Những năm trước đây, cụ thể 2020, Viện Khoa học Môi trường và Xã hội đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Giải pháp đảm bảo công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính nhà nước ở Việt Nam”, theo đó, Nhà nước với tư cách là chủ thể của quyền lực công phải công khai, minh bạch và giải trình về hoạt động của mình với toàn thể xã hội và công chúng.
Đó là câu chuyện được đặt ra từ những thế kỷ trước (1788). Về vấn đề này, James Madison từng viết: “Trong việc tạo dựng một Chính phủ, con người quản lý con người, khó khăn lớn nằm ở chỗ trước hết phải bảo đảm Chính phủ kiểm soát được những người phải quản lý và tiếp theo bảo đảm Chính phủ phải kiểm soát được chính bản thân mình”.
Trăn trở để quyết tâm phát triển
Ngày 1-7-2025, chúng ta bắt đầu nền hành chính 3 cấp, nếu chỉ tính chính quyền địa phương là 2 cấp (tỉnh và xã/phường). Trước những băn khoăn và cả nghi ngại về sự vận hành cũng như hiệu quả của hệ thống mới, chúng ta thử phân tích về lý thuyết xem những gì là ưu và nhược điểm của cả hai hệ thống. Song song với hệ thống mới là việc sáp nhập tỉnh từ 63 còn 34 tỉnh.
Theo các nhà nghiên cứu lập pháp, hiện trên thế giới có bốn mô hình tổ chức chính quyền thì Việt Nam (trước 1-7-2025) áp dụng mô hình tổ chức chính quyền 4 cấp gồm trung ương, tỉnh, huyện, xã/phường. Mô hình này đã được đề cập ngay trong Hiến pháp năm 1946. Như vậy, không tính trung ương, mô hình chính quyền địa phương tại Việt Nam có 3 cấp. Trong suốt quá trình lịch sử, mô hình này đã phát huy hiệu quả, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước. Tuy nhiên, qua nhiều lần điều chỉnh địa giới hành chính, mô hình chính quyền địa phương đã bộc lộ những nhược điểm và không còn phù hợp với bối cảnh phát triển mới của đất nước.
Tổng Bí thư Tô Lâm thường nhấn mạnh rằng nguy cơ tụt hậu luôn hiện hữu. Đây là vấn đề chúng ta đã nhìn nhận ra, song phải phát triển mạnh mẽ để tránh khỏi nguy cơ đó. Ông nói: “Cứ lững thững bước đi, chúng ta khó bắt kịp các nước trong khu vực và trên thế giới. Nhìn sang Trung Quốc khi mở cửa có trình độ tương đồng, bây giờ thu nhập đầu người 12.000 - 15.000 USD, còn ta chưa được 5.000 USD”. Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, cần tính đến cơ chế hành pháp, mức độ liêm chính của Chính phủ, Nhà nước. Trong bối cảnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, các yếu tố này cần được chú trọng hơn. Ông cũng lưu ý đến việc đảm bảo lợi ích của người dân, quyền làm chủ của nhân dân, củng cố nền dân chủ.
Trao đổi với báo Công Thương, TS.Nguyễn Minh Phong - nguyên Phó Vụ trưởng, Phó ban Tuyên truyền lý luận Báo Nhân Dân, cho rằng, chính quyền địa phương 3 cấp cho thấy cấp huyện mang đậm tính trung gian, nhiều quyền mà ít trách nhiệm thực sự trên thực tế quản lý hành chính nhà nước. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra sự thiếu minh bạch trong quản lý và trách nhiệm, cũng như làm gia tăng chi phí cơ hội cho người dân, doanh nghiệp và quản lý hành chính ở địa phương.
Thống kê của Bộ Nội vụ cho thấy, tính đến hết năm 2024, số lượng cấp huyện tại Việt Nam còn gần 700 đơn vị, số cấp xã là 10.035 đơn vị. Đi kèm với bộ máy cồng kềnh, số lượng công chức, viên chức, người lao động khổng lồ; chất lượng không đồng đều, nhất là công chức cấp xã. Đâu đó, vẫn còn tình trạng “con ông, cháu cha”, chạy chọt chức vụ bằng nhiều hình thức. Bên cạnh đó, tổng chi phí đầu tư cho xây dựng, sửa chữa, bảo dưỡng trụ sở; trang bị cơ sở vật chất, công cụ làm việc cho các cấp chính quyền địa phương và chi thường xuyên; chi phí tiền lương, phụ cấp rất lớn.
Tốn kém, lãng phí nguồn lực là vậy, song chất lượng giải quyết công việc lại chưa tương xứng với nhiều thủ tục hành chính rườm rà phức tạp, qua nhiều cấp… Thậm chí, hình thành sự cửa quyền, hách dịch, cơ chế xin cho… diễn ra ở nhiều cấp. Điều này dẫn đến tình trạng công việc của người dân, doanh nghiệp bị chậm trễ, ách tắc. Nhiều cán bộ đã không giữ được phẩm chất, đạo đức công vụ dẫn đến vi phạm phải xử lý, đã phần nào làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Trở lại với vấn đề giải quyết thủ tục hành chính tại chính quyền địa phương cấp xã, huyện, nhiều nơi đã diễn ra những tiêu cực, tham nhũng vặt từ việc xin dấu xác nhận hồ sơ, đến chuyển nhượng đất đai, cấp phép xây dựng, thực hiện nghĩa vụ quân sự… Đã có những vụ việc khiếu nại, kiện cáo kéo dài qua nhiều tháng vì phải theo trình tự từ xã, đến huyện và tỉnh.
Công tác quản lý của chính quyền 4 cấp có nhiều bất cập, cần phải thay đổi để phát triển mạnh mẽ.
Những ưu điểm chính của mô hình chính quyền 3 cấp
Có thể nói, mô hình chính quyền 3 cấp khá phổ biến trên thế giới hiện nay. Mô hình này bao gồm chính quyền trung ương (quốc gia), chính quyền tỉnh (khu vực) và chính quyền địa phương (cơ sở). Qua nghiên cứu mô hình của phần lớn các quốc gia theo mô hình này, có thể nhận thấy, chính quyền 3 cấp là cơ cấu tổ chức gọn nhẹ, phân bổ quyền lực và trách nhiệm rõ ràng giữa các cấp quản lý, mang lại nhiều lợi ích, như ở Nhật Bản, Úc, Na Uy…
Thứ nhất, với sự phân cấp phân quyền rõ ràng, chính quyền trung ương chỉ tập trung vào các vấn đề lớn như quốc phòng, ngoại giao, kinh tế vĩ mô, điều này sẽ giúp giảm tải rất lớn cho bộ máy ở trung ương, đồng thời có thể là cơ sở để tinh gọn các bộ trung ương.
Thứ hai, việc giảm bớt một cấp chính quyền sẽ giúp bộ máy hành chính giảm tầng nấc trung gian, việc chỉ đạo, điều hành có thể được thực hiện trực tiếp từ khu vực xuống cơ sở, rút ngắn thời gian giải quyết công việc, đẩy nhanh quá trình ra quyết định và thực thi chính sách. Các địa phương có thể điều chỉnh chính sách phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương mình, tăng cường tính linh hoạt và thích ứng.
Thứ ba, bỏ bớt một cấp chính quyền giúp tiết kiệm đáng kể ngân sách phải nuôi bộ máy hành chính cồng kềnh, từ đó có thể tập trung nguồn lực cho các dự án phát triển địa phương.
Chính quyền 2 cấp địa phương mang lại quản lý hiệu quả hơn và giảm bớt các thủ tục hành chính rườm rà
Cấp phường/xã, được coi là cấp gần dân nhất, sẽ được trao nhiều quyền hạn hơn để giải quyết các vấn đề của người dân một cách trực tiếp và nhanh chóng. Quản lý hiệu quả hơn, thủ tục đơn giản hơn, tinh gọn bộ máy, giảm chi phí hành chính và tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, giúp người dân tiết kiệm thời gian và công sức.
Việc chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin sẽ được đẩy mạnh, giúp người dân có thể thực hiện các thủ tục hành chính số, giảm sự phụ thuộc vào địa giới hành chính. Mạng internet và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho phép công khai thông tin về hoạt động của các cơ quan Nhà nước, giúp người dân giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của Chính phủ, đồng thời thúc đẩy trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức.
Công nghệ là công cụ hỗ trợ giao tiếp giữa cơ quan Nhà nước và người dân, giữa các cơ quan Nhà nước với nhau, và giữa các cơ quan Nhà nước với doanh nghiệp. Internet giúp các cơ quan Nhà nước quản lý thông tin, dữ liệu, tài sản một cách hiệu quả hơn, đồng thời hỗ trợ việc ra quyết định dựa trên dữ liệu.
Việc tổ chức lại chính quyền địa phương được kỳ vọng sẽ tạo ra không gian phát triển mới, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và hội nhập quốc tế. Người dân và doanh nghiệp mong muốn, bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp thực sự gần dân, phục vụ nhân dân tốt hơn. Muốn vậy, cán bộ xã phải là người có đức, có tài, vì nhân dân.
Những thử thách trước mắt
Để bộ máy thực sự đạt hiệu quả, hiệu năng, theo một số chuyên gia ngành lập pháp, chúng ta vẫn phải nỗ lực hoàn thiện cơ chế và tiếp tục thực hiện cam kết chính trị về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình ở cả hệ thống chính trị.
Song song đó, chúng ta cần thực thi nghiêm túc quyền tiếp cận thông tin của người dân cũng như xây dựng nền tảng thông tin, cơ sở hạ tầng kỹ thuật đảm bảo quyền tiếp cận thông tin; hoàn thiện hệ thống chính sách về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước cũng như các quy định, tiêu chuẩn quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, ký kết.
Chúng ta cũng cần hoàn thiện bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, khoa học, hiệu quả; đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chính phủ điện tử; cơ chế một cửa, một đầu mối tại các cơ quan quản lý Nhà nước… Phải cải cách triệt để lĩnh vực cán bộ nhằm loại bỏ tình trạng bộ máy Nhà nước chỉ toàn là quan mà không có chuyên gia giỏi, một tình trạng lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ theo những tiêu chí tiêu cực.
Tất nhiên, chúng ta không quên tăng cường thực hiện kiểm tra, thanh tra, giám sát và có các chế tài xử lý thích đáng với các vi phạm để đảm bảo tính răn đe của pháp luật; đồng thời tạo hành lang pháp lý cho sự tham gia của các cá nhân, tổ chức, cộng đồng xã hội, báo chí vào giám sát, thúc đẩy công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính Nhà nước.
Thách thức lớn khác là tư tưởng bảo hộ, cơ chế xin-cho… của các bộ ngành. Căn nguyên của cơ chế xin cho là việc nguồn lực ngân sách không được sử dụng theo nguyên tắc hiệu quả… Chỉ cần nhiều tiền để đầu tư, còn hiệu quả không ai kiểm tra, không ai đánh giá và không ai phải chịu trách nhiệm.
Theo GS.TS Lê Hồng Hạnh, một chuyên gia về pháp luật tại Việt Nam, Chính phủ chúng ta đang hướng đến xây dựng một Chính phủ kiến tạo, liêm chính. Đó cũng chính là thông điệp từng được nêu ra tại Hội nghị Cải cách hành chính diễn ra cách đây nhiều năm. Theo GS.Hạnh: “Thông điệp này nhấn mạnh đến việc xây dựng một Chính phủ mà hoạt động quản lý, điều hành của nó hướng tới việc tạo môi trường thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân trong xã hội hoạt động, đặc biệt là các doanh nghiệp tức là các chủ thể của nền kinh tế. Một Chính phủ kiến tạo được môi trường cho sự phát triển nói chung và doanh nghiệp nói riêng chỉ có thể là Chính phủ liêm chính, tức là Chính phủ không vì lợi ích nhóm, Chính phủ không tham nhũng”.
Ảnh: Quảng Đạo/BGN
Quan điểm của người Phật tử
Theo nhà Phật, muốn cho một xã hội an bình, cường thịnh còn phải có vai trò của người đứng đầu. Trong Tiểu bộ kinh, Đức Phật đã nêu 10 phẩm chất cần thiết của người lãnh đạo. Đó là: Bố thí (thực hiện chính sách an sinh, phúc lợi xã hội), trì giới (giữ gìn nền tảng đạo đức), bao dung, liêm khiết, nhu hòa, sống khắc kỷ, không sân hận, yêu hòa, kham nhẫn và thuận lòng dân.
Cũng trong kinh Chuyển luân Thánh vương sư tử hống, Đức Thế Tôn dạy: “Này các Tỳ-kheo, như vậy vì không cho người nghèo tiền của, nghèo đói tăng thịnh; vì nghèo đói tăng thịnh nên trộm cắp tăng thịnh; vì trộm cắp tăng thịnh nên đao kiếm được tăng thịnh; và đao kiếm được tăng thịnh, nên sát sinh tăng thịnh; vì sát sanh tăng thịnh nên nói láo tăng thịnh; vì nói láo tăng thịnh nên tuổi thọ của loài hữu tình giảm thiểu, sắc đẹp giảm thiểu…”.
Trong tinh thần xây dựng một nền hành chính năng động, và vững mạnh, ngày 14 và 15-6 vừa rồi, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cấp ủy, chính quyền các địa phương phải tập trung quyết liệt, quyết tâm triển khai đồng bộ các nhiệm vụ để sau ngày 1-7 bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp vận hành thông suốt, hiệu quả, mang lại lợi ích, cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Hệ thống hành chính mới sẽ tạo ra một xã hội với những “thiện duyên” cho công dân chúng ta được huân tập trong đó. Có những hạt giống không tốt lắm, nhưng trong môi trường lành mạnh, cũng sẽ tự điều chỉnh thành tốt. Còn hạt giống tốt nhưng trồng trên đất cằn, thiếu phân thiếu sự chăm sóc thì cũng không đâm chồi được!
Những nhà quản lý được xem như người trồng cây phải ươm giống tốt, rồi phát triển theo duyên, luôn luôn chăm sóc (nhà Phật gọi là tăng thượng duyên), liên tục (đẳng vô gián duyên), theo dõi, thực hiện nghiêm túc và bồi đắp cho đủ điều kiện ra quả tốt (sở duyên duyên) cho ngày mai. Hãy hy vọng và tin tưởng vào những bước chuyển mình của dân tộc trên nền hành chính mới trong tinh thần năng động, minh bạch, giải trình và bền vững. Mong thay!
Nguyên Cẩn/Báo Giác Ngộ