Thí sinh dự thi vào lớp 10 THPT tại Hà Nội năm 2024. Ảnh: Phương Lan.
Tự nguyện hay bị ép buộc?
Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là thi tốt nghiệp nhưng việc 16 học sinh lớp 12 tại Trường THPT Cao Bá Quát (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) “tự nguyện” viết đơn xin nghỉ học, bảo lưu kết quả đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Cụ thể, sau khi có kết quả kiểm tra giữa học kỳ 2, khoảng giữa tháng 4/2025 giáo viên chủ nhiệm đã mời một số học sinh và phụ huynh các em lên gặp hiệu trưởng nhà trường. Sau buổi gặp với hiệu trưởng, một số em đã về viết đơn xin nghỉ học, bảo lưu kết quả nhưng cũng có học sinh đã quay lại xin giáo viên chủ nhiệm và hiệu trưởng nhà trường để đi học lại nhưng bị từ chối với nhiều lý do khác nhau. Đến nay, phần lớn các em này chưa đi học lại, có em đã đi làm bốc vác. Hiện Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Đắk Lắk đã lập đoàn xác minh thông tin được phản ánh. Trong khi đó, lãnh đạo nhà trường khẳng định, không có chuyện vận động học sinh yếu nghỉ học để nâng tỷ lệ tốt nghiệp. Phần lớn những học sinh này đều có học lực yếu.
Đây không phải lần đầu giáo viên, nhà trường gặp phụ huynh học sinh học yếu để thảo luận và định hướng cho các em không tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc thi vào lớp 10 công lập. Năm 2024, tại huyện Nghi Lộc (Nghệ An), một số học sinh phản ánh bị nhà trường ngăn cản dự thi lớp 10 công lập do không đạt điểm khảo sát tối thiểu, bị cấm ôn thi và không được dự thi. Tương tự, lá đơn xin “không tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10” do giáo viên Trường THCS Nguyễn Văn Bứa (huyện Hóc Môn, TPHCM) phát cho học sinh, yêu cầu đưa phụ huynh ký với lý do con có học lực kém nên phải tự nguyện cam kết không thi lớp 10, không khiếu nại.
Khi phụ huynh phản ánh, các địa phương đều vào cuộc chấn chỉnh còn giáo viên, nhà trường thường khẳng định việc trao đổi nhằm để phụ huynh nắm rõ tình hình học lực của con và có lựa chọn hợp lý vì quyền lợi của con. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh chỉ còn một thời gian ngắn nữa là kỳ thi diễn ra, các học sinh có quyền được tham dự kỳ thi sau 9 năm hay 12 năm đèn sách mà không phải là bị ngăn cản, ép buộc phải viết đơn tự nguyện xin không thi chỉ vì để đảm bảo thành tích cho nhà trường.
Đánh giá chính xác và phân luồng giáo dục hiệu quả
Theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2025, các trường phổ thông phải thông báo công khai những trường hợp thí sinh không đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp THPT năm 2025 chậm nhất ngày 7/6/2025. Trong đó, để đủ điều kiện dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, thí sinh phải bảo đảm đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định của Luật Giáo dục và các văn bản hướng dẫn hiện hành của Bộ GDĐT.
Tương tự, những học sinh đã tốt nghiệp THCS chương trình giáo dục phổ thông hoặc giáo dục thường xuyên và trong độ tuổi quy định có quyền đăng ký thi vào lớp 10 THPT công lập. Tuy nhiên, không phải tất cả học sinh tốt nghiệp lớp 9 đều đăng ký thi vào lớp 10. Ví dụ, Sở GDĐT Hà Nội dự kiến có khoảng 110.000 trong số 133.000 học sinh tốt nghiệp THCS đăng ký thi vào lớp 10 công lập. Những học sinh khác có thể chọn hướng đi khác như du học, học trường tư thục, học nghề, học trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc đi làm. Tuy nhiên, theo ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội, thi vào lớp 10 công lập là quyền lợi hợp pháp của học sinh, và không ai có quyền ngăn cản việc đăng ký dự thi của các em. Sở yêu cầu rà soát, kiểm tra và xử lý nghiêm nếu có tình trạng vận động học sinh bỏ thi.
Bên cạnh đó, cần quan tâm công tác phân luồng, tư vấn, định hướng vào lớp 10 để phụ huynh và học sinh hiểu rõ năng lực, nguyện vọng của em mình phù hợp phù hợp với hướng đi nào.
Về lâu dài, để loại bỏ hiện tượng ép học sinh bỏ thi, các chuyên gia cho rằng trước hết các địa phương nên bỏ hẳn việc xếp hạng các trường dựa vào kết quả đỗ lớp 10 công lập hay điểm thi lớp 10, kết quả thi tốt nghiệp THPT. Đồng thời với đó là phải đánh giá thực chất hơn nữa trong dạy, học và kiểm tra đánh giá để thực sự học thật, thi thật. Từng nhà trường phải phân công giáo viên theo sát học sinh, rà soát, phân loại học sinh theo từng năm học và có chương trình kèm cặp học sinh yếu kém ngay từ lớp đầu cấp chứ không thả lỏng, dồn đến lớp 9 mới phân loại, ôn tập như hiện nay.
Đặc biệt, đang có tình trạng học sinh yếu kém không đăng ký thi vào lớp 10 THPT nhưng kết quả học tập tại học bạ rất “long lanh”, nhằm để các em có một bộ hồ sơ đẹp khi xét tuyển vào lớp 10 trường tư thục. Quy trình xếp loại học tập và rèn luyện từng năm cần làm chặt chẽ, chính xác để không còn hiện tượng đến cuối cấp lại phải vận động trò không đi thi, ảnh hưởng tới thành tích của nhà trường.
Lâm An