KRX có gì mới?
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên, việc huy động nguồn lực là vấn đề cốt lõi. Theo đó, nền kinh tế cần nguồn vốn khổng lồ hơn 4 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 160 tỷ USD. Bên cạnh những nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, tín dụng, thị trường vốn thì TTCK là kênh huy động rất quan trọng, đặc biệt là để phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng.
Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SSI, việc đưa hệ thống KRX vào hoạt động là bước ngoặt về công nghệ, tạo nền tảng giúp các tổ chức xếp hạng như MSCI hay FTSE nâng hạng TTCK Việt Nam.
Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao của Chứng khoán KIS Việt Nam, nhận định, KRX sẽ là nền tảng quan trọng để triển khai các nghiệp vụ then chốt như bán khống, T+0 và thanh toán bù trừ tập trung, các yếu tố vốn là rào cản kỹ thuật khiến Việt Nam chưa được nâng hạng.
Anh Lê Vĩnh Quang (quận Phú Nhuận, TPHCM) theo dõi biến động giá thị trường chứng khoán. Ảnh: Hoàng Hùng
Sự kiện HOSE đưa hệ thống KRX vào vận hành diễn ra trong bối cảnh TTCK Việt Nam vừa trải qua giai đoạn điều chỉnh mạnh. Cùng với đó, khối ngoại bán ròng kỷ lục trên TTCK Việt Nam trong năm 2024 và tiếp tục bán ròng 42.000 tỷ đồng chỉ trong 4 tháng đầu năm nay.
Do đó, hệ thống KRX được kỳ vọng là “luồng gió mới” khơi dậy niềm tin của nhà đầu tư, khi cơ sở hạ tầng hiện đại sẽ giúp thị trường hoạt động ổn định và minh bạch hơn. KRX sẽ giúp mở rộng “hàng hóa” trên thị trường, tạo điều kiện để các doanh nghiệp lớn niêm yết, từ đó thu hút nhà đầu tư tổ chức và cá nhân quay trở lại.
Việc vận hành KRX được đánh giá là yếu tố có thể làm giảm áp lực bán ròng của khối ngoại. Nếu được nâng hạng, TTCK Việt Nam có thể đón nhận dòng vốn ngoại lớn, giúp mở rộng quy mô vốn hóa và tăng chiều sâu thị trường.
Theo các chuyên gia chứng khoán, việc HOSE chính thức vận hành hệ thống KRX không chỉ là sự thay đổi về mặt công nghệ, mà còn mang tính chiến lược, góp phần nâng tầm TTCK trong mắt nhà đầu tư toàn cầu. Đây là bước đi tất yếu, cần thiết để được công nhận là thị trường mới nổi trong tương lai gần.
Tăng cường giám sát, minh bạch hàng hóa
Tuy nhiên, để TTCK Việt Nam đạt được hiệu quả tối đa còn phụ thuộc vào các thành viên thị trường như công ty chứng khoán, tổ chức cung cấp dịch vụ, đặc biệt là các công ty đại chúng trong việc nâng cao chất lượng công bố thông tin. Do đó, về quản lý nhà nước, một trong những điều được nhà đầu tư quan tâm là thiết lập môi trường minh bạch, công bằng.
Thời gian qua, công tác giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có những cải thiện rõ rệt, góp phần xây dựng TTCK minh bạch hơn. Điều này được thể hiện qua việc xử lý hàng loạt hành vi vi phạm liên quan đến công bố thông tin, thao túng giá cổ phiếu và các hoạt động không đúng quy định.
Nhà đầu tư theo dõi thị trường chứng khoán. Ảnh: Hoàng Hùng
Cụ thể, trong năm 2024, UBCKNN đã ban hành 224 quyết định xử phạt với tổng số tiền phạt là 55,5 tỷ đồng. Vụ thao túng cổ phiếu PSH của Công ty CP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu là án phạt nặng nhất với tổng cộng mức phạt tiền là 6 tỷ đồng đối với 4 cá nhân liên quan (mỗi người bị phạt 1,5 tỷ đồng) và cấm giao dịch chứng khoán trong 2-3 năm; 13 cá nhân cho mượn tài khoản để người khác thao túng bị đình chỉ giao dịch trong 9 tháng…
Không chỉ xử phạt cá nhân có hành vi vi phạm, UBCKNN cũng đã ban hành các quyết định xử phạt 21 công ty chứng khoán và 6 công ty quản lý quỹ. Năm nay, UBCKNN cũng vừa xử phạt hàng loạt cá nhân vì có hành vi thao túng thị trường chứng khoán và hành vi cho mượn tài khoản để giao dịch chứng khoán dẫn đến hành vi thao túng thị trường chứng khoán đối với cổ phiếu PDR.
Theo đó, 2 cá nhân có hành vi thao túng thị trường chứng khoán bị xử phạt hành chính số tiền 1,5 tỷ đồng/người và cấm giao dịch chứng khoán trong 2 năm. Nhằm thiết lập các chế tài mạnh hơn, hiện Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực, đề xuất tăng mức phạt tiền từ 2-2,5 tỷ đồng thay cho mức phạt từ 1-1,5 tỷ đồng hiện nay đối với các hành vi thao túng trên TTCK.
Những hành động như vậy góp phần lành mạnh hóa TTCK. Nhưng, vấn đề nhà đầu tư quan tâm hơn cả là làm sao kiểm soát chặt chẽ từ xa, từ sớm, bởi có rất nhiều nhà đầu tư đã ôm cổ phiếu của những công ty niêm yết, nhưng sau đó vụ án xảy ra, giá cổ phiếu giảm miệt mài, không biết bao giờ mới huề vốn. Khi niềm tin được củng cố, TTCK sẽ là kênh dẫn vốn hiệu quả nhất cho nền kinh tế.
Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương nhấn mạnh, ngành chứng khoán sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đảm bảo sự phát triển bền vững của TTCK Việt Nam. Bên cạnh nhiều giải pháp quan trọng như hoàn thiện pháp lý, tái cấu trúc lại cơ sở hàng hóa, cơ sở nhà đầu tư, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cũng như quản lý, thanh tra, giám sát… thì việc vận hành hệ thống KRX sẽ giúp nâng hạng thị trường trong năm nay.
HẠNH NHUNG