Đây là huyết mạch giao thương theo trục Bắc - Nam hướng tới kinh thành Huế (thời Nguyễn). Phố Huế được đặt tên đường cũng một phần vì lẽ đó. Với lòng đường rộng 12 mét, vỉa hè thoáng mát, phố Huế trở thành trung tâm buôn bán sầm uất suốt ngày đêm.
Cung đàn xưa thánh thót phố quen
Phố Huế chạy dài qua đất bốn thôn của huyện Thọ Xương cũ, hiện các dấu tích được ghi dấu qua các ngôi đình trên phố. Trong đó, đình thôn Giáo Phường ở số 83A ghi nhận những phường xướng ca từ Thanh Hóa ra cư trú từ thời Lê - Trịnh. Đây là thôn hội tụ những đoàn, nhóm nghệ sĩ dân gian cổ truyền chuyên nghiệp. Họ dạy đàn ca, sáo nhị và nhận lời mời đi biểu diễn trong Kinh thành.
Có thể coi đây là làng cầm ca đầu tiên hoạt động có bài bản ở thành Thăng Long. Họ phục vụ trong các hội làng thật đình đám với các loại hình dân ca như hát văn, chèo và ca trù. Trong dân gian vẫn còn truyền lại rằng:“Giáo Phường nức tiếng họ Đào/ Đường tơ ngân phím gửi trao ân tình/ Tiếng gà gáy sáng bình minh/ Sao đi không dứt được mình minh ơi”. Đó là hình ảnh một thời cửa đình thôn ở đoạn đường trên phố có tên “Dốc Hàng Gà - Chợ Hôm”. Ít người còn nhớ một đoạn phố Huế ngang qua chợ Hôm có dãy bán gà ở phía ngoài đường.
Hình ảnh cửa ô Cầu Dền trước và nay.
Hơn nữa, chợ Hôm (79 phố Huế) là phiên chợ chiều của làng Giáo Phường trên phố Huế khá lâu đời. Trước kia, chợ chỉ mua bán chủ yếu hàng thực phẩm tươi sống và rau củ quả phục vụ bữa ăn thường ngày cho các gia đình. Chợ có quy định sẽ đóng cửa vào chừng cuối giờ chiều và sẽ đuổi không cho ai bán quanh ngoài hè chợ nữa.
Sau thời Pháp thuộc, chợ phát triển lấy thêm đất của chùa Đức Viên gần đó để xây chợ nên được đặt tên “Chợ Hôm - Đức Viên”. Chợ có 5 cổng vào và bán đủ các mặt hàng tiêu dùng. Đặc biệt, chợ nổi tiếng với những quầy hàng quần áo được chọn lọc mẫu mã kiểu dáng thời thượng. Hơn nữa, chợ Hôm - Đức Viên còn là trung tâm ẩm thực với những hàng ăn hấp dẫn và ngon miệng luôn đông khách từ sáng đến tối.
Chính thôn Giáo Phường xưa tại đây tạo nên vùng văn hóa “Đờn ca tài tử” làm cơ sở cho sự phát triển không gian nghệ thuật hết sức tự nhiên. Đầu tiên, phải kể tới rạp hát cải lương Ái Liên (số 38 Phố Huế), kế tiếp là rạp hát và chiếu bóng Đại Nam (số 79), ngay bên cạnh chợ Hôm. Sau này là sân khấu biểu diễn của Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam ở 11 Ngô Thì Nhậm (cũng thuộc đất thôn Giáo Phường).
Gia đình nghệ sĩ Ái Liên (1920-1991) ở đây từ trước ngày giải phóng Thủ đô. Đoàn cải lương Ái Liên được thành lập từ năm 1940. Họa sĩ Hà Quang Sơn (sinh năm 1943) là con đầu của NSND Ái Liên và là anh trai của ca sĩ nổi tiếng Ái Vân (sinh năm 1954) đều sống ở đây từ nhỏ. Con trai thứ hai của NSND Ái Liên là NGND Hà Quang Văn (sinh năm 1946). Ông đã từng là Hiệu trưởng trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngôi nhà số 38 phố Huế có tới bốn thế hệ hoạt động nghệ thuật trong các lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh, sân khấu và hội họa. Riêng Rạp hát Đại Nam hiện thuộc Nhà hát Chèo Hà Nội quản lý. Khán giả ai cũng nhớ thời bao cấp khi Đoàn chèo Hà Nội diễn vở “Cô Son”, khán giả tới xếp hàng mua vé từ 5 giờ sáng. Họ chen chúc nhau tưởng vỡ rạp.
Những mỹ nhân trên phố
Như mọi người đã biết, ngôi nhà số 38 là cái nôi sinh thành những người đẹp của gia đình NSND Ái Liên. Trong số ba con gái của nghệ sĩm nổi bật nhất là ca sĩ Ái Vân, sau đó tới Ái Xuân và Ái Loan (đã mất). Ái Vân sớm nổi danh với giọng hát thiên phú cùng với tài năng diễn xuất trên phim ảnh. Có dáng vóc thanh mảnh duyên dáng với gương mặt thanh tú, được coi là ca sĩ hoa khôi trong thập niên 1980.
Cùng giai đoạn này, NSƯT Nguyệt Ánh (1943-2004) cũng nức tiếng với nhân vật chính trong vở kịch “Ni La - Cô gái đánh trống trận” (Nhà hát Kịch Việt Nam). Nguyệt Ánh xinh xắn, có dáng cao ráo và đôi mắt hút hồn bao chàng trai trên phố. Sau đó, Nguyệt Ánh kết hôn với đạo diễn Doãn Hoàng Giang và sinh được một con trai. Họ cùng sống hạnh phúc trong mươi năm ở căn nhà xép cuối phố Huế.
Nhưng cuộc tình không đi theo được hai người dài lâu. Người đẹp Nguyệt Ánh di cư về phương Nam lập nghiệp. Còn đạo diễn lãng tử, NSND Doãn Hoàng Giang vô cùng thất vọng về cuộc hôn nhân. Ông ở vậy nuôi con trai và sống cô đơn cho tới cuối cuộc đời (mất năm 2023).
Khu tập thể Văn nghệ sĩ, số 95A Phố Huế.
Riêng ngôi nhà số 96A phố Huế lại ghi dấu những câu chuyện của hai mỹ nhân nổi tiếng khác. Đó là nữ sĩ Xuân Quỳnh (1942-1988) và nghệ sĩ điện ảnh Tố Uyên (sinh năm 1948). Số phận của hai người đẹp này có quan hệ mật thiết với nhà thơ, kịch tác gia tài hoa Lưu Quang Vũ (1948-1988). Tố Uyên rất nổi tiếng qua bộ phim “Con chim vành khuyên” (năm 1960) khi mới 12 tuổi, sau đó trở thành diễn viên Xưởng Phim truyện Việt Nam.
Người đẹp Tố Uyên sớm kết hôn với nhà thơ Lưu Quang Vũ (năm 1969), sinh được một con trai và sống tại 96A phố Huế. Ba năm sau hai người chia tay nhưng Tố Uyên vẫn sống ở đây nhiều năm sau đó. Trong khoảng thời gian này, năm 1973, nữ sĩ Xuân Quỳnh đến với nhà thơ Lưu Quang Vũ như một sự bù đắp về tình cảm và tinh thần sâu sắc cho cả hai sau những ngày tháng tổn thương và cô đơn. Xuân Quỳnh xuất thân là nghệ sĩ múa của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam và có tài làm thơ. Cuộc tình Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ được gọi là cặp đôi hoàn hảo vì đã chia sẻ được bao nỗi niềm trong cuộc sống. Hạnh phúc đã đem lại cho hai người một cậu con trai dễ thương.
Bất ngờ, sau cuộc hôn nhân thứ hai này, nhà thơ Lưu Quang Vũ phát triển tài năng thật sáng chói. Anh liên tục cho ra đời những vở kịch mới đậm dấu ấn của thời đại. Đặc biệt, khởi động từ vở “Tôi và chúng ta” (Kịch Hà Nội-1985) với kỷ lục 1.000 đêm diễn tạo nên cơn sốt trên sân khấu Thủ đô. Liên tiếp sau đó, hàng chục vở diễn của Lưu Quang Vũ luôn được khán giả đón nhận. Hai vợ chồng Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ suốt 15 năm trời sống trong căn phòng rộng 6 mét vuông trên tầng 3 số nhà 96A phố Huế. Họ đồng hành rất thành công trong sự nghiệp, cho tới khi bị tai nạn giao thông và cùng mất với con trai vào năm 1988.
Còn một chân dung người đẹp nổi tiếng nữa trên phố Huế mà ai cũng nhớ tới, đó là NSND Ngọc Huyền (sinh năm 1962). Chị là con gái của chủ tiệm ảnh Đại Tân khá giàu có ở Phố Huế. Nét đẹp dịu dàng trẻ thơ của Ngọc Huyền được phát huy nổi bật qua các vai kịch lớn trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ. Năm 1986 chị kết hôn với nghệ sĩ Chí Trung (nguyên Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam) và có hai người con. Sau ba mươi năm chung sống, họ đã chia tay. Người đẹp thùy mị trẻ trung ngày nào đã trở lại ngôi nhà xưa như vừa trải qua một giấc mơ màu hồng. Chị sống bình lặng với con cháu và luôn cảm thấy yêu thương cuộc đời bên con phố tuổi thơ.
Ô Cầu Dền vang vọng bản hùng ca
Nằm trên trục đường thiên lý Bắc-Nam, phố Huế xưa được thành Hà Nội chắn ngang bảo vệ qua một cổng thành được gọi là cửa ô Cầu Dền (vị trí nằm giữa ngã tư đường Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt và Bạch Mai). Ô Cầu Dền được xây dựng từ thời Lý. Kiến trúc cổng thành sau này giống như Ô Quan Chưởng (phố Hàng Chiếu) nhưng lớn hơn. Cổng thành Ô Cầu Dền còn được tồn tại cho tới năm 1895, sau đó bị thực dân Pháp dỡ bỏ cùng thời gian phá thành Hà Nội.
Nơi đây đã diễn ra cuộc chiến đấu khốc liệt của quân và dân Thủ đô chống quân đội Pháp, trong suốt 60 ngày đêm (từ 19/12/1946). Ô Cầu Dền là chốt chặn quyết tử phía nam hưởng ứng lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/12/1946). Nay cửa ô không còn nhưng hình ảnh “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của các chiến sĩ cảm tử nơi đây luôn vang dội trong khí thế hào hùng: “Hà Nội vui sao/ Những cửa đầu ô/ Tíu tít gánh gồng/ Đây ô Chợ Dừa, kia ô Cầu Dền/ Làn áo xanh nâu/ Hà Nội tươi thắm”. (“Người Hà Nội” - Nguyễn Đình Thi).
Vương Tâm