Vẫn còn tình trạng trường ĐH 'đem con bỏ chợ' quảng bá sai với thực tế

Vẫn còn tình trạng trường ĐH 'đem con bỏ chợ' quảng bá sai với thực tế
7 giờ trướcBài gốc
Đây là nội dung tham luận được đưa ra tại Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Quản lý chất lượng trong giáo dục đại học: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam” do Trường Đại học Thủ đô Hà Nội tổ chức hôm nay (26/12).
Toàn cảnh hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Tuân - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội nhấn mạnh, trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, giáo dục đại học đối mặt với nhiều thách thức. Những yêu cầu về chất lượng giáo dục ngày càng cao, không chỉ từ phía người học, mà còn từ phía nhà tuyển dụng và xã hội. Chính vì vậy, việc tìm hiểu và áp dụng những kinh nghiệm quốc tế về quản lý chất lượng giáo dục là điều hết sức cần thiết.
PGS.TS Nguyễn Văn Tuân - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội phát biểu tại hội thảo
PGS.TS Nguyễn Văn Tuân nhìn nhận, hội thảo là cơ hội để các nhà giáo dục, nhà khoa học và chuyên gia chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế về quản lý chất lượng giáo dục đại học trong bối cảnh hiện nay. Những bài học, mô hình quản lý chất lượng giáo dục từ các quốc gia khác sẽ giúp nhà trường có góc nhìn toàn diện và lựa chọn các mô hình hiệu quả vào thực tiễn giáo dục tại nước ta.
Tham luận tại hội thảo, TS Đặng Minh Tiến (Trường ĐH Thương Mại) cho rằng, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, bậc đào tạo đại học ở nước ta đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, phát triển trong bối cảnh mới bên cạnh những điều kiện thuận lợi thì giáo dục đại học cũng đứng trước những khó khăn, thách thức cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để không ngừng nâng cao chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu mà thực tiễn đất nước đang đặt ra.
Trong đó có thực trạng số lượng các cơ sở đào tạo đại học gia tăng, quy mô tuyển sinh lớn, đa dạng các ngành nghề. Tuy nhiên nhiều cơ sở giáo dục đại học chất lượng đào tạo chưa đảm bảo, chưa xây dựng được chuẩn đầu vào, đầu ra, chưa xây dựng được nội dung, chương trình giảng dạy, vẫn còn tình trạng “đem con bỏ chợ”, chạy theo hình thức, hư danh, quảng bá thương hiệu nhà trường sai với thực tế, đánh lừa tâm lí người học.
Một số cơ sở giáo dục đại học xuống cấp về cơ sở hạ tầng, thiếu trang thiết bị thực hành, thiếu diện tích mặt bằng, không gian phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu, giảng dạy, phải thuê mượn, phân tán ở nhiều địa điểm, cơ sở khác nhau. Một số trường trong diện quy hoạch phải di rời ra khỏi nội đô nhưng chậm thực hiện, gây những xáo trộn, lo lắng trong tâm lí giảng viên, sinh viên. Một số trường đại học được xây dựng với quy mô lớn, được cấp phép đào tạo, tuyển sinh nhưng do thiếu tầm nhìn, thiếu đánh giá thị trường, nhu cầu của người học, thiếu bộ máy, cơ cấu tổ chức nên không thể tuyển sinh, trường bị bỏ hoang, gây lãng phí lớn.
Những năm trở lại đây, việc thành lập nhiều cơ sở giáo dục đại học, nâng cấp, chuyển đổi các trường cao đẳng lên đại học, thay đổi tên trường, mở rộng ngành nghề, chạy theo số lượng tuyển sinh mà lãng quên việc nâng cao chất lượng đào tạo khiến nhiều trường mất đi uy tín, hình ảnh, không tạo được thiện cảm, niềm tin với xã hội.
"Vì chạy theo thành tích, lợi ích cá nhân, vì đồng tiền, lợi ích nhóm, một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhân viên dưới quyền của một số cơ sở, đơn vị đào tạo đã lợi dụng hình ảnh nhà trường, chức vụ cá nhân để “dụ dỗ, lôi kéo” số học viên “lười học nhưng sính bằng cấp, chứng chỉ” để đào tạo chui; người học chỉ cần ghi danh, đóng tiền, hợp lý hóa hồ sơ là được cấp bằng.
Ở một số cơ sở giáo dục đại học, học viện do buông lỏng quản lý, lợi dụng kẽ hở của cơ chế chính sách đã thu chi sai quy định, tuyển sinh ồ ạt, vượt quá chỉ tiêu và năng lực tổ chức của đơn vị, dẫn đến việc đánh giá, nghiệm thu kết quả học tập, nghiên cứu khoa học, bảo vệ luận văn, khóa luận tốt nghiệp một cách qua loa, đại khái, vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực đạo đức và liêm chính học thuật; chà đạp và coi thường khoa học", tham luận của TS Đặng Minh Tiến chỉ rõ.
Cũng theo TS Tiến, một trong những bất cập trong giáo dục đại học là tình trạng đào tạo không gắn với nhu cầu và thực tiễn, với đòi hỏi của xã hội, dẫn đến sự lãng phí về nguồn nhân lực, tài chính, thời gian, làm chậm nhịp phát triển của xã hội, đặt ra nhiều vấn đề cho xã hội. Nhiều sinh viên ra trường không có việc làm hoặc có việc nhưng phải đào tạo lại.
Theo thống kê, năm 2023, “Việt Nam có 225.000 cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ tốt nghiệp ra trường nhưng chưa tìm được việc làm, hoặc chấp nhận làm không đúng nghề nghiệp được đào tạo. Còn theo kết quả khảo sát tại 60 doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ công nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh về “Đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp về chất lượng của sinh viên được đào tạo trong năm đầu tiên sau khi tốt nghiệp” (bộ tiêu chí để đánh giá là kiến thức lý thuyết, kỹ năng thực hành, trình độ ngoại ngữ, tác phong làm việc và kỹ năng nghề nghiệp), chỉ có 5% tổng số sinh viên tham gia khảo sát được đánh giá ở mức độ tốt, 15% ở mức khá, 30% ở mức độ trung bình và 40% ở mức độ không đạt”.
Tình trạng học nhưng không có việc làm là một trong những căn nguyên khiến nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông không muốn học lên đại học mà chọn con đường học nghề, du học, xuất khẩu lao động, lao động tự do. Vì thiếu nguồn tuyển sinh đầu vào, vì phải tự chủ tài chính, nhiều trường đã hạ điểm chuẩn, tiến hành nhiều phương thức xét tuyển, thậm chí mời gọi người học nhưng vẫn không đủ chỉ tiêu. Việc chạy theo số lượng, hạ thấp chuẩn đầu vào cộng với tâm lí bất an của giảng viên, khiến cho chất lượng đào tạo ngày càng thấp.
Cần tăng cường hơn nữa quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các trường
Để đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam, theo TS Đặng Minh Tiến, cần tập trung thực hiện một số giải pháp như thay đổi triết lý giáo dục đại học. Thực tiễn cho thấy, muốn “con tàu” giáo dục tiến lên thì trước hết cần phải có một triết lý giáo dục phù hợp. Đó là những nguyên lý nền tảng chỉ đạo toàn bộ việc xác lập mục tiêu, nội dung, phương pháp thực hiện hoạt động giáo dục được đúc kết bằng những câu nói ngắn gọn. Cần chuyển nền giáo dục lấy trang bị kiến thức làm mục tiêu chủ yếu sang một nền giáo dục dạy kỹ năng, dạy cách tự học, cách tư duy làm chủ yếu.
Trong quy trình dạy học đó, sinh viên đóng vai trò chủ động, giảng viên chỉ là người hướng dẫn, định hướng cho sinh viên cách thu nhận kiến thức và hỗ trợ, giải đáp các thắc mắc khi cần thiết. Đi theo sự đổi mới này là hàng loạt các thay đổi căn bản, từ chương trình khung đến giáo trình và phương pháp giảng dạy...
Nền giáo dục ngày nay là nền giáo dục khai phóng nên giảng viên phải chuyển từ dạy tri thức sang dạy cách học, dạy cách tư duy. Do đó, người thầy không nên “nhồi nhét” kiến thức, mà phải trang bị cho người học thói quen “hoài nghi khoa học”, năng lực phản biện các tri thức có sẵn và sáng tạo ra những tri thức mới.
Bên cạnh đó, cũng cần thay đổi một cách căn bản hệ thống đánh giá từ kiểm tra kiến thức sang đánh giá năng lực. Các trường đại học phải cam kết “chuẩn đầu ra” phù hợp với yêu cầu, nhu cầu của xã hội, chứ không phải “chuẩn đầu ra” do trường, cụ thể hơn nữa là do giáo viên tự xác định. Để giáo dục đại học Việt Nam gắn kết với nhu cầu xã hội thì giáo dục đại học phải gắn kết chặt chẽ hơn với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng lao động.
Đặc biệt cần tăng cường hơn nữa quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các trường đại học, bắt đầu từ những trường lớn, trọng điểm. Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ làm công tác quản lý giáo dục đại học. Bên cạnh đó, cần có những người làm công tác quản lý giáo dục đủ tâm, đủ tầm, đủ tài để sử dụng đúng người, giải quyết tốt các vấn đề nảy sinh trong giáo dục đại học theo tinh thần dân chủ. Cải thiện chế độ, chính sách đãi ngộ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục đại học và tăng cường hợp tác, hội nhập quốc tế về đào tạo đại học.
Ngoài ra cũng cần tiếp tục đẩy nhanh quá trình “chuyển đổi số” trong giáo dục đại học. Triển khai xây dựng có hiệu quả cơ sở dữ liệu ngành, đẩy mạnh kỹ năng và nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến, dịch vụ công trực tuyến.
Nguyễn Trang/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/xa-hoi/van-con-tinh-trang-truong-dh-dem-con-bo-cho-quang-ba-sai-voi-thuc-te-post1144779.vov