Người Kurd là dân tộc đông nhất ở Trung Đông, nhưng lại không có quốc gia riêng. Nhiều thống kê ước tính cộng đồng người Kurd dao động từ 20 đến 30 triệu người, sinh sống trên lãnh thổ Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Iraq.
Sau sự sụp đổ của Đế chế Ottoman vào cuối Thế chiến I (năm 1920), các cường quốc thắng trận đã chia lại bản đồ Trung Đông theo Hiệp ước Sykes-Picot và sau đó là các thỏa thuận, như Hiệp ước Sevres (1920).
Hiệp ước này ban đầu hứa hẹn một nhà nước độc lập cho người Kurd, nhưng khi Hiệp ước Lausanne (1923) thay thế, lời hứa đó bị gạt bỏ. Từ đó, người Kurd bị chia cắt giữa 4 quốc gia chính: Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Iran, Iraq.
Cái bắt tay cần thiết ở Syria
Vào ngày 10 tháng 3 năm 2025, một thỏa thuận đã đạt được giữa chính phủ chuyển tiếp tại Syria do Ahmed al-Sharaa lãnh đạo và Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mazloum Abdi lãnh đạo nhằm chấm dứt các hành động thù địch.
Thậm chí, có thông tin tiết lộ về ý định sáp nhập SDF, lực lượng vũ trang của khu vực tự trị người Kurd tại Syria, vào quân đội Syria mới. Tuần trước, tiến trình thực hiện sáng kiến này đã được công bố.
Đầu tiên, tại Aleppo, quân đội chính phủ bắt đầu tuần tra chung với các đơn vị SDF; một số đơn vị của SDF đã được rút về “phía sau” các vùng lãnh thổ do người Kurd kiểm soát.
Thứ hai, đập Tishreen, vốn nằm dưới sự kiểm soát của SDF trong 10 năm qua, hiện đã được chuyển giao và nằm dưới sự kiểm soát của các đơn vị chính phủ. Cả hai hoạt động có tầm quan trọng về mặt chiến lược, thể hiện sự nhượng bộ đáng kể của người Kurd.
Các tay súng người Kurd tại Syria. Ảnh: TACC
Tuy nhiên, vẫn còn có những vấn đề còn mơ hồ, điển hình như hình thức cụ thể nào sẽ được đưa vào quá trình sáp nhập SDF vào lực lượng vũ trang Syria?
Cũng có thể những thỏa thuận đạt được giữa chính phủ chuyển tiếp Syria và SDF chỉ nằm “trên giấy tờ”; bởi lẽ, không gì có thể bảo đảm SDF sẽ sáp nhập vào quân đội chính phủ khi có sự khác biệt cả về mặt dân tộc và ý thức hệ. Trước đây và hiện tại, SDF là yếu tố duy nhất buộc các bên khác trong cuộc xung đột ở Syria (và toàn bộ khu vực) phải coi người Kurd ở Syria là một lực lượng chính trị.
Rõ ràng, việc giải quyết mâu thuẫn sẽ rất khó khăn, nếu không muốn nói là không thể. Bên cạnh đó, việc hợp nhất các cơ quan hành chính tự trị của người Kurd với các cấu trúc chính quyền trung ương cũng là một thỏa thuận hết sức mơ hồ, thiếu cơ chế triển khai trên thực tế.
Sự nhượng bộ hay là chiến thuật mang động cơ chính trị?
Liên quan đến vấn đề người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ, tuần trước Tổng thống nước này Recep Tayyip Erdogan đã gặp phái đoàn của Đảng Dân chủ (DP) và Đảng Bình đẳng Nhân dân (DEM), chủ yếu đại diện cho quyền lợi của cộng đồng người Kurd và các nhóm thiểu số khác trong Quốc hội.
Đây là bước đi đầu tiên thể hiện sự thay đổi trong cách tiếp cận của chính quyền sau lời kêu gọi ngừng bắn của thủ lĩnh Đảng Công nhân người Kurd (PKK) Abdullah Ocalan vào ngày 27 tháng 2 vừa qua. Cần phải nhớ lại rằng, PKK được công nhận là một tổ chức khủng bố của Thổ Nhĩ Kỳ và các nước phương Tây.
Mặc dù kết quả cụ thể của các cuộc đàm phán chưa được công bố, nhưng nhiều khả năng chương trình nghị sự trong các cuộc thảo luận là về sự tham gia của người Kurd trong cuộc bầu cử sắp tới. Thực tế, nhiều nhân vật cấp cao trong liên minh cầm quyền Đảng Công lý và Phát triển (AKP) - Đảng Phong trào Dân tộc (MHP) lên tiếng ủng hộ điều này.
Cộng đồng người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: TASS
Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn. Mặc dù lãi suất của Ngân hàng Trung ương đã lên tới gần 50%, lạm phát vẫn ở mức rất cao (theo số liệu chính thức là 48% tính đến tháng 10 năm ngoái). Kinh tế suy thoái là thách thức lớn nhất đối với chính quyền AKP-MHP và cá nhân Tổng thống Erdogan, người đã lãnh đạo đất nước Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 2003.
Ngược lại, các đảng đối lập đã chứng minh được thành công đáng kể trong các cuộc bầu cử địa phương gần đây. Đặc biệt, việc Thị trưởng Istanbul Ekrm Imamoglu - người được coi là đối thủ chính trị của Tổng thống Erdogan - bị bắt với cáo buộc tham nhũng và hỗ trợ một nhóm khủng bố, đã thổi bùng làn sóng phản đối từ người dân.
Hàng nghìn cuộc biểu tình được phe đối lập chính Đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP) phát động trên khắp cả nước cho thấy khả năng của đảng này quy tụ được số lượng cử tri khá lớn. Đây sẽ là thách thức, trở ngại không thể bỏ qua đối với liên minh cầm quyền trong các cuộc bầu cử sắp tới.
Trong bối cảnh đó, lời kêu gọi từ lực lượng ủng hộ người Kurd tại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở thành một trong những yếu tố quan trọng giúp liên minh cầm quyền AKP-MHP duy trì quyền lực. Nhiều ý kiến cho rằng, động cơ này có thể giải thích cho những thay đổi trong cách tiếp cận của giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến vấn đề người Kurd.
Tuy nhiên, cách tiếp cận này vẫn có những câu hỏi khó trả lời bởi không ai có thể bảo đảm rằng xu hướng hòa giải dân tộc sẽ kéo dài bao lâu. Trong thời gian Đảng AKP nắm quyền, đã có không ít nỗ lực nhằm đạt được hòa bình với PKK, nhưng đều thất bại và không kéo dài được lâu. Tương tự như trường hợp của Syria, chính quyền trung ương ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể đang sử dụng vấn đề người Kurd để đạt được các mục tiêu chiến thuật của riêng mình.
Trong các tuyên bố gần đây của DEM về tình hình trong nước, đại diện của đảng này nhấn mạnh PKK sẽ không hạ vũ khí cho đến khi chính quyền trung ương đưa ra những nhượng bộ thực sự. Mặc dù không chính thức công khai, song có thể dễ dàng nhận ra những yêu cầu đó có thể là việc bảo đảm quyền tự chủ về văn hóa cho người Kurd ở cấp độ hiến pháp. Song xét trên thực tế chính trị trong nước ở Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay, đây sẽ là một sự nhượng bộ rất lớn từ phía chính quyền, một bước ngoặt quan trọng nhằm thúc đẩy hòa hợp dân tộc.
Nếu Tổng thống Erdogan chấp thuận đề xuất này, ông có thể sẽ phải trả giá đắt cả về chính trị nội bộ lẫn uy tín cá nhân, mặc dù động thái này có thể mang lại một bước tiến lớn cho hòa bình.
Cụ thể, những lực lượng theo chủ nghĩa dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ - vốn là đồng minh quan trọng của Tổng thống Erdogan, đặc biệt trong liên minh cầm quyền AKP-MHP sẽ coi bất kỳ sự nhượng bộ nào với người Kurd là đe dọa đến sự toàn vẹn lãnh thổ và bản sắc quốc gia.
Vấn đề người Kurd vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, ở cả Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, những động thái tích cực bước đầu là đáng ghi nhận. Nếu xu hướng phát triển thuận lợi, đây sẽ là bước ngoặt lớn giúp hạ nhiệt căng thẳng ở Trung Đông.
Hùng Anh