Vẫn khó xử phạt hành vi không phân loại rác

Vẫn khó xử phạt hành vi không phân loại rác
8 giờ trướcBài gốc
Chưa áp dụng xử phạt
Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, hộ gia đình và cá nhân ở đô thị phải đựng chất thải rắn sinh hoạt sau khi thực hiện phân loại vào các bao bì. Tại khoản 1, Điều 26, Nghị định 45/2022 quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.
Công nhân thu gom rác thải sinh hoạt trên đường Nguyễn Hậu, phường Tân Thành, quận Tân Phú, TPHCM. Ảnh: THANH HIỀN
Tiếp đó, Công văn 9368/BTNMT-KSONMT của Bộ TN-MT hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân; triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt chậm nhất là ngày 31-12-2024. Từ ngày 1-1-2025, các hộ gia đình, cá nhân nếu không PLRTN sẽ bị xử phạt theo quy định trên.
Theo ghi nhận, các địa phương tại TPHCM chưa triển khai quy định này. Chị Lê Thị Ánh Tuyết (ngụ tại khu phố 5, phường Thạnh Xuân, quận 12, TPHCM), cho biết, cách đây vài năm, khu phố có tuyên truyền đến người dân việc PLRTN. Tuy nhiên, chị chỉ thực hiện được một thời gian rồi ngưng, vì trong khu phố người làm người không.
“Hiện nay, người trong khu phố chỉ bỏ rác vào một thùng rác chung. Như nhà tôi, những loại rác có thể tái chế và bán ve chai thì tôi để riêng; rác thải còn lại, tôi cho vào một thùng để đơn vị thu gom đến lấy. Nếu có áp dụng xử phạt vì không PLRTN thì trước khi thực hiện, chính quyền địa phương cần thông báo và có hướng dẫn cụ thể để người dân biết, nhưng hiện nay chúng tôi chưa nghe gì”, chị Tuyết chia sẻ.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Thúy (ngụ chung cư K26, phường 1, quận Gò Vấp) cho biết, người dân từ tầng 2 trở lên đổ rác thải sinh hoạt hàng ngày thông qua khoảng không của tòa nhà dẫn xuống nhà rác dưới tầng trệt. Mỗi tầng không có thùng chứa riêng mà tất cả chuyển xuống nhà rác, cũng không có yêu cầu gì phân loại rác.
Liên quan đến việc xử phạt hành vi không PLRTN, ông Ngô Xuân Bình, Chủ tịch UBND phường 3, quận Gò Vấp, thông tin, trước đây phường có tuyên truyền đến người dân, nhưng chỉ được một thời gian thì ngưng. Vì dù rác được người dân phân loại, thì các đơn vị vận chuyển vẫn nhập chung do không có xe chuyên dụng thu gom.
Trong khi đó, ông Lại Phú Cường, Trưởng Phòng TN-MT quận Bình Tân, cho biết, hiện nay, quận đang chờ thành phố triển khai đề án PLRTN nên vẫn chưa áp dụng xử phạt. Quận cũng đang tăng cường công tác tuyên truyền PLRTN theo đúng hướng dẫn của Bộ TN-MT, vì hiện nay đa phần người dân chưa thực hiện đúng.
Giải bài toán xử lý rác thải sinh hoạt
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho biết, hiện nay đề án PLRTN đang được trình và xin ý kiến. Ngày 18-11-2024, Ban cán sự đảng UBND TPHCM đã tổ chức cuộc họp nghe báo cáo đề án. Chủ tịch UBND TPHCM đã chỉ đạo Sở TN-MT hoàn thiện nội dung dự thảo đề án trình UBND TPHCM xem xét thông qua, báo cáo Ban cán sự đảng UBND TPHCM trình Thường vụ Thành ủy.
Đơn vị thu gom rác thải sinh hoạt tại phường 5, quận Gò Vấp, TPHCM
Hiện mỗi ngày TPHCM phát sinh hơn 9.800-10.500 tấn rác sinh hoạt. Theo báo cáo của UBND TPHCM, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ đốt không thu hồi năng lượng, compost, tái chế trên địa bàn thành phố đạt 33%, còn lại 67% khối lượng rác sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ chôn lấp.
Các chuyên gia đánh giá, việc phân loại và tái chế là điều cần thiết để giảm nguồn chất thải. Trong khi đó, việc PLRTN chỉ là một trong những hành động cơ bản nhất để bước đầu giải bài toán bảo vệ môi trường; khâu quan trọng vẫn là công tác xử lý rác thải. GS-TS Lê Thanh Hải, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TPHCM) đề xuất: “Thành phố cần phát triển được hệ thống thu gom, phân loại tái chế. Việc phát triển hệ thống này sẽ giải được bài toán giảm thiểu rác thải sinh hoạt, tạo nên nền kinh tế tuần hoàn để sử dụng nguồn tài nguyên là rác thải. Bên cạnh đó, thành phố nên quy hoạch hệ thống mạng lưới xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị”.
Theo báo cáo tổng kết kết quả thực hiện Đồ án quy hoạch xử lý chất thải rắn TPHCM đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, trên địa bàn TPHCM hiện có 5 dự án chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt sang đốt phát điện đang triển khai.
UBND TPHCM đã ban hành quyết định chủ trương đầu tư 2 dự án chuyển đổi công nghệ của Công ty CP Vietstar và Công ty CP Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa; 3 đơn vị còn lại đang thực hiện các thủ tục pháp lý đầu tư dự án chuyển đổi công nghệ gồm: Công ty CP Tasco, Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam và Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM.
THANH HIỀN
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/van-kho-xu-phat-hanh-vi-khong-phan-loai-rac-post781636.html