Thời gian qua, huyện Văn Bàn có nhiều dự án giao thông, công nghiệp được triển khai. Đây là động lực để địa phương phát triển kinh tế - xã hội, song cũng phát sinh những vấn đề như tranh chấp, lấn chiếm đất đai, khai thác lâm sản và khoáng sản trái phép… ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Vì thế, huyện đặc biệt quan tâm bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ cơ sở và trưởng thôn, bản... nhất là kỹ năng nắm, giải quyết, xử lý thông tin ở cơ sở.
Thẳm Dương là xã khó khăn của huyện Văn Bàn, có nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Thời gian qua, trên địa bàn xã có một số dự án xây dựng hạ tầng giao thông, khai thác khoáng sản và thủy điện được triển khai nên phát sinh những vấn đề liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, tranh chấp đất đai.
Theo ông Đỗ Văn Tĩnh, Bí thư Đảng ủy xã, do trình độ, hiểu biết của người dân còn hạn chế nên khi xảy ra tranh chấp hay mâu thuẫn, họ thường hướng đến cách giải quyết tự phát mà không căn cứ các quy định của pháp luật dẫn đến nguy cơ mất an ninh trật tự, thậm chí vi phạm pháp luật.
Trước tình hình đó, Đảng ủy xã đã kiện toàn Ban Tuyên vận xã và 5 tổ tuyên vận ở các thôn, đồng thời phân công nhiệm vụ phụ trách địa bàn cho từng cán bộ, công chức. Cùng với đó, chú trọng việc bồi dưỡng năng lực nắm thông tin, xử lý thông tin cho thành viên các tổ tuyên vận ở thôn, bởi đây là lực lượng quan trọng ở đầu nguồn thông tin.
Với những giải pháp đồng bộ, từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã có hàng trăm ý kiến kiến nghị của người dân, hòa giải, giải quyết ngay từ thôn; có 6 vụ việc công dân viết đơn lên xã đề nghị giải quyết, trong đó 5/6 vụ đã được giải quyết ổn thỏa, đúng quy định.
Ông Đỗ Văn Tĩnh cho biết.
Khác với Thẳm Dương, Hòa Mạc là xã vùng thấp có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi hơn. Tuy nhiên, từ năm 2023, khi dự án nâng cấp Quốc lộ 279 qua địa bàn xã được triển khai, một số vấn đề liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, tranh chấp đất đai xảy ra, nếu không giải quyết sớm từ cơ sở thì rất dễ dẫn đến khiếu kiện vượt cấp và gây mất an ninh trật tự.
Ông Hà Đình Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Mạc cho biết: Dự án nâng cấp Quốc lộ 279 là dự án trọng điểm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội không chỉ xã Hòa Mạc mà cả huyện Văn Bàn. Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy, Đảng bộ, chính quyền xã đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, không để xảy ra chậm tiến độ và khiếu kiện, đặc biệt không để kẻ xấu lợi dụng gây mất an ninh trật tự, phát sinh đơn thư vượt cấp.
Dù số lượng hộ dân bị ảnh hưởng rất lớn (gần 200 hộ) nhưng đến nay hơn 99% hộ dân đã đồng thuận di chuyển nhà ở, bàn giao mặt bằng để nhà thầu thi công. Để có được kết quả này, quan trọng nhất vẫn là công tác nắm, xử lý thông tin của đội ngũ cán bộ, công chức xã, người đứng đầu các thôn, từ đó kịp thời đối thoại, giải quyết.
Văn Bàn là huyện có vị trí chiến lược của tỉnh Lào Cai nói riêng và khu vực Tây Bắc nói chung bởi nằm ở cửa ngõ tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Quốc lộ 279, đồng thời là vùng đất giàu tài nguyên, khoáng sản, có nhiều điểm mỏ đang hoạt động. Đây là động lực để địa phương phát triển kinh tế - xã hội, song cũng có nhiều thách thức, nhất là trong giữ gìn, đảm bảo an ninh trật tự nông thôn, bảo vệ tài nguyên, khoáng sản.
Vì thế, làm tốt công tác nắm, xử lý thông tin ở cơ sở sẽ góp phần hạn chế những vụ việc tiêu cực gây mất an ninh trật tự, cũng như tạo sự đồng thuận của Nhân dân trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và của tỉnh.
Từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, chính quyền cấp cơ sở ở Văn Bàn đã tiếp nhận và thực hiện hòa giải 947 vụ việc (tranh chấp đất đai, dân sự, hôn nhân và gia đình), trong đó hòa giải thành công 796 vụ việc, đạt 84%. Văn Bàn đang đứng trong tốp những địa phương của tỉnh có đơn thư vượt cấp ít nhất.
Ông Hoàng Đình Tom, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Văn Bàn chia sẻ.
Đội ngũ cán bộ cơ sở ở các xã và người đứng đầu các thôn, bản có vai trò quan trọng quyết định hiệu quả công tác nắm thông tin, xử lý thông tin và vận động người dân sống, làm việc theo pháp luật, tự giác xóa bỏ những tập tục lạc hậu.
Ông Nguyễn Anh Chuyên, Bí thư Huyện ủy Văn Bàn khẳng định.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng bộ huyện quan tâm đến công tác bố trí, luân chuyển, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, người đứng đầu các thôn, bản phù hợp với từng vị trí, địa bàn, đồng thời thành lập 195 tổ hòa giải với 991 hòa giải viên là những người có trình độ, uy tín, trách nhiệm với công việc ở cơ sở (mỗi tổ hòa giải có từ 3 đến 5 hòa giải viên do trưởng thôn hoặc trưởng ban MTTQ làm tổ trưởng) để tham gia nắm và xử lý thông tin bước 1.
Ngoài việc tăng cường nắm thông tin để tổ chức giải quyết những vướng mắc ngay từ khi mới phát sinh, Đảng bộ huyện cũng coi trọng công tác tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Nhân dân. Qua tiếp xúc, đối thoại giúp cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đánh giá được hiệu quả của công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các nhiệm vụ so với thực tiễn và những vấn đề mới phát sinh, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, giải quyết cơ bản các kiến nghị, đề xuất của Nhân dân, đồng thời tạo điều kiện để người dân góp ý, hiến kế xây dựng Đảng, chính quyền, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự...
Thời gian tới, bám sát vào 8 đề án, 4 nghị quyết, 5 kế hoạch trọng tâm giai đoạn 2020 - 2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XXI, các ngành, địa phương của Văn Bàn tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ gắn với đổi mới phương pháp, phong cách và lề lối làm việc, tập trung giải quyết những vấn đề nảy sinh ở cơ sở.
Cùng với đó, tiếp tục thực hiện nghiêm Quy định 98-QĐ/TW và các quy định khác của Trung ương về công tác luân chuyển cán bộ, như điều chuyển tăng cường cho cơ sở những cán bộ trẻ, những người có trình độ chuyên môn, đồng thời đưa cán bộ cơ sở lên công tác ở huyện để mở rộng tư duy, tầm nhìn, rèn luyện kỹ năng lãnh đạo, quản lý.
Vũ Sơn - Khánh Ly