Vận hội mới của Thủ đô

Vận hội mới của Thủ đô
9 giờ trướcBài gốc
Đây là thời khắc để mỗi người dân Thủ đô và cả dân tộc cùng đồng lòng hướng tới một tương lai thịnh vượng, nơi Hà Nội không chỉ là trái tim của Việt Nam, mà còn là biểu tượng của sự đổi mới và sáng tạo.
Chủ tịch nước Lương Cường thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trao tặng lẵng hoa chúc mừng, ghi nhận kết quả trong công tác sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Viết Thành
1. Mô hình chính quyền hai cấp, với ý nghĩa “tinh - gọn - mạnh, hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”, gần dân, sát với dân hơn, là bước đi thể hiện tư duy đột phá cùng phong cách lãnh đạo mạnh mẽ, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm của Trung ương, Bộ Chính trị, mà đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm.
Tự hào là trái tim của cả nước, Hà Nội đã khẳng định vai trò tiên phong, gương mẫu trong công cuộc sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương hai cấp. Với tầm nhìn chiến lược và quyết tâm cao độ, Thành phố đã hoàn thành đúng tiến độ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã từ 526 xã, phường, thị trấn (nhiều thứ 2 cả nước chỉ sau tỉnh Thanh Hóa) thành 126 xã, phường mới. Không chỉ giảm số đơn vị hành chính cấp xã nhiều nhất cả nước sau sắp xếp (tỉ lệ 76,05%), Hà Nội còn cho thấy sự chủ động triển khai một cách bài bản, khoa học, thể hiện sự nhạy bén và năng động trong việc hiện thực hóa các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.
126 xã, phường mới hình thành không chỉ cho thấy sự hợp lý về mặt địa giới hành chính khi bám sát các trục giao thông chính, hệ thống sông và trên cơ sở quy hoạch, mà còn bảo đảm sự hòa hợp về văn hóa. Điều này thể hiện rất rõ trong cách đặt tên các phường, xã mới khi rất nhiều cái tên mới giàu ý nghĩa lịch sử, văn hóa gắn bó với vùng đất được mang trở lại.
Chẳng hạn, huyện Đông Anh có 4 tên mới đều là tên làng, xã cổ hoặc đã từng được sử dụng là Thư Lâm, Phúc Thịnh, Thiên Lộc, Vĩnh Thanh. Huyện Thanh Trì có hai tên mới là Nam Phù, Đại Thanh. Trong khi Nam Phù gắn với tên tổng Nam Phù ngày xưa và sự kiện tướng quân Nguyễn Siêu (Nguyễn Hữu Công - một trong 12 sứ quân cuối thế kỷ X) đánh đuổi quân Nam Hán, thì Đại Thanh cũng là tên gọi đã có từ năm 1965 ở khu vực Tả Thanh Oai, mang nghĩa là vùng đất lớn mạnh, thanh cao; thể hiện được sức mạnh sau sáp nhập. Huyện Ứng Hòa có tên xã mới là Ứng Thiên, là tên gọi tổng Ứng Thiên ngày xưa của vùng đất. Huyện Đan Phượng có tên xã mới lấy tên Ô Diên - một trong những di tích cổ quan trọng nhất của Hà Nội thời kỳ tiền Thăng Long. Đặc biệt là Hồng Hà - một cái tên mang ý nghĩa văn hóa, lịch sử đã đi vào thơ ca, giúp chúng ta dễ dàng hình dung ra địa giới hành chính của phường nằm trọn trong khu vực bên bờ sông Hồng.
Sự sắp xếp này không chỉ là một thay đổi về mặt cơ học, mà còn mở ra không gian phát triển mới cho mỗi địa phương, tạo đà cho sự phát triển nhanh, bền vững và hiệu quả hơn. Sự thành công của phương án sắp xếp càng được củng cố khi tỉ lệ ủng hộ của người dân đối với phương án sắp xếp là hơn 97%, đối với phương án đặt tên là trên 96%. Kết quả này còn tạo lòng tin, khơi dậy khát vọng, tạo sự hứng khởi cho cán bộ, nhân dân các địa phương. Tất cả đội ngũ chỉnh tề cùng dân tộc vươn tới tương lai rực rỡ.
Hà Nội còn gương mẫu trong triển khai tổ chức 1 tuần vận hành thử nghiệm để đến thời điểm chính thức (ngày 1-7) cả hệ thống đã vận hành thông suốt, phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp ngay từ giờ đầu, ngày đầu. Dẫu còn nhiều mới mẻ, khó khăn, song cán bộ, công chức của cả thành phố đã sẵn sàng tâm thế “vừa làm, vừa học”, quyết tâm chuyển từ “làm hết trách nhiệm” sang làm “đến nơi, đến chốn”, lấy thước đo là sản phẩm cụ thể và hiệu quả công việc.
2. Một trong những lợi ích nổi bật của mô hình chính quyền hai cấp là khả năng đưa ra các quyết định nhanh chóng, sát với thực tiễn, giảm thiểu độ trễ trong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách. Trong tổng số 1.464 nhiệm vụ phân quyền, phân cấp, có 1.059 nhiệm vụ, thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ và Bộ trưởng được phân cấp, phân quyền cho địa phương; 1.248 nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền cấp huyện được điều chỉnh cho chính quyền xã hoặc tỉnh. Theo đó, các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp xã được trao quyền tự chủ cao hơn với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Điều này không chỉ giảm tải cho chính quyền thành phố mà còn tạo điều kiện để người dân được tiếp cận các dịch vụ công tốt hơn, nhanh hơn.
Việc Hà Nội sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã, phường, giảm từ 526 xuống còn 126 xã, phường mới không chỉ đơn thuần là sự tinh gọn về mặt hành chính mà còn là cơ hội vàng để thành phố tối ưu hóa các nguồn lực, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội một cách bền vững. Đó là vì mô hình mới mang lại sự giải phóng nguồn lực đất đai. Khi số lượng đơn vị hành chính giảm, các trụ sở, cơ sở vật chất không còn sử dụng sẽ được quy hoạch lại, tạo ra quỹ đất quý giá cho các dự án phát triển đô thị, khu dân cư mới, hoặc mở rộng hạ tầng giao thông. Điều này đặc biệt quan trọng đối với một đô thị lớn như Hà Nội, nơi đất đai luôn là nguồn lực khan hiếm. Đơn cử như phường Tây Hồ vừa kiến nghị và được Tổng Bí thư Tô Lâm hết sức hoan nghênh khi chuyển đất trụ sở Công an phường Nghĩa Đô cũ thành nơi xây dựng thêm một trường học mới.
Bên cạnh đó, việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã còn giúp tập trung hóa nguồn lực đầu tư và quản lý. Thay vì phân tán cho nhiều đơn vị nhỏ lẻ, các dự án đầu tư công, quy hoạch đô thị sẽ được triển khai một cách đồng bộ và hiệu quả hơn trên quy mô lớn. Điều này không chỉ giúp giảm bớt sự chồng chéo, lãng phí mà còn tạo điều kiện cho việc hình thành các chuỗi đô thị, khu vực kinh tế chuyên biệt có tính liên kết cao, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh tổng thể của thành phố.
Đặc biệt, việc tinh gọn bộ máy hành chính mang lại giá trị cốt lõi là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả phục vụ của chính quyền đối với người dân và doanh nghiệp. Với số lượng đơn vị ít hơn gắn với tăng cường chuyển đổi số, việc phối hợp giữa các cấp, các ngành cũng có điều kiện trở nên đơn giản và thông suốt hơn, giúp giải quyết các vấn đề một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn. Điều này không chỉ tạo môi trường kinh doanh thuận lợi mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thúc đẩy Hà Nội phát triển theo hướng văn minh, hiện đại và bền vững.
3. Trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng với sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp 4.0 và những thách thức toàn cầu, Hà Nội cần hơn bao giờ hết một bộ máy quản lý linh hoạt, hiệu quả và sáng tạo. Mô hình chính quyền hai cấp chính là câu trả lời, không chỉ giúp Hà Nội thích ứng với những biến động của thời đại mà còn tạo điều kiện để Thủ đô vươn lên, khẳng định vị thế trên trường quốc tế.
Với người dân Hà Nội, đây là thời khắc để cùng nhau viết tiếp những trang sử mới cho Thủ đô và đất nước. Xây dựng mô hình chính quyền hai cấp “tinh - gọn - mạnh, hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” không chỉ là nhiệm vụ của các cấp ủy, chính quyền, mà có vai trò, trách nhiệm to lớn của mỗi người dân. Những ý kiến xây dựng, những hành động đóng góp, sẻ chia, dù nhỏ bé, đều là những viên gạch góp phần dựng nên tương lai tươi sáng cho mảnh đất nghìn năm văn hiến.
Minh Nguyệt
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/van-hoi-moi-cua-thu-do-708161.html