Các em học sinh tìm hiểu văn hóa, lịch sử ngay tại không gian Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh (phường Dương Nỗ, quận Thuận Hóa)
Những năm qua, thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong quá trình xây dựng và phát triển Huế theo hướng phát triển nhanh, bền vững và toàn diện, Đảng bộ thành phố đã tích cực nghiên cứu lý luận, vận dụng vào thực tiễn, huy động các nguồn lực phát triển văn hóa, xã hội và con người.
ThS. Nguyễn Hữu Phúc, Hội Khoa học Lịch sử thành phố Huế cho rằng, lãnh đạo thành phố luôn ý thức sâu sắc trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, khơi dậy ý chí, sức mạnh của con người. Các nghị quyết của Thành ủy, các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án của thành phố được xây dựng trên cơ sở xác định phát triển văn hóa và con người Huế vừa là mục tiêu, vừa là động lực, là nguồn lực quan trọng để đưa Huế phát triển nhanh, bền vững và toàn diện. Đó được coi là nguồn lực, sức mạnh mềm có ý nghĩa quyết định thúc đẩy quá trình phát triển nhanh và bền vững của thành phố trong hiện tại và tương lai.
Cố đô Huế hiện gìn giữ kho tàng văn hóa hết sức đa dạng, đặc sắc. Với gần 1.000 di tích, bao gồm di tích văn hóa, di tích lịch sử cách mạng, di tích tôn giáo, di tích lưu niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Huế cũng là nơi tập trung những di sản văn hóa phi vật thể phong phú và đa dạng, được bảo tồn, khai thác và phát huy.
Nhắc đến con người không thể không nhắc đến đặc trưng của gia đình Huế, được thể hiện ở sự giáo dục về truyền thống văn hóa để hình thành nhân cách cho lớp trẻ. Mỗi gia đình đều có gia quy riêng, mang tính nghiêm khắc của các bậc cao niên đã giáo dục con cháu ngay trong gia đình để trở thành một công dân gương mẫu, một công dân biết sống có đạo đức và trách nhiệm. Những đứa trẻ trong gia đình ở Huế thấm nhuần những nền nếp gia phong, giá trị đạo đức, lễ nghĩa từ tính cách, sinh hoạt, ăn nói, đứng ngồi, cho đến cách sắp đặt bàn thờ, những ngày giỗ, ngày kỵ… Với những nét riêng, độc đáo ấy, con người được coi là trung tâm, là mục tiêu của sự phát triển văn hóa của Huế.
ThS. Phúc cho rằng, trên tinh thần Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Huế phải đặt phát triển văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội. Đi đôi với việc gìn giữ, bảo tồn văn hóa, Huế cần có chiến lược để phát triển kinh tế với phương châm phát triển bền vững trên cơ sở văn hóa và phát triển nhanh trên cơ sở nền tảng công nghệ số. Đồng thời, tiếp tục huy động và đầu tư nguồn lực để trùng tu tôn tạo hệ thống di tích văn hóa lịch sử; bảo vệ các giá trị văn hóa phi vật thể. Bên cạnh đó, với hệ thống di sản văn hóa đồ sộ, Huế cần khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế đó để phát triển ngành dịch vụ du lịch, công nghiệp văn hóa.
Nghiên cứu sâu về văn hóa dân gian, TS. Trần Văn Dũng - Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian thành phố Huế cho rằng, một trong những nội dung quan trọng trong Di chúc đó là phần viết về văn hóa. Những giá trị đó còn mãi tới hôm nay và mai sau. Theo TS. Dũng, song hành với văn hóa cung đình, mạch nguồn văn hóa dân gian đã hình thành và gắn bó lâu đời với người dân xứ Huế. Vì vậy, giá trị văn hóa dân gian đã phản ánh một cách sinh động đời sống tinh thần, tín ngưỡng của cộng đồng và được sáng tạo, phát triển từ thế hệ này qua thế hệ khác.
“Có thể nói bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân gian xứ Huế là hai mặt của một thể thống nhất, có tác động tương hỗ lẫn nhau trong quá trình phát triển chung của cộng đồng xã hội. Đồng thời khẳng định vai trò, vị thế của thành phố Huế xứng tầm là một trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của Việt Nam. Điều này cũng góp phần thực hiện bản Di tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh và khẳng định giá trị, sức sống trường tồn, tính thời sự của bản Di chúc lịch sử”, TS. Dũng khẳng định.
Tiếp tục thực hiện di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy cho biết, để tiếp tục thực hiện di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ, chính quyền thành phố Huế tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm xây dựng và phát triển văn hóa. Đồng thời, đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch theo hướng xây dựng Huế trở thành đô thị di sản gắn với phát triển du lịch. Cùng với đó, tiếp tục công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các giá trị, công trình văn hóa, di tích lịch sử làm phong phú, đa dạng, hấp dẫn cho việc phát huy, phát triển phục vụ kinh tế du lịch trong mối quan hệ hài hòa với quy hoạch phát triển đô thị. Đầu tư hoàn chỉnh một số khu vực trọng điểm trong Quần thể di tích Cố đô Huế, hoàn thành công tác bảo vệ, tu bổ, tôn tạo hệ thống di tích lịch sử và cách mạng, di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bài, ảnh: NHẬT MINH