Vận động phụ nữ khám thai, sinh đẻ tại cơ sở y tế

Vận động phụ nữ khám thai, sinh đẻ tại cơ sở y tế
2 giờ trướcBài gốc
Truyền thông thay đổi hành vi nhằm tăng cường việc sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, khám thai định kỳ và sinh con tại cơ sở y tế tại xã Cổ Linh (Pác Nặm)
Các hoạt động của Tuần lễ nhằm tăng cường khả năng tiếp cận của đồng bào dân tộc thiểu số đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, sinh sản và dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em, góp phần thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến năm 2030.
Làm mẹ là niềm hạnh phúc lớn lao của mọi người phụ nữ, song việc mang thai nhiều mẹ còn bỡ ngỡ, lo lắng, mong muốn an toàn cho mẹ và bé. Thời gian qua, các đơn vị y tế trong tỉnh đã đến tận các thôn bản vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tổ chức các hoạt động truyền thông, chia sẻ những nội dung, kiến thức nhằm thay đổi hành vi, tăng cường việc sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, lợi ích của việc khám thai định kỳ; làm mẹ an toàn, sinh con tại các cơ sở y tế để đảm bảo tính mạng cho cả mẹ và bé. Qua đó, giúp người dân hiểu biết hơn về các biện pháp tránh thai an toàn, giúp giảm tỷ lệ sinh con tại nhà, sinh đẻ có kế hoạch, nuôi dưỡng con một cách khoa học hơn.
Chị Bàn Thị Ghến, thôn Bản Cám, xã Cao Thượng, huyện Ba Bể chia sẻ: "Mấy năm trở lại đây, đường đã được bê tông hóa đi lại dễ dàng, cùng với đó người dân được tuyên truyền kiến thức cơ bản và cần thiết về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh, tư vấn chế độ dinh dưỡng... nên các mẹ trong thời kỳ mang thai đã chủ động đến cơ sở y tế để được tư vấn, thăm khám và sinh đẻ, không còn tình trạng sinh đẻ tại nhà nữa".
Trung tâm Y tế huyện Bạch Thông thực hiện thành công ca mổ lấy thai.
Bác sĩ Vy Thị Tiệm, Phó Trưởng trạm Y tế xã Cao Thượng, huyện Ba Bể cho biết: Tọt Còn, Ngạm Khét, Nà Sliền là các thôn vùng cao, chủ yếu đồng bào dân tộc Mông, Dao cùng sinh sống; trình độ dân trí không đồng đều, tình trạng sinh con tại nhà và tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn còn xảy ra. Để làm tốt công tác trên, Trạm Y tế xã cũng đã thường xuyên phối hợp với các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương, tổ chức tuyên truyền lồng ghép tại các buổi hội họp trong thôn để từng bước nâng cao kiến thức làm mẹ an toàn của người dân, từng bước giảm tỷ lệ sinh con tại nhà. Từ đầu năm đến nay, tại các thôn này chỉ có 02 ca sinh đẻ tại nhà, còn lại đến cơ sở y tế sinh đẻ.
Làm mẹ an toàn là một trong các nội dung quan trọng của công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản. Mục tiêu của chương trình này nhằm, tăng cường khả năng tiếp cận của đồng bào dân tộc thiểu số đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em, góp phần thực hiện đạt được các mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn một là từ năm 2021 đến năm 2025, giai đoạn hai từ 2025 đến 2030.
Đẩy mạnh công tác truyền thông về Làm mẹ an toàn, tập trung vào nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong cộng đồng về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trên địa bàn, giảm tỉ lệ tai biến sản khoa, giảm tình trạng tử vong mẹ và trẻ sơ sinh. Chính vì vậy, thời gian qua, các nội dung giáo dục sức khỏe về chủ đề này được ngành Y tế quan tâm triển khai thực hiện, trở thành nội dung quan trọng của Chiến lược chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em.
Ngành chức năng tích cực truyền thông, cung cấp kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh... cho người dân trên địa bàn tỉnh
Bác sĩ CKI, Mai Thị Thúy, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn cho biết: Để hỗ trợ, nâng cao nhận thức, nhằm thay đổi hành vi của người dân trong cộng đồng về Làm mẹ an toàn, Trung tâm đã triển khai kế hoạch xuống tận các thôn bản vùng cao; tổ chức các buổi truyền thông, cung cấp những kiến thức cơ bản và cần thiết về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh, tư vấn chế độ dinh dưỡng trong suốt quá trình mang thai, lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ. Từ đó làm rõ ý nghĩa và sự cần thiết phải thực hiện Tuần lễ Làm mẹ an toàn.
Các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, hành động của người dân và cộng đồng về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em; thay đổi hành vi bảo vệ sức khỏe cho phụ nữ trước và trong suốt quá trình mang thai, bảo vệ trẻ em khi mới sinh trong mỗi gia đình và cộng đồng. Đồng thời, giúp phụ nữ chủ động phát hiện kịp thời các dấu hiệu nguy hiểm trong các thời kỳ mang thai và chăm sóc trẻ sơ sinh nhằm hỗ trợ giảm tỷ lệ tử vong mẹ, tử vong trẻ em trên địa bàn./.
9 tháng năm 2024, tỷ lệ phụ nữ đẻ được khám thai ít nhất 3 lần trong 3 thai kỳ đạt 100%. Tỷ lệ phụ nữ, người dân tộc thiểu số có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế, hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế đạt 69,7%; Tỷ lệ trẻ dưới 01 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các vắc xin theo quy định của chương trình là 95%; phấn đấu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi xuống dưới 25,8% trong năm 2024./.
Lý Dũng-Hoàng Chúc
Nguồn Bắc Kạn : https://baobackan.vn/van-dong-phu-nu-kham-thai-sinh-de-tai-co-so-y-te-post66499.html