Văn hóa phán xét: Hãy bao dung, độ lượng!

Văn hóa phán xét: Hãy bao dung, độ lượng!
9 giờ trướcBài gốc
Một đoạn clip ghi lại hành vi thiếu tôn trọng các cựu chiến binh của một nhóm sinh viên tại lễ diễu binh, diễu hành ở TP HCM vừa qua đã gây "bão" mạng xã hội. Lời xin lỗi sau đó không xoa dịu được dư luận và làn sóng phẫn nộ nhanh chóng vượt giới hạn phản biện xây dựng.
Sự phẫn nộ lấn át lý trí
Câu chuyện này khiến nhiều người nhớ lại sau vụ lùm xùm "vạ miệng" của hoa hậu Ý Nhi, cha cô phải đứng ra xin lỗi thay con gái trước áp lực dư luận, dù bản thân ông không hề liên quan phát ngôn gây tranh cãi. Từ chuyện "con dại, cha phải xin lỗi cộng đồng mạng", đến việc "một sinh viên sai, cả trường phải nhận tai tiếng", có thể thấy văn hóa phán xét trên mạng xã hội có lúc trở nên cực đoan, thiếu bao dung và dễ tạo ra những tổn thương lâu dài.
Điều đáng nói, trong khi mạng xã hội có thể là nơi góp phần định hình chuẩn mực đạo đức công cộng, thì cũng chính nơi đó đang ngày càng thiếu kiên nhẫn trước những sai sót, nhất là với người trẻ. ThS quản lý giáo dục Nguyễn Thị Thu Hiền cho rằng làn sóng chỉ trích thái quá trên mạng xã hội phản ánh rõ tâm lý đám đông và hiện tượng "lây lan cảm xúc". Khi cảm xúc tiêu cực bị khuếch đại bởi mạng xã hội, lý trí dễ bị che mờ, khiến hành vi phê phán dễ thành công kích.
"Nhiều người có thể xem việc chỉ trích không đơn thuần là góp ý mà còn là cách thể hiện vị thế đạo đức, kiểu như tuyên bố rằng tôi tốt hơn bạn" - ThS Hiền nhận định.
Người dân chào đón khối tôn vinh các Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động và nhân chứng lịch sử trong lễ diễu binh, diễu hành dịp 30-4
ThS Hiền nhấn mạnh những hành vi như lôi kéo gia đình, phụ huynh hay nhà trường của nhóm sinh viên nêu trên vào vòng xoáy chỉ trích không chỉ sai lệch về mặt đạo lý, mà còn có thể dẫn đến hậu quả tâm lý nghiêm trọng, đặc biệt khi đối tượng là những người trẻ đang trong giai đoạn định hình nhân cách.
Theo TS ngữ văn Hà Thanh Vân, trong câu chuyện của các sinh viên mắc lỗi, điều đáng suy ngẫm hơn là những người bị ảnh hưởng trực tiếp như các cựu chiến binh lại không chọn cách lên án ồn ào.
Bà Vân phân tích: "Khi nào mà gia đình các em ấy có động thái bênh vực con em mình bất chấp thì họ mới đáng bị lên án. Tôi tin rằng khi sự việc xảy ra, gia đình các em cũng đau lòng, cũng buồn phiền vì con em mình. Xin đừng đi quá xa khi lên án cả các bậc phụ huynh và từ đó mà xúc phạm họ. Bản thân các cựu chiến binh bị giành chỗ, họ cũng không lên tiếng về chuyện này sau đó. Tôi tin những cựu chiến binh ấy đã rất bao dung, độ lượng".
Đồng tình với quan điểm này, ThS Hiền cho rằng im lặng không phải là bỏ qua mà có thể là sự lựa chọn để không làm vấn đề thêm nghiêm trọng.
"Những cựu chiến binh một lần nữa đã dạy cho chúng ta bài học quý giá rằng không phải lúc nào cũng cần phải phản ứng mạnh mẽ. Câu chuyện này là bài học về cách ứng xử của người trẻ, cũng là dịp để soi chiếu lại chính mình, chúng ta đang lên tiếng vì điều đúng hay vì cảm xúc lấn át lý trí?" - bà Hiền nêu quan điểm.
Đừng đi quá giới hạn
Từ góc nhìn của một người làm giáo dục lâu năm, TS Hà Thanh Vân cảnh báo rằng khi sự chỉ trích đi quá giới hạn của tinh thần góp ý sẽ trở thành những cuộc tấn công xúc phạm và quy chụp, trở thành biểu hiện cực đoan, thiếu bao dung. Điều này đang ngày càng phổ biến trong không gian mạng.
TS Hà Thanh Vân kể lại trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bà rất vui mừng khi chứng kiến cũng như xem một số clip trên mạng xã hội. Trong đó, lực lượng bảo vệ an ninh trật tự cùng với người dân đã chủ động hướng dẫn, mở đường, nhường đường cho nhiều cựu chiến binh, để họ được ngồi, đứng ở hàng đầu trên nhiều con đường nơi các đội diễu binh, diễu hành đi qua.
Điều này khiến bà Vân tin rằng hành vi thiếu tôn trọng của một số sinh viên chỉ là thiểu số. Theo bà, thay vì tập trung vào sự cố cá biệt, chúng ta cần nhìn nhận tổng thể và thừa nhận rằng phần lớn giới trẻ vẫn luôn trân trọng và tôn vinh những người đã cống hiến, hy sinh cho đất nước.
"Cuộc sống còn rất nhiều điều cần làm và niềm vui cần chia sẻ. Tham gia những chuyện tiêu cực dễ làm mất đi giá trị bản thân và không mang lại ích lợi gì. Chúng ta nên tập trung vào những điều tích cực và xây dựng, thay vì để mình bị cuốn vào sóng gió không đáng có" - TS Vân nhìn nhận.
Bài và ảnh: TRẦN THÁI
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/van-hoa-phan-xet-hay-bao-dung-do-luong-196250511220911627.htm