Vận hành bộ máy mới không chỉ là chuyện hợp nhất con dấu

Vận hành bộ máy mới không chỉ là chuyện hợp nhất con dấu
10 giờ trướcBài gốc
Khi “làm, ăn, ngủ cùng nhau” không còn là câu nói vui
Hai tuần sau khi chính thức thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính, không khí tại trụ sở Ủy ban nhân dân (UBND) các xã mới ở Ninh Bình gần như không lúc nào lắng dịu. Từ sáng sớm đến tối muộn, từng tốp cán bộ, công chức vẫn miệt mài với hàng chồng hồ sơ, giấy tờ chất kín bàn làm việc. Người thì rà soát nhân sự, người cập nhật dữ liệu hành chính, người tranh thủ sắp xếp lại phòng ban tạm thời vì trụ sở còn chưa kịp cải tạo.
Dẫu còn bộn bề khó khăn từ việc nhận nhiệm vụ mới, nơi làm việc mới, nhân sự dôi dư chưa sắp xếp xong, đến hệ thống hồ sơ chưa được thông suốt… nhưng tinh thần trách nhiệm và sự chủ động của đội ngũ cán bộ tại đây là điểm sáng rõ nét. Họ không chỉ gồng mình xử lý khối lượng công việc lớn chưa từng có, mà còn nỗ lực để người dân không cảm nhận thấy sự xáo trộn trong phục vụ hành chính.
Những bữa cơm trưa vội tại cơ quan, những giấc nghỉ ngắn trên ghế nhựa, những cuộc họp ngắn đầu giờ để phân công công việc đã trở thành nhịp sinh hoạt mới tại hầu hết các xã, phường trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Trung tâm hành chính công phường Vị Khê, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: CTV
Ông Nguyễn Thế Báu, Phó Chủ tịch UBND, Giám đốc Trung tâm hành chính công phường Vị Khê, tỉnh Ninh Bình chia sẻ: “Theo lịch làm việc mới, anh em làm từ 8h sáng đến 12h trưa, tranh thủ ăn cơm, nghỉ một chút rồi lại làm tiếp từ 13h. Ngày trước ở đơn vị cũ, về nhà anh em có khi chỉ mất hai cây số, nên có thể tranh thủ về ăn cơm, nghỉ ngơi. Bây giờ thì khác, đa phần anh em đều ở lại cơ quan. Chỉ có một hai người có con nhỏ, nhà gần thì mới tranh thủ chạy về được, bởi ở xa thì không kịp ăn cơm. Anh em ăn chung, ngủ chung ở cơ quan luôn, nên dù vất vả nhưng cũng thành quen, thành tình cảm. Cùng nhau chia sẻ khó khăn, cùng nhau giữ cho guồng công việc của xã không bị gián đoạn, đáp ứng công việc kịp thời trong giai đoạn địa bàn mới còn nhiều thay đổi".
Ông Báu cho biết thêm, địa bàn sau sáp nhập khá rộng, là kết hợp từ năm đơn vị hành chính cũ, nên chúng tôi đã chủ động triển khai tuyên truyền trước khi sáp nhập chính thức khoảng hai tuần. Cán bộ tại địa bàn cũ phụ trách loa phát thanh, dán thông báo tại các khu dân cư để người dân nắm rõ địa điểm giao dịch mới. Đồng thời, chúng tôi đã tiến hành khảo sát hệ thống máy tính, đường truyền mạng, rà soát lại nhân sự của các đơn vị sáp nhập.
Không chỉ phường Vị Khê, tại nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, tinh thần chủ động vượt khó, sẵn sàng thích nghi với điều kiện làm việc mới cũng được thể hiện rõ nét. Tại UNBD xã Rạng Đông, một trong những địa bàn có diện tích rộng, áp lực lại càng lớn khi khối lượng công việc tăng vọt ngay sau sáp nhập.
Ông Ngô Hoài Nam, Chủ tịch xã Rạng Đông, tỉnh Ninh Bình chia sẻ: "Chúng tôi về nhận nhiệm vụ trước thời điểm sáp nhập chính thức có một ngày, vì thế ngay cường độ công việc cao khiến cán bộ phải tranh thủ từng phút. Có hôm anh em bận quá, chỉ kịp ăn uống nhẹ nhàng ngay tại bàn làm việc trước giờ trưa rồi lại tiếp tục công việc buổi chiều. Dù vất vả, nhưng ai cũng cố gắng để không làm chậm trễ việc của dân".
Rạng Đông có diện tích rộng hơn nhiều so với các xã khác trong khu vực. Trong ba trụ sở đang có, trụ sở UBND thị trấn Rạng Đông cũ trước đây được chọn làm trụ sở chính UBND xã Rạng Đông mới có điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế. Vì thế, ngay từ ngày đầu tiếp nhận nhiệm vụ, cán bộ, công chức tại đây đã nhanh chóng bắt tay vào sửa chữa, nâng cấp các hạng mục thiết yếu và đặc biệt là cải thiện hạ tầng trung tâm hành chính công để có thể đảm bảo phục vụ người dân từ những ngày đầu tiên. Nhờ sự chủ động, các điều kiện phục vụ người dân cơ bản đã được đảm bảo. Hệ thống máy tính, đường truyền internet, phần mềm một cửa đều vận hành trơn tru, ổn định. Những ngày đầu sau sáp nhập, người dân đến làm thủ tục khá đông nhưng mọi giao dịch vẫn diễn ra thuận lợi, không có phản ánh hay phàn nàn nào đáng kể.
Cần thời gian để bắt nhịp
Sau sáp nhập, cán bộ ở cả cấp theo mô hình cũ được điều động, sắp xếp về cùng công tác tại đơn vị hành chính cấp xã mới. Mỗi người đến từ một nền nếp quản lý và môi trường làm việc khác nhau. Trong bối cảnh đó, sự phối hợp nhịp nhàng trở thành yếu tố then chốt giúp guồng máy xã mới vận hành ổn định, không bị “lệch nhịp”.
Từng giữ vị là Trưởng phòng Hành chính, tổ chức Văn phòng UBND tỉnh Nam Định, ông Nguyễn Thế Báu nay chuyển về xã công tác. Ông cho biết, khi chuyển từ cấp tỉnh về công tác tại cơ sở, việc tiếp cận công việc ban đầu cũng gặp không ít khó khăn. Ở cấp xã, cán bộ không chỉ tổ chức thực hiện mà còn phải trực tiếp xử lý nhiều đầu việc cụ thể, nên công việc diễn ra liên tục, gần như không có thời gian trống. Cùng với đó, do mới nhận nhiệm vụ được hai tuần nên chúng tôi vẫn chưa có thời gian xuống địa bàn, tiếp xúc với tâm tư, nguyện vọng của người dân.
Ông Báu đã phân công cán bộ từng phụ trách bộ phận một cửa của các địa phương cũ tiếp tục đảm nhiệm vị trí tương ứng tại trung tâm hành chính công mới. Cách làm này giúp người dân khi đến giao dịch gặp lại những gương mặt quen thuộc, tạo cảm giác thân thuộc và thuận lợi hơn trong quá trình giải quyết thủ tục.
Đồng thời, ông phân công cán bộ trước đây phụ trách cấp huyện, tỉnh chuyên môn, nghiệp vụ tổ chức tập huấn, hướng dẫn thao tác trên phần mềm quản lý, cổng dịch vụ công và quy trình xử lý hồ sơ điện tử cho cán bộ toàn xã. Bên cạnh đó, khi phát sinh lỗi kỹ thuật hoặc sự cố đường truyền đội ngũ này phải kịp thời hỗ trợ, đảm bảo công việc không bị gián đoạn.
Ông Ngô Hoài Nam cho biết, trước đây tôi từng làm lãnh đạo cấp huyện, nhưng không phụ trách toàn diện tất cả các lĩnh vực, nên vẫn cần tiếp tục học hỏi và củng cố thêm. Trong bộ máy hiện nay, cán bộ xã có cả những người từng là lãnh đạo xã cũ, rất am hiểu địa bàn và giàu kinh nghiệm thực tiễn, đặc biệt trong xử lý vụ việc, hỗ trợ nhân dân. Những người này sẽ là lực lượng hỗ trợ đắc lực cho chúng tôi trong quá trình vận hành bộ máy mới. Ngược lại, về chuyên môn, về phong cách làm việc chúng tôi trực tiếp ‘cầm tay chỉ việc’ hỗ trợ anh em trong quá trình điều hành, triển khai công trình, dự án… cũng như xử lý các nhiệm vụ phát sinh tại địa bàn. Đội ngũ cán bộ hiện nay đến từ nhiều cấp khác nhau, nên việc phối hợp nhịp nhàng, phân công rõ ràng là yếu tố then chốt để bộ máy mới có thể vận hành hiệu quả và ổn định lâu dài. Tuy nhiên, những thay đổi này không thể hoàn thành trong ngày một ngày hai.
Vân Hồng-CTV Trần Hồng/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/chinh-tri/van-hanh-bo-may-moi-khong-chi-la-chuyen-hop-nhat-con-dau-post1214398.vov