Vẫn còn nhiều thuốc giả, thuốc kém chất lượng tiêu thụ trên thị trường

Vẫn còn nhiều thuốc giả, thuốc kém chất lượng tiêu thụ trên thị trường
7 giờ trướcBài gốc
Theo Bộ Y tế, năm 2024, Bộ Y tế (bao gồm Cục Quản lý Dược, Cục Quản lý Y Dược cổ truyền và Thanh tra Bộ) đã có 80 đoàn kiểm tra GMP (thực hành tốt sản xuất thuốc), 90 đoàn kiểm tra GSP (thực hành tốt bảo quản thuốc) tại các cơ sở nhập khẩu được triển khai. Kết quả kiểm tra đã dẫn đến việc tạm dừng một phần hoạt động của một cơ sở vi phạm.
Thuốc giả bị cơ quan Công an phát hiện thu giữ.
Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ đã tổ chức 50 đoàn thanh tra trong lĩnh vực dược phẩm, mỹ phẩm, dược liệu và y học cổ truyền, ban hành 46 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt trên 2,5 tỷ đồng.
Đặc biệt, hệ thống kiểm nghiệm thuốc của Nhà nước gồm 3 viện tuyến trung ương và 62 trung tâm tuyến tỉnh, thành phố đã tiến hành lấy mẫu kiểm tra chất lượng đối với 43.197 mẫu thuốc, mỹ phẩm và dược liệu đang lưu hành trên thị trường.
Trong số này, có 228 mẫu không đạt tiêu chuẩn chất lượng, chiếm tỷ lệ 0,53%. Mặc dù, tỷ lệ này giảm so với các năm trước, nhưng phân tích sâu cho thấy tình trạng thuốc kém chất lượng vẫn còn tập trung nhiều ở nhóm dược liệu và mỹ phẩm.
Cụ thể, tỷ lệ mẫu không đạt tiêu chuẩn chất lượng ở nhóm tân dược là 0,30%, đông dược là 0,40%, trong khi dược liệu lên tới 3,04% và mỹ phẩm là 1,50%.
Những con số này cho thấy trong khi thuốc tân dược, vốn được sản xuất theo quy trình công nghiệp và kiểm soát nghiêm ngặt có tỷ lệ vi phạm thấp, thì dược liệu và mỹ phẩm, đặc biệt là các sản phẩm thủ công, sản xuất nhỏ lẻ, vẫn là điểm nóng về chất lượng.
Đáng lo ngại hơn, trong năm 2024, Bộ Y tế cũng phát hiện 23 mẫu nghi ngờ là thuốc và dược liệu giả. Trong đó, có 11 mẫu thuốc đông dược bị phát hiện có ghi nhãn sai sự thật, tên sản phẩm không tồn tại trên thực tế đồng thời có chứa lẫn các hoạt chất tân dược như paracetamol, diclofenac.
Một số hoạt chất bị nghi làm giả như cefixim, cefuroxime, mebendazole, salbutamol, tetracyclin cũng đã bị phát hiện tại 5 địa phương: Bình Dương, Huế, Sóc Trăng, Thanh Hóa và Vĩnh Phúc. Đây là những hoạt chất có nhu cầu sử dụng cao trong điều trị và do đó dễ trở thành mục tiêu làm giả.
Theo ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thuốc sản xuất bất hợp pháp vẫn có thể lưu hành trên thị trường là do chế tài xử lý đối với các trường hợp vi phạm chưa đủ sức răn đe. Ví dụ, giá trị của một hộp thuốc giả bị phát hiện có thể chỉ ở mức vài trăm nghìn đồng, do đó, mức xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 117 chỉ từ một đến vài triệu đồng.
Bên cạnh việc nâng cao chế tài xử phạt đối với các cơ sở vi phạm, cần có quyết tâm cao và sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật để truy tìm, truy vết và triệt phá các địa điểm sản xuất. Điều này rất quan trọng. Điển hình như vụ việc tại Thanh Hóa, trên cơ sở báo cáo về thuốc giả của Sở Y tế Thanh Hóa gửi Bộ Y tế, Bộ đã chỉ đạo Sở Y tế Thanh Hóa phối hợp với Cục Quản lý thị trường và các lực lượng chức năng trên địa bàn kịp thời chuyển hồ sơ các vụ việc có dấu hiệu hình sự cho cơ quan công an điều tra. Cơ quan Công an tỉnh Thanh Hóa cũng đã lập chuyên án để đấu tranh, triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh như thời gian qua.
Trong năm 2024 đã có 65 mẫu thuốc không đạt tiêu chuẩn bị thu hồi một phần, 10 lô thuốc bị thu hồi hoàn toàn, 4 sản phẩm bị thu hồi tự nguyện. Đồng thời, 18 công văn cảnh báo về thuốc giả và thuốc không rõ nguồn gốc đã được ban hành để thông tin kịp thời cho các cơ sở y tế và người dân.
Để giải quyết tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng lưu thông trên thị trường, theo các chuyên gia, vẫn còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, hệ thống phân phối dược liệu hiện nay còn phân tán, thiếu tiêu chuẩn kiểm soát chặt chẽ và gặp khó khăn trong truy xuất nguồn gốc.
Bên cạnh đó, việc kiểm soát mỹ phẩm và các sản phẩm đông y bán trôi nổi vẫn chưa được triển khai đồng đều giữa các địa phương. Một bộ phận người dân vẫn còn tâm lý tin dùng các sản phẩm giá rẻ, không rõ nguồn gốc, tạo điều kiện cho hàng kém chất lượng tồn tại và phát tán trên thị trường.
Theo ông Tạ Mạnh Hùng, ngay sau khi xảy ra vụ việc thuốc giả tại Thanh Hóa, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 41 và Công điện số 45 về việc xử lý triệt để các hành vi buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và sữa giả. Thực hiện Chỉ thị 17/CT-TTg Bộ Y tế cũng đã ban hành kế hoạch và có nhiều văn bản chỉ đạo về việc kiểm tra giám sát chất lượng thuốc, đấu tranh phòng chống thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ. Hiện nay, Bộ Y tế đang khẩn trương xây dựng kế hoạch, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống thuốc giả, thuốc kém chất lượng và thuốc không rõ nguồn gốc. Trong đó có việc tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương và lực lượng Quản lý thị trường để xử lý các trường hợp kinh doanh, bán thuốc qua mạng không đúng quy định.
Bên cạnh các giải pháp tổng thể và dài hạn đã nêu, Bộ Y tế cũng triển khai các giải pháp trước mắt như tập trung tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra các cơ sở cung ứng thuốc, yêu cầu các cơ sở phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của thuốc trước khi nhập và bán cho người dân. Tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh dược phẩm, đặc biệt trên các kênh thương mại điện tử và mạng xã hội. Khuyến khích các cơ sở kinh doanh áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc và tem chống giả, như mã QR, để quản lý hàng hóa, giảm thất thoát và ngăn chặn thuốc giả.
Đồng thời, Bộ Y tế yêu cầu hệ thống kiểm nghiệm trên toàn quốc, bao gồm các viện kiểm nghiệm thuốc trung ương và các trung tâm kiểm nghiệm tỉnh, thành phố, tăng cường lấy mẫu thuốc trên thị trường, chú trọng lấy mẫu có trọng tâm, trọng điểm, cả định kỳ và đột xuất. Ngoài ra, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường kinh phí cho hoạt động lấy mẫu, mua mẫu, cũng như đầu tư cơ sở vật chất và đào tạo nhân lực cho các trung tâm kiểm nghiệm để nâng cao năng lực kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc tại địa phương.
Trần Hằng
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/thi-truong/van-con-nhieu-thuoc-gia-thuoc-kem-chat-luong-tieu-thu-tren-thi-truong-i768238/