Văn hóa Chăm góp phần phát triển du lịch

Văn hóa Chăm góp phần phát triển du lịch
14 giờ trướcBài gốc
Nhóm đền tháp Po Sah Inư luôn thu hút du khách đến tham quan tìm hiểu.
Hàng năm vào các mùa cao điểm của khách du lịch trong nước và quốc tế, bên cạnh việc xây dựng các tour, tuyến đặc sắc, giới thiệu các khu vui chơi giải trí mới đi vào hoạt động thì việc tổ chức những hoạt động gắn liền với văn hóa địa phương ngay tại nơi nghỉ dưỡng sẽ đem đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách trong thời gian lưu trú tại đây. Du khách cũng được thả hồn chìm đắm trong điệu múa Apsara của người Chăm. Những điệu múa cùng lời ca, hòa trong âm hưởng của các loại nhạc cụ như: Trống Ghi-năng, trống Paranưng, Kèn Saranai… làm say đắm lòng người. Các sản phẩm mộc mạc của gốm Chăm Bình Đức, dệt thổ cẩm, trình diễn nghệ thuật âm nhạc, nhạc cụ Chăm… tại các resort trong mùa cao điểm du lịch đã gây được sự chú ý của du khách trong nước và quốc tế. Tại đây, các nghệ nhân đã trình diễn liên tục nghệ thuật làm gốm, dệt thổ cẩm Chăm nhằm đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tham quan, thưởng ngoạn của du khách khi đến Bình Thuận.
Cảm nhận chung đối với nhiều du khách là văn hóa Chăm được thể hiện qua nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, nghề gốm, dệt thổ cẩm, nghệ thuật hát, múa, chữ viết, trang phục dân tộc... Đến với Bình Thuận, du khách được thỏa sức ngắm các công trình kiến trúc độc đáo về các tòa tháp Chăm như: Nhóm đền tháp Po Sah Inư, tháp Po Dam (hay còn gọi là Pô Tầm)… Những tòa tháp Chăm trường tồn theo thời gian, mặc cho thăng trầm biến cố của thời gian nhưng kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc của nó vẫn giữ nguyên giá trị.
Bên cạnh đó, hàng năm cộng đồng người Chăm tổ chức các lễ hội Katê, Ramưwan vô cùng độc đáo và đã trở thành điểm đến cho những du khách muốn tìm hiểu, nghiên cứu, thưởng thức và trải nghiệm văn hóa Chăm. Điều này đã tạo ra sự thích thú về những sản phẩm văn hóa du lịch mới lạ của tỉnh nhà.
Hoạt động trình diễn nghề dệt vải, nghề làm gốm của dân tộc Chăm do nghệ nhân thực hiện tại các điểm trưng bày trong các resort nghỉ dưỡng là dịp giới thiệu, tôn vinh và quảng bá các giá trị văn hóa độc đáo.
Du khách tham quan bảo tàng Hoàng tộc Chăm
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận, dân tộc Chăm không chỉ có một văn hóa đặc trưng và phong phú, mà còn đóng góp quan trọng vào sự đa dạng và phát triển của dân tộc tại Việt Nam. Sự tôn trọng và bảo vệ văn hóa của các dân tộc thiểu số là một trách nhiệm chung của toàn bộ xã hội. Bằng cách gìn giữ và phát triển văn hóa Chăm không chỉ đảm bảo sự tồn tại và phát triển của một dân tộc đặc biệt, mà còn tạo ra một môi trường xã hội chứa đựng sự đa dạng văn hóa, sự công bằng và sự đoàn kết. Các hoạt động trình diễn nghề dệt vải, nghề làm gốm của dân tộc Chăm do nghệ nhân thực hiện tại các điểm trưng bày trong các resort nghỉ dưỡng là dịp giới thiệu, tôn vinh và quảng bá các giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc của đồng bào Chăm trong sự đa dạng của nền văn hóa Việt Nam với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế, góp phần tạo sức hút để thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch tại địa phương.
Được biết, trong năm 2024, toàn tỉnh Bình Thuận đón gần 9,68 triệu lượt khách tham quan và lưu trú tại các khu du lịch của tỉnh. Trong đó, khách quốc tế đón gần 320.000 lượt, chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Đức, Anh, Mỹ, Bắc Âu... Hiện Bình Thuận đang vào mùa cao điểm đón khách quốc tế. Những hoạt động du lịch với văn hóa Chăm không chỉ góp phần bảo tồn, quảng bá nét văn hóa truyền thống của các dân tộc tại Bình Thuận đem lại lợi ích cho hoạt động du lịch, cho người Chăm ở địa bàn tham gia du lịch, mà còn góp phần bảo tồn và giới thiệu văn hóa Chăm rộng rãi trong và ngoài nước và trở thành các sản phẩm du lịch đặc trưng khi mà mỗi cơ sở lưu trú đang cố gắng tạo ra để thu hút du khách trong, ngoài nước đến với Bình Thuận.
ĐÌNH HÒA
Nguồn Bình Thuận : https://baobinhthuan.com.vn/van-hoa-cham-gop-phan-phat-trien-du-lich-126812.html