Những cuộc “binh biến”
Năm 2022, Nguyễn Thị Uyển Nhi vụt lên như một gương mặt trẻ tài năng của võ thuật Việt Nam. Võ sĩ này thi đấu ấn tượng tại sân chơi MMA chuyên nghiệp, đồng thời được kỳ vọng tiến sâu, mang về thành tích tốt cho đội Võ cổ truyền Nghệ An tại các giải quốc gia. Nhưng bước sang đầu năm 2023, Uyển Nhi đột ngột xin nghỉ thi đấu.
"Con biết các thầy sẽ buồn, sẽ giận nếu con giải nghệ sớm. Nhưng con mong các thầy thông cảm, vì gia đình con còn khó khăn. Con muốn nghỉ thi đấu để dành thời gian học ngoại ngữ, sắp tới đi xuất khẩu lao động". Đó là những điều Uyển Nhi nói với các HLV phụ trách bộ môn tại đơn vị Nghệ An, nơi có truyền thống sản sinh nhiều võ sĩ giỏi.
Uyển Nhi (áo đen) rời Nghệ An để vào TP Hồ Chí Minh thi đấu bằng lời nói dối.
“Chảy máu” VĐV thể thao thành tích cao là tình trạng Nghệ An phải đối mặt hàng năm. Ngay cả khi nâng chế độ cho VĐV lên mức khá tốt như hiện tại, Nghệ An cũng không thể chống lại "cơn bão" kim tiền, khi VĐV muốn đổi đời nhanh bằng con đường xuất khẩu lao động. Họ thường lặng lẽ chấp nhận sự thật, cho đến lúc "sự cố" Uyển Nhi xuất hiện.
Chỉ ít ngày sau khi Uyển Nhi xin rời đội, một số VĐV khác cũng theo chân cô. Nhưng thay vì nghỉ thi đấu và xuất khẩu lao động như đã nói, Uyển Nhi lặng lẽ "Nam tiến". Cô tiếp tục xuất hiện tại sân chơi MMA Việt Nam, với tư cách là võ sĩ đại diện cho một CLB võ thuật tại TP Hồ Chí Minh, chứ không thi đấu vì màu cờ sắc áo của Nghệ An nữa.
Tại Giải vô địch Võ cổ truyền Thế giới 2024 vừa qua, Uyển Nhi tham gia tranh tài với tư cách thành viên đội Võ cổ truyền TP Hồ Chí Minh. Bằng một cách nào đó, võ sĩ này đã dùng kế "ve sầu thoát xác", đổi đơn vị chủ quản một cách ngoạn mục. Phía Nghệ An ngậm đắng nuốt cay.
Đáng chú ý hơn, Uyển Nhi không phải trường hợp quá hiếm hoi của thể thao thành tích cao Việt Nam. Rất nhiều địa phương có hệ thống đào tạo bài bản, hàng năm trình làng không ít VĐV giỏi. Tuy nhiên, họ lại nhanh chóng để mất "gà nòi" vào tay những địa phương có tiềm lực kinh tế, tạo hiện tượng chảy máu tài năng.
"Đội Võ cổ truyền Nghệ An còn có nhiều gương mặt khác nếu Uyển Nhi nghỉ thi đấu, còn đội chúng tôi không may mắn như vậy. Ở tất cả các tuyến, tôi chỉ có trong tay trên dưới 10 VĐV. Phần lớn trong số các em có ít nhất 1 lời đề nghị bỏ địa phương hiện tại để đi nơi khác", HLV một đội võ thuật khu vực phía Bắc bức xúc nói.
Người “trồng cây”, kẻ “hái quả”
Các lãnh đạo đầu ngành thể thao thừa nhận đào tạo VĐV đỉnh cao mất khoảng 8-10 năm. Bên cạnh đó, không phải mọi VĐV có tiềm năng từ lứa trẻ đều thể hiện tốt khi lớn lên. Nếu coi đây là khoảng thời gian địa phương chủ quản "đầu tư" cho VĐV, họ cũng nên được "hái quả", chí ít trong 4-5 năm.
Phần lớn các HLV đều đưa ra một mẫu số chung cho xác suất đào tạo nên một VĐV thể thao thành tích cao. Trong số 30-50 người được tuyển chọn từ cấp độ VĐV trẻ, mới có 1-2 người trụ lại và mang về thành tích ở lứa tuổi trưởng thành. Điều đó cho thấy, đào tạo VĐV tại Việt Nam không đơn giản, ngay cả với các VĐV chỉ ở trình độ quốc gia.
Khó khăn trong công tác tuyển chọn, đào tạo VĐV là lý do khiến một số đơn vị muốn đốt cháy giai đoạn. Đó thường là những đơn vị có tiềm lực mạnh về kinh tế, cùng nguồn ngân sách dành cho thể thao lớn hơn hẳn so với phần còn lại. Họ không ngại rải tiền để đưa những VĐV nổi trội về địa phương mình thi đấu, cùng mức đãi ngộ có một không hai.
Bình Dương và Đồng Nai là 2 trong số các địa phương chịu chi nhất trong công tác tuyển mộ VĐV thể thao thành tích cao. Đồng Nai đã "thắng lớn" trong việc chiêu mộ tay vợt Nguyễn Thùy Linh. Tay vợt sinh năm 1997 là người Phú Thọ, ăn tập ở Hà Nội, rồi chơi cho Đà Nẵng. Thùy Linh đầu quân cho Đồng Nai sau khi hợp đồng với Đà Nẵng kết thúc.
Tại Đồng Nai, Thùy Linh không chỉ được hưởng mức đãi ngộ vượt trội so với một VĐV thể thao thành tích cao thông thường. Địa phương chủ quản còn tạo điều kiện, hỗ trợ một phần kinh phí du đấu quốc tế cho Thùy Linh. Điều đó giúp tay vợt Việt Nam có thể thường xuyên xuất ngoại thi đấu với mật độ dày đặc trong 2 năm qua.
Bên cạnh Thùy Linh, cầu lông Đồng Nai đã sớm hái một "quả ngọt" khác là Nguyễn Thị Thu Huyền. Tay vợt này mới 13 tuổi, nhưng đã được Đồng Nai chiêu mộ từ đơn vị chủ quản cũ là Hải Dương. Thu Huyền mới đây đã giành HCB lứa tuổi U15 tại giải vô địch cầu lông trẻ châu Á, và được xem như gương mặt nổi bật nhất kế cận Thùy Linh trong tương lai.
Đóng góp của những đơn vị như Bình Dương, Đồng Nai trong phát triển thể thao thành tích cao là không thể phủ nhận. Họ giúp nhiều VĐV có thu nhập, đãi ngộ tốt. Nhưng nếu lật ngược câu chuyện, một vấn đề khác sẽ nảy sinh: Những đơn vị khác sẽ phát triển ra sao, nếu họ liên tục bị "rút ruột", lấy đi những tài năng sáng giá nhất?
Hậu quả của việc chảy máu tài năng có thể thấy rõ nhất ở nhiều đơn vị tỉnh lẻ như Nghệ An, Hải Dương. Trong quá khứ, Nghệ An từng là thủ phủ của võ thuật Việt Nam. Họ liên tiếp đạt thứ hạng cao tại các giải Boxing, Võ cổ truyền toàn quốc. Nhưng giờ đây, mỗi bộ môn võ của Nghệ An phải chật vật mới có thể giành được 1 HCV.
Cần có quy định "trói chân"
Mỹ là quốc gia đi đầu trong phát triển thể thao thành tích cao, cũng như thể thao nhà nghề. Họ có hàng loạt quy định nhằm giới hạn, ngăn tình trạng "rút ruột" VĐV tài năng. Ví dụ tiêu biểu nhất là giải bóng chày nhà nghề Mỹ (MLB), nơi một VĐV chỉ được tự do ra đi tìm CLB mới nếu thi đấu đủ 5 năm liên tục ở cấp độ cao nhất.
Thùy Linh đầu quân cho Đồng Nai từ một địa phương khác.
Trên thực tế, những quy định theo hướng "trói chân" VĐV thể thao thành tích cao của Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện. Nguồn gốc của nó là những quy định luật bất thành văn, đặc biệt trong giới võ thuật. Ví dụ như VĐV chuyển sang đơn vị mới, nếu gặp lại địa phương cũ thì buộc phải xin thua, hoặc phải được thầy cũ cho phép thi đấu.
Điền kinh là một trong những môn thành tích cao ở Việt Nam tiên phong văn bản hóa điều khoản trói chân VĐV. Liên đoàn Điền kinh Việt Nam quy định, một VĐV rời địa phương chủ quản đã đào tạo ra mình sẽ thi đấu không có thành tích tại các giải quốc gia trong 2 năm liên tiếp. Đây là việc cần làm để bảo vệ các địa phương phát triển điền kinh.
"Trong quá khứ, thể thao Việt Nam xuất hiện không ít trường hợp buồn vì hiện tượng đơn vị nhỏ bị đơn vị lớn lấy mất VĐV tài năng. Hậu quả là đơn vị nhỏ quyết định xóa sổ hẳn bộ môn đó. Nhiều HLV mất việc, hệ thống tuyển chọn tài năng cũng biến mất chỉ vì mỗi tài năng phát hiện ra đều bị lấy mất", một cán bộ ngành thể thao cho biết.
Hiện tượng "rút ruột" VĐV thể thao thành tích cao còn tiềm ẩn nhiều hệ lụy xấu. Ở đó, VĐV là người trực tiếp được hưởng lợi, nhưng họ cũng đóng vai nạn nhân khi cần thiết. Nếu bị đơn vị hiện hành không cho phép rời đi, họ sẽ đưa ra những lý do cũ: Đời VĐV ngắn, phải lo cho gia đình... để gây sức ép, được ra đi như ý muốn.
Có lẽ, giờ là lúc thể thao thành tích cao Việt Nam cần có một số quy định rõ ràng về việc ràng buộc VĐV với đơn vị đào tạo ra mình trong một số năm nhất định. Đó chính là nền tảng của hợp đồng đào tạo trong bóng đá chuyên nghiệp, một cách để các CLB tự bảo vệ mình, nhằm giữ chân cầu thủ để không bị đội bóng khác lấy mất với giá 0 đồng.
Thu nhập VĐV 15-20 triệu đồng mỗi tháng vẫn thấp?
TP Hồ Chí Minh là một trong những đơn vị có chế độ đãi ngộ tốt nhất cho số đông VĐV. Các VĐV thuộc tuyến "đội tuyển" của TP Hồ Chí Minh là những người thường xuyên thi đấu giải thuộc hệ thống vô địch quốc gia. Với VĐV tuyến đội tuyển tại TP Hồ Chí Minh, mức đãi ngộ dành cho họ là 12 triệu đồng/tháng, được đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ.
Con số 12 triệu đồng/tháng kể trên chưa bao gồm tiền thưởng kiện tướng, hay thưởng theo số huy chương giành được mỗi năm. Mặt khác, VĐV được hưởng trọn khoản tiền lương tháng kể trên nếu tập luyện, điểm danh đủ số ngày theo quy định. Trung bình mỗi ngày, họ tập luyện 4-6 tiếng ở đội, ít hơn thời gian làm việc của nhân viên văn phòng.
Nếu tính thêm các khoản tiền thưởng nhận được hàng năm, mỗi VĐV có thu nhập bình quân hàng tháng vào khoảng 15 triệu đồng. Con số sẽ là 20, thậm chí 25-30 triệu đồng mỗi tháng với VĐV đẳng cấp cao. Các khoản thưởng dành cho VĐV cũng rất đa dạng, theo cấp độ Trung ương và địa phương.
"Vận động viên bây giờ nhìn chung được hưởng đãi ngộ tốt. Các em VĐV ở cấp độ thi đấu quốc gia được HLV, đơn vị chủ quản tạo điều kiện làm thêm để có thu nhập. VĐV đỉnh cao, có thành tích thi đấu quốc tế thì nhận về những khoản tiền thưởng theo nhiều chế độ khác nhau. Tôi không hiểu vì sao VĐV vẫn than đời mình khổ, lương thấp", một HLV cho biết.
Đơn Ca