFS của Maersk
Cũng trong khuôn khổ chuyến khảo sát, Đoàn công tác của VALOMA đã thăm, làm việc với Trung tâm Đào tạo Logistics tiểu vùng Mekong - Nhật Bản (Khoa Kinh tế, Đại học Hàng hải Việt Nam).
Tại đây, Đoàn đã được TS. Nguyễn Minh Đức, Phó Trưởng khoa Kinh tế, Đại học Hàng hải Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Logistics tiểu vùng Mekong - Nhật Bản giới thiệu về hoạt động giảng dạy và các chương trình đào tạo Logistics và chuỗi cung ứng.
Theo đó, các khóa học chuyên sâu cơ bản và nâng cao về những nghiệp vụ trong hoạt động logistics kết hợp đào tạo lý thuyết gắn kết với hướng dẫn thực hành trên các mô hình mô phỏng và thực tập tại các doanh nghiệp trên địa bàn luôn thu hút đông đảo sự quan tâm, tham gia của các học viên là sinh viên chuyên ngành Logistics và chuỗi cung ứng; sinh viên các ngành khác có nhu cầu tìm kiếm việc làm trong lĩnh vực Logistics và chuỗi cung ứng; các cơ quan, doanh nghiệp liên quan tới hoạt động Logistics có nhu cầu bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ nhân lực...
Có thể kể đến những khóa đào tạo như: Khóa đào tạo nghiệp vụ Logistics chuyên sâu; Khóa đào tạo thực chiến "Nghiệp vụ vận tải biển và logistics thực chiến"; Khóa đào tạo Tiếng Anh Logistics chuyên sâu; Khóa học Quản lý cảng biển hiệu quả;...
Trong hoạt động khảo sát thực tế và làm việc với các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo logistics trên địa bàn TP. Hải Phòng, đại diện các doanh nghiệp logistics và các giảng viên, sinh viên của các cơ sở đào tạo nhân lực logistics là hội viên của Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) đã sôi nổi tìm hiểu, trao đổi về kinh nghiệm tổ chức, vận hành hoạt động logistics, đồng thời đề xuất những mô hình hợp tác giữa các bên liên quan nhằm thúc đẩy hiệu quả đào tạo nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực logistics và chuỗi cung ứng, đáp ứng xu hướng phát triển hiện nay.
Việt Hằng