Để duy trì thói quen tốt, trước hết, mỗi người tham gia giao thông cần đề cao trách nhiệm với chính bản thân và cộng đồng. Thông qua những hành động nhỏ như đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; đi đúng tốc độ, phần đường, làn đường quy định; không đi xe trên vỉa hè, đi bộ dưới lòng đường; chấp hành nghiêm hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; ứng xử có văn hóa khi xảy ra va chạm giao thông; không uống rượu, bia khi tham gia giao thông... mỗi người đều góp phần hạn chế va chạm, tai nạn giao thông, đem lại hạnh phúc cho mình và toàn xã hội.
Ảnh minh họa: qdnd.vn
Tuy nhiên, muốn xây dựng văn hóa giao thông căn cơ, bền vững, đòi hỏi phải có trách nhiệm từ nhiều phía. Đối với lực lượng duy trì trật tự giao thông, rất cần chú trọng hướng dẫn, tăng cường điều tiết, phân luồng giao thông hợp lý; xử phạt người vi phạm bảo đảm nghiêm minh, công tâm, công bằng; tránh có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực.
Thực tế chứng minh khi lực lượng thực thi công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông chủ động hướng dẫn, ân cần phân tích lỗi sai, tận tình giải thích các quy định của pháp luật thì người vi phạm “tâm phục, khẩu phục”, từ đó ý thức chấp hành pháp luật giao thông sẽ được nâng cao hơn.
Đối với người dân, phải chấp hành đúng quy định và ứng xử phải văn minh. Các cơ quan chức năng cũng cần tổng rà soát việc bảo trì, nâng cấp hệ thống đường sá, tín hiệu giao thông, biển báo, công nghệ camera giám sát... để người dân thuận lợi khi tham gia giao thông.
HIỀN VINH