Ván cược của 'ông thuế quan'

Ván cược của 'ông thuế quan'
7 giờ trướcBài gốc
Tổng thống Trump cầm lệnh hành pháp về việc lập kế hoạch tăng thuế quan. Tuy nhiên, đến ngày 10-4, ông thông báo hoãn áp thuế đối ứng với hàng chục nước trong 90 ngày Ảnh: Reuters
“Thâm hụt thương mại là thất bại”
“Tôi đã trò chuyện với rất nhiều lãnh đạo, từ châu Âu, châu Á, và khắp nơi trên thế giới. Họ rất mong muốn đạt được thỏa thuận. Và tôi đã nói rằng, chúng tôi sẽ không để có thâm hụt thương mại với đất nước của bạn. Chúng tôi sẽ không làm như vậy, vì với tôi, thâm hụt là thất bại. Chúng tôi sẽ có thặng dư, hoặc ít nhất là không thua lỗ”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chia sẻ như vậy với các phóng viên trên chiếc Không lực Một của mình vào tối 6-4. Đồng thời ông tái khẳng định kế hoạch áp dụng các mức thuế quan đối ứng, bất chấp lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế.
Với quan điểm như vậy, Việt Nam, nước bị áp mức thuế đối ứng 46%, sẽ gặp nhiều khó khăn trong thương lượng. Ông Trump rõ ràng nhìn nhận rằng thâm hụt thương mại về hàng hóa của Mỹ là điều xấu, thất bại (mà bỏ qua sự thật Mỹ đang xuất siêu gần 300 tỉ đô la Mỹ dịch vụ ra nước ngoài). Và ông ta cho rằng lý do có thâm hụt là do Mỹ bị các nước áp các công cụ thuế quan và phi thuế quan không công bằng.
Thương lượng với ông Trump lần này là phải hướng tới giảm thâm hụt thương mại hàng hóa một cách thực chất. Giới phân tích đang chỉ ra rằng điều này sẽ đặc biệt khó với những nước có thu nhập bình quân đầu người còn thấp.
Trong bối cảnh đó, thương lượng với ông Trump lần này là phải hướng tới giảm thâm hụt thương mại hàng hóa một cách thực chất. Giới phân tích đang chỉ ra rằng điều này sẽ đặc biệt khó với những nước có thu nhập bình quân đầu người còn thấp vì hai thách thức chính.
Thứ nhất, nguồn lực tài chính của những nước này không dư dả để có thể mua hàng hóa của Mỹ với giá trị lớn để cân bằng thâm hụt. Thứ hai, tỷ trọng xuất khẩu lớn của các nước này đến từ khu vực FDI, nghĩa là nó gắn với xử lý vấn đề về đầu tư trực tiếp nước ngoài và giải quyết vấn đề việc làm.
Công cụ thuế quan ba mũi nhọn của ông Trump
Trong buổi điều trần trước khi nhậm chức của Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Scott Bessent tại Quốc hội Mỹ (một dạng như phỏng vấn của các nghị sĩ đối với ứng viên cho vị trí trọng yếu trong nội các), chúng ta có thể nhìn ra rằng chính quyền ông Trump coi thuế quan như một công cụ có ba công dụng lớn. Ông Bessent cho biết người dân Mỹ nên nghĩ về thuế quan theo ba cách dưới thời chính quyền ông Trump. Một là để khắc phục các hoạt động thương mại “không công bằng, theo ngành hoặc quốc gia, như thuế quan của Trung Quốc đối với thép”. Hai là có thể áp dụng thuế quan như một biện pháp tăng doanh thu cho ngân sách liên bang. Và ba là, thuế quan có thể được sử dụng để đàm phán, và ông ta lấy ví dụ là đối với Mexico trong cuộc khủng hoảng fentanyl.
Như vậy chúng ta có thể thấy, chính quyền ông Trump sẽ không dễ gì từ bỏ một công cụ thương lượng như vậy, mà muốn dùng nó để siết các đối tác thương mại. Có người cho rằng chính sách thuế quan của ông Trump là kiểu phủ đầu, không cần lý do, nhưng thực tế, nếu phân tích những góc nhìn trên, thì thật ra nó có lý lẽ đằng sau. Người ta muốn dùng nó như một công cụ để kiềm chế và đạt giao dịch với các nước.
Và như vậy, chính quyền ông Trump đã không còn xem trọng ai là đồng minh, ai là bạn bè nữa. Họ chỉ có đối tác thương mại mà thôi. Ông Trump đã nói “Một ngày nào đó, có thể họ sẽ không còn là đồng minh của chúng ta” và ông cũng đã nói “Tôi nói điều này với cả bạn lẫn thù, và trong nhiều trường hợp, bạn còn tệ hơn cả thù”.
Việt Nam cần có sự chuẩn bị cho tình huống xấu
Chúng ta dù có đạt được thỏa thuận tốt với thuế quan đối ứng này hay không, thì trong tương lai, nước Mỹ cũng có thể áp các loại thuế quan khác. Ông Trump đã bị gọi là “ông thuế quan” (Tariff Man) trong phân tích của một số nhà kinh tế học và nhà báo Mỹ rồi, chẳng hạn như bà Anne Krueger, cựu kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới.
Để ứng xử với “ông thuế quan” và canh bạc lần này của ông, chúng ta phải có phương án dự phòng.
Trong bài viết của bà Krueger trên Project Syndicate, bà hàm ý rằng thuế quan đối ứng là một canh bạc mà ông Trump đang nâng gấp đôi số tiền cược lên và quyết sẽ không nhượng bộ dễ dàng.
Vì vậy, để ứng xử với “ông thuế quan” và canh bạc lần này của ông, chúng ta phải có phương án dự phòng.
Ở phía Anh và Trung Quốc, đang có những động thái về các gói kích thích kinh tế, giảm thiểu rào cản kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh khó tránh khỏi thuế quan “có đi, có lại” này của Mỹ. Và bản thân hai nước này cũng nhìn nhận rằng đây chỉ là một trong nhiều loại thuế quan mà chính quyền ông Trump có thể áp với các nước. Vẫn sẽ còn nhiều loại thuế quan nữa.
Với động thái tương tự, gần đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đã đề xuất gói hỗ trợ tổng thể nếu đàm phán không có kết quả tích cực, bao gồm hỗ trợ tín dụng, miễn giảm tiền thuê đất, giãn thời gian nộp thuế, hỗ trợ nông dân... Các ngành khác cũng cần lập một phương án dự phòng tình huống xấu như vậy.
Singapore cho thấy phương án dự phòng của họ là phải đa dạng hóa các đối tác thương mại, khi nhìn nhận nước Mỹ rút khỏi hệ thống thương mại tự do toàn cầu là một “bước lùi lớn”, nhưng nước Mỹ chỉ chiếm 14% thương mại toàn cầu. Vẫn còn 86% nữa để tận dụng.
Chúng ta không từ bỏ thị trường Mỹ, nhưng chúng ta phải đa dạng hóa thị trường. Đồng thời, chúng ta cũng cần tìm cách xử lý những trường hợp đang được gọi là “trung chuyển”, nghĩa là một nước đầu tư vào Việt Nam nhằm tìm cách để hàng hóa của họ được công nhận xuất xứ từ Việt Nam trong khi lợi ích mà Việt Nam nhận được là rất ít.
Gần đây, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam đề xuất “tái định hướng FDI” vào chuỗi sản xuất thực chất, yêu cầu công bố chuỗi cung ứng và nguồn nguyên liệu của các doanh nghiệp FDI, tránh bị quy kết là “gia công trá hình”.
Đây cũng là một giải pháp cần làm song song với chuyện đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Mục đích là để ta dần dần có thể giảm được phần hàng hóa xuất sang Mỹ nhưng lợi ích cho Việt Nam thật ra không đáng kể, trong khi lại làm tăng mức xuất siêu sang Mỹ, khiến họ cảm thấy bị thâm hụt thương mại lớn với ta.
Nói như Thủ tướng Phạm Minh Chính, bị áp thuế cũng là cơ hội để tái cấu trúc nền kinh tế, đa dạng hóa thị trường. “Mỹ là thị trường lớn nhất nhưng không phải duy nhất”, Thủ tướng đã nói tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng 6-4.
Chúng ta không thể để “ông thuế quan” kéo chúng ta vào chơi ván cược của ông ấy, mà phải khéo léo thoát khỏi áp lực phải đưa ra những lựa chọn khó theo luật chơi mà ông ấy áp đặt. Đây là lúc mà chúng ta phải phát huy tinh thần sáng tạo và nội lực của dân tộc để vượt qua khó khăn.
Hồ Quốc Tuấn
Nguồn Saigon Times : https://thesaigontimes.vn/van-cuoc-cua-ong-thue-quan/