Văn học nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Văn học nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
một giờ trướcBài gốc
Bài 2:
TIẾNG NÓI CỦA TÂM HỒN
BPO - Sau nửa thế kỷ, kể từ ngày đất nước thống nhất, văn học nghệ thuật (VHNT) Việt Nam đã trải qua quá trình phát triển với rất nhiều dấu ấn. Từ những bài viết, áng văn, lời hát… đầy cảm xúc về chiến tranh và hòa bình đến những tác phẩm hội họa, điêu khắc phản ánh chiều sâu của đời sống con người trong thời đại mới, VHNT không chỉ là tấm gương phản chiếu xã hội mà còn là tiếng nói của tâm hồn dân tộc. Trải qua bao biến động, VHNT Việt Nam vẫn không ngừng đổi mới sáng tạo, đồng hành cùng sự phát triển đất nước.
Phát triển và hội nhập
50 năm qua, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, sân khấu… đã có nhiều đổi mới về hình thức, sáng tạo về nội dung, chất lượng các tác phẩm được nâng lên. 1975-1980 là giai đoạn tập trung vào tái thiết kinh tế - xã hội. Các loại hình nghệ thuật trong giai đoạn này chủ yếu phục vụ tuyên truyền và phản ánh tinh thần cách mạng. Đặc biệt, giai đoạn này ghi nhận sự tham gia của nhiều nhạc sĩ, họa sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh, văn công quân đội...
Những tác phẩm nghệ thuật được các nghệ nhân tô điểm từ bức tranh cuộc sống hằng ngày
Giai đoạn 1981-1990, VHNT có nhiều đổi mới và phát triển. Đặc biệt, tháng 12-1986, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện, lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm, nhằm ổn định và tạo bước chuyển biến tốt về chính trị, kinh tế - xã hội, qua đó mở ra nhiều cơ hội cho VHNT phát triển. Các tác phẩm chuyển hướng từ tuyên truyền chính trị sang biểu đạt cá nhân, tập trung vào đời sống thường ngày, văn hóa truyền thống, thúc đẩy giao lưu giữa các tỉnh. Đây là giai đoạn khởi đầu phát triển các hoạt động văn hóa nghệ thuật và xây dựng đội ngũ nghệ sĩ trẻ.
Giai đoạn từ năm 2000 đến nay là thời kỳ phát triển hội nhập và đa dạng hóa các lĩnh vực VHNT theo xu hướng nghệ thuật hiện đại trên thế giới, nhiều nghệ sĩ đã tìm hiểu và áp dụng kỹ thuật mới. Trong đó, các liên hoan ảnh nghệ thuật, triển lãm mỹ thuật khu vực Đông Nam Bộ tiếp tục là sân chơi quan trọng cho các nghệ sĩ Bình Phước.
Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ, Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Phạm Hiến cho biết: Bám sát Kế hoạch số 390-KH/BTGTW ngày 15-11-2023 của Ban Tuyên giáo Trung ương về tổ chức các hoạt động tổng kết 50 năm nền VHNT Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30-4-1975 - 30-4-2025), Hội VHNT Bình Phước đã tổ chức hội thảo “VHNT tỉnh Bình Phước trong dòng chảy Đông Nam Bộ sau 50 năm ngày đất nước thống nhất” để khẳng định văn học miền Nam, Đông Nam Bộ nói chung và văn học Bình Phước nói riêng đã có một dấu ấn nhất định sau 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hội thảo đặt ra vấn đề văn học gắn liền với lịch sử trong dòng chảy của lịch sử Đông Nam Bộ, văn hóa Đông Nam Bộ và xây dựng, đổi mới Đông Nam Bộ. Văn học luôn gắn bó với đời sống xã hội, từ đó đã tạo được dấu ấn trong từng giai đoạn nhất định trong việc phát triển, xây dựng quê hương Bình Phước giàu đẹp.
Nhằm thúc đẩy nền VHNT khu vực Đông Nam Bộ phát triển mạnh mẽ hơn, tại hội thảo “VHNT tỉnh Bình Phước trong dòng chảy Đông Nam Bộ sau 50 năm ngày đất nước thống nhất”, các văn nghệ sĩ và nhà nghiên cứu trong khu vực đã gợi mở và đề xuất những giải pháp cụ thể để VHNT “bật dậy”, tạo nên bước phát triển đột phá cả về nội dung, tư tưởng; đa dạng về đề tài, chủ đề, thể loại với những tác phẩm mới có sức lay động con tim, giàu cảm xúc.
Sau 50 năm thống nhất đất nước, VHNT Bình Phước nói riêng đã có nhiều đóng góp với góc nhìn đa dạng, đầy đủ, đồng bộ trong dòng chảy VHNT Đông Nam Bộ, với các thể loại như nhiếp ảnh, âm nhạc, thơ ca mỹ thuật... Riêng đối với mỹ thuật, các họa sĩ, nhà điêu khắc Bình Phước đã cùng với văn nghệ sĩ Đông Nam Bộ làm nên một dòng chảy mỹ thuật, trong đó, đóng góp các góc nhìn đa dạng về chất liệu cũng như đề tài. Đặc biệt, mảng đề tài chiến tranh cách mạng và người lính rất sâu sắc. Tôi thấy, Bình Phước là một trong những địa phương khắc họa thành công đề tài người lính và chiến tranh cách mạng.
PGS.TS NGUYỄN VĂN MINH, Hiệu trưởng Trường đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh
Động lực phát triển bền vững
PGS.TS Lâm Nhân, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh cho biết: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước; cần được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp.
Mỗi tác phẩm nghệ thuật đều mang một ý nghĩa riêng và truyền tải những thông điệp tích cực
Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ, Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Phạm Hiến khẳng định: VHNT Bình Phước luôn hướng đến một liên kết vùng phía Nam Trường Sơn Tây Nguyên và VHNT vùng biên giới nối tiếp nước bạn Campuchia. Chúng tôi mở ra nhiều cơ hội trong xây dựng, quảng bá, giới thiệu, sáng tác, hoạt động để Bình Phước phát triển trên 3 trụ cột văn hóa, đó là: đa dạng, bản sắc và hội nhập cũng như các giá trị nổi trội về con người Bình Phước: hòa hợp, nghĩa tình, tự cường, kỷ cương, sáng tạo theo Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 20-11-2023 của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đến năm 2030 và tầm nhìn 2045. Trong đó, phấn đấu đến năm 2030: trên 94% hộ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa; trên 95% thôn, ấp, khu phố đạt danh hiệu văn hóa; 90% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; trên 90% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. 100% thanh, thiếu nhi trong các trường học, đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh được trải nghiệm thực tế, tuyên truyền, giáo dục truyền thống, tìm hiểu về giá trị các di sản văn hóa tiêu biểu trên địa bàn tỉnh… Chỉ số phát triển con người (HDI) của Bình Phước nằm trong nhóm từ 25 - 30 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước.
Định hướng phấn đấu đến năm 2045: 100% khu phố, thôn, ấp có nhà văn hóa - thể thao đạt chuẩn. 100% cấp xã có trung tâm văn hóa - thể thao đạt chuẩn quốc gia; 100% các di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia, các di sản trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số… Phấn đấu đưa chỉ số HDI của Bình Phước trong nhóm từ 20-25 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước.
Ngọc Quế
Nguồn Bình Phước : https://baobinhphuoc.com.vn/news/554/172769/van-hoc-nghe-thuat-trong-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc