Ngày niêm yết đầu tiên chuyển từ sàn UPCoM sang HOSE của cổ phiếu BSR. Ảnh: HSX.
Dấu mốc mới của thị trường
Sau nhiều thông tin cập nhật về quá trình vận hành thử nghiệm trước đó, ngày 24-4, Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) chính thức công bố sẽ đưa vào vận hành hệ thống công nghệ thông tin mới cho thị trường (hệ thống KRX) từ ngày 5-5, tức ngay sau kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Hệ thống KRX là hệ thống công nghệ thông tin do Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc thiết kế, ký kết chuyển giao vào năm 2012 nhưng kéo dài vì nhiều nguyên nhân. Đến năm 2021, trong xu hướng thị trường bùng nổ thanh khoản vì số lượng nhà đầu tăng vọt, hệ thống cũ bị nghẽn lệnh nghiêm trọng, dự án KRX lại được kéo lên, kiên quyết đưa vào hoạt động.
Cách đây không lâu, HOSE cũng có những thông báo về sự thay đổi đầu tiên của hệ thống giao dịch mới phần lớn tập trung vào câu chuyện cụ thể của việc giao dịch chứng khoán hiện tại trên thị trường. Ngoài ra, các cơ quan quản lý có liên quan cũng sửa đổi, bổ sung Thông tư cần thiết và dự kiến được ban hành theo trình tự rút gọn để kịp thời gian vận hành.
Ở lần triển khai chính thức này, HOSE cũng đặt ưu tiên số 1 là đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vận hành an toàn, thông suốt. “Sở đề nghị các thành viên thị trường tập trung bố trí đầy đủ các nguồn lực để đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào vận hành theo đúng kế hoạch; tăng cường giám sát, phổ biến, tuyên truyền đến các nhà đầu tư về các tính năng mới của hệ thống, đảm bảo thị trường giao dịch an toàn, liên tục, ổn định”, văn bản của Sở có đoạn.
Còn ở góc nhìn khác, việc đưa hệ thống KRX vào vận hành có thể được xem là cột mốc quan trọng đối với thị trường chứng khoán, được kỳ vọng thu hút dòng vốn đầu tư, hỗ trợ nâng hạng thị trường. Đây mới là yêu cầu trọng điểm được nhiều nhà phân tích đặt ra đối với hệ thống mới.
Những kỳ vọng mới
Một trong những kỳ vọng được các nhà phân tích nhắc đến là hệ thống mới với nhiều cải tiến sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam thêm một bước gần hơn đến khả năng nâng hạng thị trường, nhờ cải thiện chất lượng hệ thống.
Trong bình luận chiều ngày 24-4, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng Công ty chứng khoán SSI, cho rằng trong ngắn hạn hệ thống KRX vào vận hành không chỉ giúp triển khai các giải pháp ngắn hạn như non-pre-funding (giao dịch không cần ký quỹ trước), mà còn là tiền đề để áp dụng hệ thống bù trừ trung tâm (CCP – Central Counterparty Clearing House). Đây là hai trong số nhiều yêu cầu để được nâng hạng, không chỉ với FTSE Russell với kỳ xem xét tiếp vào tháng 9 tới, mà còn gia tăng cơ hội với đánh giá của MSCI. “Đây là điều khá quan trọng vì hệ thống cũ là khó triển khai”, ông Hưng đánh giá.
Chia sẻ tương tự tại một sự kiện gần đây, ông Matthew Smith, Giám đốc Nghiên cứu và Phân tích Khối Khách hàng tổ chức, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, đánh giá hệ thống mới sẽ giúp giải quyết nhiều vấn đề kỹ thuật mà thị trường Việt Nam gặp phải.
Ngoài ra, ngành chứng khoán được hưởng lợi cụ thể từ việc nâng cấp hệ thống vận hành của thị trường vốn. Còn trong dài hạn, đối tượng được hưởng lợi rõ rệt nhất chính là thị trường vốn nói chung dù tiến trình này sẽ còn kéo dài. Không thể kỳ vọng dòng vốn mới sẽ vào ngay lập tức, thay vào đó sẽ chia thành nhiều đợt nhỏ theo từng đợt nâng hạng", ông Matthew đánh giá.
Từ bài học kinh nghiệm ở thị trường Hàn Quốc, ông Min Byungkyu, Giám đốc Chiến lược Đầu tư, Công ty chứng khoán Yuanta Hàn Quốc, nói hệ thống ổn định và đáng tin cậy sẽ thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Khi đi thị trường đi lên, các nhu cầu cũng sẽ đi lên theo.
“Khi thị trường dần phát triển, sẽ cần thêm nguồn lực phân tích cho việc phân tích ETF, phái sinh và chỉ số. Ở chứng khoán Yuanta Hàn Quốc, có đến 4 nhà phân tích cho quỹ đầu tư theo chỉ số, và quy mô tài sản của các quỹ chỉ số đang tăng nhanh hơn các quỹ chủ động. Do đó, Việt Nam cần thêm nhà phân tích và nguồn lực nghiên cứu để thích nghi với sự thay đổi này”, ông Min Byungkyu nói.
Cơ hội trong dài hạn nhìn chung sẽ đến từ việc đa dạng hóa sản phẩm đầu tư, từ đó thu hút thêm cả nhà dầu tư nội lẫn ngoại. Dù vậy, một thực tế tại Việt Nam là câu chuyện thiếu vắng sản phẩm, cũng như các quy định pháp lý liên quan đến dòng vốn được các quỹ đầu tư, nhà đầu tư nói đến nhiều trong thời gian qua.
Điển hình như với sản phẩm Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDRs), được xem là một giải pháp cho nhà đầu muốn giao dịch ngắn hạn nhưng không cần quan tâm đến giới hạn tỷ lệ sở hữu khối ngoại. Sản phẩm này đã được nhắc nhiều ở Việt Nam từ năm 2020, trong khi Thái Lan được xem là thị trường thành công với sản phẩm này khi loại này chiếm đến 40-45% giá trị giao dịch thị trường của khối ngoại.
Một bài học khác được các chuyên gia chia sẻ nhiều trong thời gian qua nữa là xây dựng các sản phẩm dựa trên việc kết nối thị trường xuyên biên giới. Điều này không chỉ giúp gia tăng luân chuyển dòng vốn mà về cơ bản, cũng là động lực quan trọng để giúp nâng hạng theo hệ thống phân loại của MSCI.
Sau khi KRX đi vào hoạt động ổn định, kỳ vọng tiếp theo là sự nâng cấp về mặt sản phẩm đầu tư. Tại các hội nghị của ngành chứng khoán, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng như Ủy ban chứng khoán Nhà nước, cũng đã nhiều lần chia sẻ về chủ trương nghiên cứu, ra mắt các sản phẩm mới, đặc biệt là hướng tới các nhà đầu tư ngoại.
Dũng Nguyễn