Sinh viên Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng). Ảnh: NTCC
Tuy nhiên, thực tế tồn tại không ít bất cập với quản lý văn bằng, trong đó có tình trạng bằng giả. Số hóa văn bằng là giải pháp phải tính đến, nhằm từng bước hiện đại hóa công tác quản lý giáo dục.
Nhiều bên hưởng lợi
Theo PGS.TS Đinh Thành Việt - Phó Hiệu Trưởng Trường Đại học Đông Á, văn bằng số là hình thức chứng nhận kết quả học tập, tốt nghiệp, được lưu trữ và xác thực bằng công nghệ số dưới dạng bản điện tử chính thức của văn bằng tốt nghiệp (đại học, cao đẳng, THPT,...) do cơ sở giáo dục cấp thay vì dưới dạng giấy truyền thống.
Thông thường, văn bằng số được triển khai thông qua nền tảng số hóa, ví dụ như blockchain hoặc hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung cho phép xác minh văn bằng dễ dàng, nhanh chóng và an toàn. Văn bằng số mang giá trị pháp lý như bản giấy, có thể tra cứu, kiểm tra, xác thực thông tin dễ dàng qua mã QR hoặc qua cổng thông tin điện tử, có thể gắn với mã định danh cá nhân của người học.
Khẳng định triển khai văn bằng số cần thiết, thuận lợi đối với các bên liên quan, PGS.TS Đinh Thành Việt cho rằng, văn bằng số giúp tăng cường minh bạch và chống gian lận, giảm bớt việc làm giả bằng cấp, thúc đẩy chuyển đổi số và hội nhập quốc tế trong giáo dục.
Đối với sinh viên, văn bằng số rất tiện lợi, không sợ mất mát, hư hỏng như bản giấy; có thể chia sẻ dễ dàng cho nhà tuyển dụng hoặc dùng để nộp hồ sơ online. Thông tin văn bằng số được xác thực bởi hệ thống thông tin nhà trường một cách minh bạch. Văn bằng số cũng giúp sinh viên không phải công chứng, gửi bản cứng, tiết kiệm được thời gian, chi phí. Phụ huynh cũng yên tâm hơn về kết quả học tập và văn bằng của con em mình thông qua văn bằng số.
Đối với nhà tuyển dụng lao động, văn bằng số giúp xác thực nhanh chóng, có thể dễ dàng tra cứu độ xác thực của bằng cấp chỉ bằng mã QR hoặc hệ thống thông tin trực tuyến. Văn bằng số giúp tăng độ tin cậy, giảm rủi ro tuyển dụng sai người vì bằng cấp giả và hỗ trợ việc số hóa quy trình tuyển dụng.
Đối với nhà trường, văn bằng số giúp giảm các gánh nặng hành chính như lưu trữ, in ấn, cấp phát văn bằng giấy thủ công; dễ dàng quản lý, tra cứu hồ sơ sinh viên, nhờ đó tăng hiệu quả quản lý. Uy tín của nhà trường cũng tăng lên nhờ khẳng định được sự minh bạch, hiện đại và hội nhập.
Cũng nhấn mạnh sự cần thiết triển khai văn bằng số, ông Nguyễn Quốc Khanh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang chia sẻ: Số hóa văn bằng, chứng chỉ là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cần thiết thực hiện để tạo thuận lợi cho người dân và công tác quản lý chặt chẽ, đồng bộ.
Công tác này được Bộ GD&ĐT bắt đầu từ năm 2021 (Văn bản 2540/BGDĐT-QLCL ngày 21/6/2021) với bước đầu tiên là cập nhật danh sách thí sinh tốt nghiệp THPT lên hệ thống tra cứu với dạng công khai thông tin phục vụ người học. Vừa qua, theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, việc xét tốt nghiệp, cấp bằng có thử nghiệm văn bằng số.
“Sở GD&ĐT An Giang đồng tình với chủ trương trên, bởi số hóa văn bằng tốt nghiệp THPT giúp việc cấp phát văn bằng minh bạch hơn, giảm thiểu tình trạng làm giả, giả mạo bằng cấp, dễ dàng xác thực thông tin. Việc này đồng thời tiện lợi trong tra cứu và lưu trữ. Văn bằng số có thể dễ dàng lưu trữ, truy xuất và chia sẻ, giúp học sinh, sinh viên, các tổ chức dễ dàng kiểm tra thông tin khi cần.
Ngoài ra, các cơ sở giáo dục có thể quản lý, thống kê thông tin tốt nghiệp của học sinh, giúp cải thiện quy trình kiểm tra, đánh giá và ra quyết định trong quản lý giáo dục. Việc cấp phát văn bằng giấy truyền thống sẽ tốn thời gian và chi phí in ấn, vận chuyển, trong khi văn bằng số giúp tiết kiệm tài nguyên, chi phí hành chính”, ông Nguyễn Quốc Khanh cho hay.
Trao bằng tốt nghiệp, giấy khen cho sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) tốt nghiệp loại giỏi năm 2024. Ảnh: NTCC
Nhận diện thuận lợi, khó khăn
Từ thực tiễn trường phổ thông, ông Nguyễn Minh Đạo - Hiệu trưởng Trường THPT Lam Kinh (Thanh Hóa) khẳng định triển khai văn bằng số là xu thế tất yếu trong chuyển đổi số giáo dục. Lợi ích văn bằng số mang lại là minh bạch, chống giả mạo (xác thực bằng công nghệ blockchain hoặc chữ ký số); tiện lợi (học sinh dễ dàng lưu trữ, chia sẻ với cơ quan tuyển dụng, trường đại học…); giảm gánh nặng hành chính (nhà trường tiết kiệm chi phí in ấn, quản lý hồ sơ giấy).
Với Trường THPT Lam Kinh, thuận lợi là hạ tầng công nghệ thông tin có sẵn; học sinh tiếp cận nhanh với công nghệ. Tuy nhiên, khó khăn là giáo viên, nhân viên chưa thành thạo công nghệ liên quan; phụ huynh/nhân viên tuyển sinh địa phương chưa quen với văn bằng số. Triển khai việc này cũng mất chi phí ban đầu cho phần mềm, bảo mật dữ liệu; đặc biệt chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về nội dung này.
Ông Hoàng Minh - Hiệu trưởng Trường THPT Phú Bài (TP Huế) cho rằng, triển khai văn bằng số trong giáo dục mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng gặp không ít thách thức. Về thuận lợi, học sinh có thể dễ dàng truy cập, tra cứu, lưu trữ và chia sẻ văn bằng mà không lo bị thất lạc hay hư hỏng như văn bằng giấy; giảm thiểu tình trạng gian lận, làm giả văn bằng nhờ công nghệ blockchain và mã hóa dữ liệu; tiết kiệm thời gian, chi phí; đáp ứng xu hướng chuyển đổi số và phù hợp với định hướng của Bộ GD&ĐT trong việc số hóa hồ sơ, quản lý học tập.
Tuy nhiên, nhiều trường THPT chưa có hệ thống quản lý dữ liệu học sinh tiên tiến, gây khó khăn trong việc tích hợp văn bằng số; kỹ năng và nhận thức sử dụng còn hạn chế. Do đó, các nhà trường cần có hệ thống quản lý dữ liệu số, đảm bảo kết nối ổn định. Cũng cần tổ chức các buổi tập huấn cho giáo viên, học sinh và phụ huynh về cách sử dụng văn bằng số.
Góc độ chuyên gia, PGS.TS Đinh Thành Việt - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Á nêu một số khó khăn trong triển khai văn bằng số tại các cơ sở giáo dục hiện nay. Theo đó, về cơ sở hạ tầng công nghệ, nhiều trường chưa có hệ thống công nghệ thông tin đủ mạnh và đồng bộ để triển khai hiệu quả. Chi phí đầu tư ban đầu cho văn bằng số khá cao, như cần đầu tư phần mềm, máy chủ, bảo mật...
Về nhân lực và chuyên môn số, các cán bộ quản lý, nhân viên hành chính chưa thực sự quen với hệ thống văn bằng số, cần được đào tạo chuyên sâu. Hiện các cơ sở giáo dục còn thiếu chuyên gia bảo mật và hệ thống thông tin giáo dục.
Vấn đề thói quen và tâm lý, nhiều người (phụ huynh, sinh viên, nhà tuyển dụng lao động) vẫn tin tưởng vào văn bằng giấy truyền thống, một số người ngại thay đổi, lo ngại về tính pháp lý hoặc độ bảo mật của văn bằng số.
Vấn đề pháp lý và quy chuẩn, cần có hành lang pháp lý đồng bộ về lưu trữ, bảo mật, giá trị pháp lý, ký số...; cũng như sự liên thông dữ liệu chặt chẽ giữa các trường và Bộ GD&ĐT hoặc các cơ quan liên quan.
Sinh viên Trường Đại học Đông Á tốt nghiệp năm 2024. Ảnh: NTCC
Cần cơ sở pháp lý, hạ tầng liên thông và đồng bộ
Từ thực tiễn cơ sở giáo dục đại học, ông Nguyễn Minh San - Trưởng phòng Hành chính, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) nhấn mạnh: Số hóa văn bằng chứng chỉ là xu thế tất yếu trong thời đại hiện nay. Triển khai văn bằng số sẽ giúp cơ quan quản lý, doanh nghiệp dễ dàng theo dõi, tra cứu, xác minh ngay lập tức, tiết kiệm thời gian, chi phí và độ chính xác.
Văn bằng giấy chỉ cấp phôi một lần dẫn đến việc bảo quản khá vất vả và khó khăn trong sử dụng nếu mất bản gốc. Các cơ sở giáo dục khi triển khai văn bằng số sẽ thuận lợi trong tiết kiệm thời gian, chi phí in ấn; không phải thực hiện hoạt động xác minh văn bằng…
Nhưng hiện nay hành lang pháp lý chưa đầy đủ. Môi trường số không liên thông ở các lĩnh vực vì vậy việc triển khai chuyển đổi số dễ mắc phải điểm nghẽn. Ví dụ: Các cơ quan Nhà nước khi thu nhận hồ sơ luôn muốn có dấu đỏ (dấu gốc hoặc công chứng) trên văn bản nhưng thực tế các văn bản số này không thể mang ra công chứng.
Do đó, giải pháp đầu tiên là phải thể chế hóa việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ số. Tiếp đến, chuẩn bị cơ sở hạ tầng công nghệ đủ mạnh, bảo mật và an toàn. Nhà nước tạo ra phần mềm hệ thống chung, lớn và thống nhất để các cơ sở giáo dục có thể tạo văn bằng và lưu, tra cứu trên đó; xã hội cũng có thể dễ dàng truy cập. Ngoài ra, tập huấn cho người dùng và truyền thông đến xã hội cũng cần thiết.
Để có thể triển khai văn bằng số thuận lợi, PGS.TS Đinh Thành Việt cũng nhắc đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ và an toàn; tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng số cho cán bộ nhà trường; tăng cường tuyên truyền, truyền thông đến phụ huynh và sinh viên về lợi ích văn bằng số; ban hành quy định rõ ràng và minh bạch về giá trị pháp lý, quy trình cấp phát và xác thực văn bằng.
Góc độ giáo dục phổ thông, ông Nguyễn Quốc Khanh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang nhấn mạnh đến điều kiện đáp ứng của cơ sở giáo dục. Theo đó, đơn vị phải có cơ sở vật chất, mạng Internet, hệ thống phần mềm quản lý học sinh, kết quả học tập và văn bằng tốt nghiệp hiện đại, an toàn, ổn định, thống nhất.
Cần có các biện pháp bảo mật thông tin mạnh mẽ để ngăn ngừa rủi ro, đánh cắp hay rò rỉ thông tin của học sinh. Cán bộ phụ trách cần được đào tạo về hệ thống quản lý số hóa, cũng như về quy trình, công nghệ liên quan để thực hiện các thao tác cấp phát văn bằng số. Cơ sở giáo dục cũng cần có các kênh hỗ trợ cho học sinh và phụ huynh trong việc truy xuất, sử dụng văn bằng số, giúp đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra thuận lợi.
“Số hóa văn bằng chứng chỉ mang lại nhiều lợi ích về hiệu quả quản lý và tiết kiệm chi phí, nhưng cũng đòi hỏi các cơ sở giáo dục phải đầu tư hạ tầng công nghệ và tuân thủ quy định pháp lý để đảm bảo tính chính xác và bảo mật”, ông Nguyễn Quốc Khanh cho hay.
Đề xuất giải pháp, ông Nguyễn Minh Đạo - Hiệu trưởng Trường THPT Lam Kinh (Thanh Hóa) nhấn mạnh đầu tiên đến đào tạo nâng cao năng lực số với việc tổ chức tập huấn cho giáo viên, nhân viên về quy trình cấp và xác thực văn bằng số; hướng dẫn phụ huynh/học sinh cách sử dụng qua video, tài liệu đơn giản.
Đồng thời, sở GD&ĐT cần ban hành hướng dẫn cụ thể về giá trị pháp lý của văn bằng số tại địa phương; kết nối với trường đại học, doanh nghiệp để công nhận chung định dạng số. Đảm bảo an toàn dữ liệu rất quan trọng; theo đó cần mã hóa thông tin học sinh, hợp tác với đơn vị uy tín để bảo mật. Văn bằng số nên triển khai từng bước, thí điểm trước khi áp dụng…
“Để thuận lợi trong triển khai, mong rằng, Bộ GD&ĐT/sở GD&ĐT sớm công bố tiêu chuẩn kỹ thuật và khung pháp lý cho văn bằng số để thống nhất trên toàn quốc. Địa phương hỗ trợ kinh phí triển khai hoặc đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin; doanh nghiệp tài trợ phần mềm hoặc tư vấn kỹ thuật để giảm áp lực tài chính cho nhà trường”, ông Nguyễn Minh Đạo đề xuất.
Đại học Bách khoa Hà Nội đã xây dựng giải pháp công nghệ (phần mềm https://ediploma.hcma.vn) có đầy đủ tính năng so với hệ thống đang triển khai tại các trường đại học danh tiếng như Stanford, Harvard trong việc cấp phát văn bằng số.
Phần mềm này hỗ trợ chữ ký số chuyên dùng của Ban Cơ yếu Chính phủ cũng như chữ ký số công cộng của Viettel, VNPT, MISA; cho phép số hóa mọi mẫu văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận; đồng thời cung cấp khả năng xác thực thuận tiện qua mã QR, mã chứng nhận, và trang đọc thông tin chữ ký số. - PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng.
Hiếu Nguyễn