Vẫn khó bảo vệ bản quyền phim

Vẫn khó bảo vệ bản quyền phim
12 giờ trướcBài gốc
Dễ dàng xem phim “chùa”
Chỉ cần gõ từ khóa tên bất cứ một bộ phim nào đang “hot” của VTV lên Google, sẽ có rất nhiều video hiện ra. Tuy nhiên, đó không phải là những bộ phim đầy đủ mà bị cắt xén đầu cuối, hoặc những đoạn hay nhất của phim. Không chỉ cắt xén, nhiều chủ thể vi phạm còn sử dụng những ngôn từ giật gân, câu view dẫn đến những bình luận, chia sẻ mang tính lệch lạc, ảnh hưởng đến nội dung phim…
Bộ phim “Sống chung với mẹ chồng” từng bị nhiều kênh trực tuyến sao chép bản quyền.
Ngoài ra, có rất nhiều website phim tiếng Việt công khai phát sóng hàng chục nghìn bộ phim trên Internet, trong khi rất nhiều các tác phẩm chưa được chủ các website này mua bản quyền. Theo đại diện Công ty TNHH Bình Hạnh Đan (BHD Star Cineplex) - một công ty hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, phân phối và hợp tác sản xuất các chương trình truyền hình và điện ảnh, tình trạng ăn cắp bản quyền phát hành trên không gian mạng rất phổ biến, gây thiệt hại vô cùng lớn cho nhà sản xuất, phát hành và phổ biến phim.
Còn nhớ, thời điểm bộ phim “Người phán xử” và “Sống chung với mẹ chồng” trở thành hiện tượng trên sóng VTV, cũng chính là lúc các kênh chiếu phim trực tuyến sao chép bản quyền nhiều nhất. Không chỉ ngang nhiên chiếu phim, một số trang web trực tuyến còn thông báo công khai: “Bản đầy đủ HD sẽ được cập nhật sau đó (sau giờ VTV phát sóng) vài giờ”.
Trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, tình trạng vi phạm bản quyền diễn ra một cách tràn lan, công khai và đầy thách thức. Rất nhiều bộ phim của VTV nằm trong tình trạng tương tự, cứ phim vừa phát sóng trên truyền hình là ngay lập tức sau đó đã có mặt trên các trang chiếu phim trực tuyến và được lan truyền trên mạng xã hội.
Không chỉ vậy, nhiều người làm review (tóm tắt) phim rồi chia sẻ dưới dạng video ngắn trên Youtube hay Facebook Watch, TikTok... và chỉ cần xem các clip ngắn này là nắm rõ nội dung chính của bộ phim. Điều này đã gây tổn hại rất lớn đến quyền lợi của đơn vị sản xuất phim. “Nhà sản xuất đã bỏ chất xám, công sức và tiền bạc để làm ra một bộ phim hoặc một series phim chất lượng để gửi tới khán giả. Nhưng chỉ mới công chiếu một thời gian ngắn đã bị tiết lộ nội dung phim qua các video review tràn ngập trên các mạng xã hội. Điều đó gây thiệt hại rất lớn cho nhà sản xuất và rạp phim” - bà Ngô Thị Bích Hiền - Phó Tổng Giám đốc BHD Star Cineplex nói.
Đạo diễn Lương Đình Dũng chia sẻ, nhiều bộ phim vừa ra rạp vài ngày thì bản phim lậu đã phát tán tràn ngập trên mạng. Thiệt hại có thể thấy rõ ràng bởi thay vì đến rạp thưởng thức các bộ phim đang được công chiếu thì một số người lựa chọn cách ở nhà xem phim lậu miễn phí. Nhà làm phim đầu tư công sức, tiền bạc cho một bộ phim nhưng khi phim phát tán rộng rãi trên các trang web lậu thì coi như tác phẩm đã bị “cướp trắng”.
Cách nào để xử lý?
Để xử lý vấn nạn này, nhiều ý kiến cho rằng, cùng với việc tăng mức xử phạt vi phạm hành chính để răn đe thì cũng cần chặn nguồn thu quảng cáo của các trang web lậu, vì không có quảng cáo thì họ sẽ không có doanh thu. Nhiều nước trên thế giới thực hiện cách làm này. Bên cạnh đó cũng cần tăng cường, tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật...
Ông Đỗ Quốc Việt - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh khẳng định, lĩnh vực điện ảnh, đặc biệt là Luật Điện ảnh và Nghị định 131 liên quan quản lý phim trên không gian mạng đã quy định rất rõ. Việc các chủ thể quản lý phim trên Internet không tuân thủ triệt để, chưa kịp thời thực hiện, nếu bị phát hiện cũng sẽ bị nhắc nhở. Sau khi nhắc nhở mà không thực hiện sẽ có những biện pháp để buộc tất cả những chủ thể phổ biến phim trên không gian mạng phải tuân thủ theo quy định.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận định: “Tình trạng xâm phạm bản quyền đối với phim điện ảnh và phim truyền hình là một vấn đề không mới nhưng lại ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, nhất là trong bối cảnh công nghệ số phát triển mạnh mẽ. Tình trạng này không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế cho các nhà sản xuất, các đơn vị phát hành mà còn làm suy yếu động lực sáng tạo của những người làm nghề. Tôi cho rằng điều này phản ánh một thực trạng đáng buồn về ý thức bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong xã hội, khi một bộ phận không nhỏ công chúng vẫn coi việc sử dụng nội dung vi phạm bản quyền là điều bình thường, thậm chí không nhận thức được rằng đây là hành vi vi phạm pháp luật”.
Mặc dù đã có những quy định pháp lý tương đối đầy đủ, đặc biệt trong Luật Điện ảnh (sửa đổi) năm 2022, nhưng việc áp dụng các quy định này vào thực tiễn vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều trường hợp vi phạm, dù được phát hiện, nhưng việc xử lý còn chậm trễ, chưa đủ mạnh để răn đe. Thêm vào đó, khả năng phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trên không gian mạng còn gặp nhiều khó khăn, do tính chất phi tập trung và ẩn danh của môi trường kỹ thuật số.
Sự phát triển của công nghệ hiện đại, đặc biệt là các nền tảng chia sẻ trực tuyến, đã khiến việc vi phạm bản quyền trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Các bộ phim bị sao chép, chia sẻ trái phép với tốc độ chóng mặt ngay sau khi ra mắt, thậm chí ngay trong giai đoạn công chiếu tại rạp. Điều này không chỉ làm giảm nguồn doanh thu chính đáng của các đơn vị sản xuất mà còn làm suy giảm giá trị nghệ thuật và sự độc quyền của tác phẩm.
Tình trạng xâm phạm bản quyền phim điện ảnh và truyền hình cần được nhìn nhận nghiêm túc và có những hành động quyết liệt hơn để giải quyết. Đây không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, mà còn là của toàn xã hội trong việc xây dựng một môi trường sáng tạo văn minh, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Việc xử lý những sai phạm về bản quyền phim trên không gian mạng cần được thực hiện một cách nghiêm túc và đồng bộ, dựa trên các quy định đã được nêu trong Luật Điện ảnh (sửa đổi) năm 2022 cũng như các luật pháp khác có liên quan. Việc nâng cao năng lực thực thi pháp luật là rất quan trọng. Các cơ quan chức năng cần có đội ngũ chuyên trách, được đào tạo bài bản về công nghệ số, để giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm bản quyền trên không gian mạng.
Bên cạnh đó, việc tăng cường trách nhiệm của các nền tảng số là một yếu tố không thể thiếu. Các nền tảng cung cấp nội dung trực tuyến cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, đảm bảo tuân thủ quy định gỡ bỏ nội dung vi phạm trong thời gian ngắn nhất khi có yêu cầu. Việc xử phạt cần được thực hiện mạnh mẽ, công khai và có tính răn đe cao, bao gồm cả xử lý vi phạm hành chính lẫn truy cứu trách nhiệm hình sự nếu mức độ nghiêm trọng.
V.Hà - P.Sỹ
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/van-kho-bao-ve-ban-quyen-phim-10298665.html