Văn hóa tranh luận trên không gian mạng: 'Người trẻ đừng kéo mình vào cuộc chiến vô bổ'

Văn hóa tranh luận trên không gian mạng: 'Người trẻ đừng kéo mình vào cuộc chiến vô bổ'
5 giờ trướcBài gốc
Tự biến mình thành “quái vật” trên mạng
Không gian mạng là một thế giới kiến thức hỗn tạp, mà ở đó, để khám phá ra các kiến thức thật sự hữu ích đòi hỏi người tham gia phải có sự chắt lọc và tìm hiểu. Theo báo cáo digital marketing từ DataReportal về việc sử dụng và tiếp nhận công nghệ số tại Việt Nam vào đầu năm 2024, có 78,44 triệu người sử dụng Internet tại Việt Nam, với tỷ lệ tiếp cận Internet đạt 79,1%.
Báo cáo này ghi nhận, tính đến đầu năm 2024, Việt Nam có 72,7 triệu người sử dụng mạng xã hội, tương đương với 73,3% tổng dân số. Trong đó có 72,5 triệu người từ 18 tuổi trở lên có sử dụng mạng xã hội và 92,7% người dùng Internet tại Việt Nam đã ít nhất một lần sử dụng một nền tảng mạng xã hội.
Dạo quanh các hội nhóm hay các diễn đàn trên mạng xã hội gần đây, người sử dụng dễ thấy các chủ đề như “góc khuất nghề”, “góc khuất trường học”, “review công ty, trường học” đến các chủ đề về thần tượng, phim ảnh, âm nhạc... đều tạo nhiều ý kiến tranh luận dưới phần bình luận. "Phủ sóng" trên mạng xã hội mới đây là tin tức vụ việc “Hồng Tỷ” từ Trung Quốc nhưng dân mạng cũng được dịp bàn tán xôn xao.
Thảo Nguyễn (TP. HCM) cho biết: “Dù muốn hay không, mình lướt mạng mấy ngày nay toàn thấy tin về vụ việc “Hồng Tỷ”. Mình vẫn đọc vì tò mò nhưng thật sự không hiểu sao mọi người lại bàn tán quá nhiều về câu chuyện xuất phát từ Trung Quốc và thực hư ra sao cũng chưa hoàn toàn được cơ quan chức năng xác nhận. Thậm chí, nhiều video clip “nhại” lại vụ việc này trở thành “trend” trên mạng, mình thấy nó chẳng có gì vui hay có ích”.
Với một sự việc, một chủ đề tất nhiên sẽ có nhiều ý kiến, quan điểm cá nhân được chia sẻ. Nhưng thể hiện quan điểm trên mạng xã hội đôi khi lại khiến người sử dụng tự biến mình thành “quái vật” xấu xí: dùng lời lẽ thóa mạ người khác, công kích cá nhân thay vì bày tỏ quan điểm, hay đưa ra được ý kiến có ích.
'Siêng' tranh luận chỉ vì không muốn thua
Tác giả cuốn sách The Psychology of cyberspace - John Suler từng đưa ra một khái niệm gọi là dissociative anonymity (tạm dịch là sự ẩn danh phân lý), nói về tính ẩn danh trên không gian mạng. Để từ đó, mọi người có thể thoải mái bày tỏ quan điểm mà không sợ bị phát hiện danh tính thật. Điều này tạo ra những cuộc tranh luận mang tính chỉ trích, công kích nhau. Nếu như có lộ danh tính thì người dùng mạng có thể thay đổi một danh tính khác và tiếp tục vòng lặp đó.
Theo John Suler, việc tham gia vào mạng xã hội nếu thiếu tỉnh táo dễ làm người ta trở nên thích phán xét hơn. Trong đó, ông nhấn mạnh đến online disinhibition effect (tạm dịch là hiệu ứng giải ức chế trực tuyến) khiến người dùng mạng đưa ra các bình luận tiêu cực dù chỉ lướt qua chủ đề đang được bàn tán mà bản thân chưa tìm hiểu rõ. Và việc “cào phím” để chỉ trích, công kích người khác còn đến từ nguyên nhân nữa là không phải chịu bất kỳ trách nhiệm gì về các bình luận của mình.
P. T. T. (TP. HCM) từng mệt mỏi khi đi tranh cãi trên mạng về nhóm nhạc thần tượng BLACKPINK: “Mỗi khi BLACKPINK ra MV mới, mình hay các Blink đều trong tâm trạng mong chờ vì phải lâu lắm thần tượng mới trở lại. Nhưng đôi lúc cũng gặp nhiều anti-fan chê bai thì mình cũng “combat” tới luôn để bảo vệ thần tượng. Mình cảm thấy anti-fan không cãi theo lý mà “cãi ngang”, càng làm mình khó chịu. Nhưng sau này, mình đã tiết chế việc tranh cãi như thế, bởi nó làm mất thời gian và gây ức chế. Thay vào đó, mình dùng thời gian đó để “cày view” cho thần tượng còn hợp lý hơn”.
TS Tâm lý Đào Lê Hòa An (Thành viên Ban tư vấn chính sách pháp luật về thanh thiếu nhi, Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam) cho biết lý do một bộ phận người trẻ thích tranh cãi trên mạng: “Đặt mình vào góc nhìn của người trẻ, không khó để hiểu vì sao những cuộc tranh cãi online lại có sức hút mạnh mẽ như vậy. Thứ nhất, tranh luận trên mạng là cách nhanh nhất để được “thấy mình tồn tại”. Khi một comment được hàng trăm like, một lập luận “đanh thép” khiến người khác phải im lặng hay “quay xe”, cảm giác chiến thắng đó kích hoạt dopamine - hóa chất mang lại khoái cảm trong não bộ. Nó giống như việc ghi bàn trong một trận bóng: Ai cũng muốn là người tạo dấu ấn”.
Theo TS Đào Lê Hòa An, yếu tố thứ hai, do người trẻ sống trong một thời đại mà mạng xã hội là phần mở rộng của đời sống cá nhân. Tranh luận, thể hiện quan điểm không chỉ là phản xạ tự nhiên mà còn là một cách để khẳng định cá tính. Đặc biệt, với những chủ đề “nóng” liên quan đến giới tính, thần tượng, chính trị, văn hóa, giáo dục… thì việc lên tiếng có thể mang cảm giác như đang “đứng về phía chính nghĩa”.
Và yếu tố thứ ba là các nền tảng mạng xã hội thiết kế thuật toán khuyến khích tranh cãi. Những nội dung càng gây tranh cãi, càng nhiều lượt tương tác, càng được đẩy lên cao. Điều này tạo ra một “vòng lặp kích động”: Càng tranh luận, càng thấy nhiều thứ đáng để tranh luận. Cuối cùng, có những bạn trẻ tranh luận không phải vì muốn hiểu, mà chỉ vì không muốn thua. Khi đó, tranh luận không còn là công cụ để tìm ra sự thật, mà trở thành cuộc thi ego: Ai nói cuối cùng, ai “nặng đô” hơn, người đó thắng.
TS Tâm lý Đào Lê Hòa An chỉ ra hai cách rất thực tế để hạn chế tiêu cực khi tranh luận trên mạng mà người trẻ có thể luyện tập: Một là "Chọn trận mà đánh". Không phải chủ đề nào cũng đáng để mất năng lượng. Trước khi “chiến”, hãy hỏi: Mình tranh luận vì sự thật hay vì sĩ diện? Chủ đề này có giúp mình học hỏi được gì không? Có làm mình tốt hơn không? Nếu không, hãy dừng lại. Không phản hồi cũng là một cách 'combat' khôn ngoan.
Hai là "Tranh luận, đừng tấn công". Tranh luận là chia sẻ quan điểm, không phải công kích cá nhân. Đừng lấy “tự do ngôn luận” làm vỏ bọc cho hành vi xúc phạm. Ngay cả khi bất đồng, vẫn có thể dùng câu từ tôn trọng. Như một nguyên tắc vàng trong tranh luận: “Tấn công ý tưởng, không tấn công con người”. "Chúc các bạn trẻ biết dùng mạng xã hội như một công cụ phát triển bản thân, chứ không phải một chiến trường tiêu hao năng lượng sống!", TS Đào Lê Hòa An nhắn nhủ.
Chỉ tính đến đầu năm 2024, tại Việt Nam, nền tảng Facebook có 72,7 triệu người dùng, Facebook Messenger đã đạt 54,5 triệu người dùng, Instagram có 10,9 triệu người dùng, YouTube có 63 triệu người dùng, TikTok có 67,72 triệu người dùng, X (Twitter) có 5,58 triệu người dùng, LinkedIn có 7,5 triệu người dùng.
Như vậy, mạng xã hội giờ đây là một phần không thể thiếu trong đời sống của người Việt Nam nói chung, của giới trẻ nói riêng. Nhưng chính vì sự tiện dụng và có quá nhiều lựa chọn nội dung trên mạng, mà người dùng dễ bị cuốn vào những cuộc tranh luận không hồi kết.
Bình Nguyễn
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/van-hoa-tranh-luan-tren-khong-gian-mang-nguoi-tre-dung-keo-minh-vao-cuoc-chien-vo-bo-post1760005.tpo