Vấn nạn nhức nhối

Vấn nạn nhức nhối
3 giờ trướcBài gốc
Đồ họa về các loại tội phạm phổ biến liên quan đến thanh thiếu niên thường vi phạm. Lê Duy
Nguyên nhân được xác định là do giới trẻ hiện nay phát triển nhanh về thể chất nhưng nhận thức, nhân cách chưa hoàn thiện; kỹ năng sống còn thiếu; nhận thức pháp luật hạn chế nên dễ thực hiện những hành vi có tính chất bộc phát, dễ dẫn đến vi phạm pháp luật, sớm sa chân vào con đường phạm pháp.
Ra tay manh động, liều lĩnh
Tại các phiên tòa xét xử của tòa án nhân dân (TAND) hai cấp ở Đồng Nai, không khó để nhìn thấy các bị cáo đứng trước bục khai trong độ tuổi thanh, thiếu niên. Chỉ vì bồng bột, nông nổi, không ít thanh, thiếu niên phải vướng vòng lao lý khi mang theo hung khí nguy hiểm để giải quyết mâu thuẫn với tính chất manh động, liều lĩnh.
Đơn cử, vào ngày 23-5, TAND tỉnh tuyên phạt các bị cáo cùng ngụ thành phố Biên Hòa về tội giết người gồm: Dương Thanh Sang (20 tuổi, ngụ phường Trảng Dài) tù chung thân; Châu Tuấn Kiệt (20 tuổi, ngụ phường Trung Dũng) 19 năm tù về tội giết người; Trương Khắc Kiệt (21 tuổi, ngụ phường Trảng Dài) 24 năm tù về tội giết người và tội tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng. Cùng về tội giết người, 11 bị cáo khác trong vụ án đang trong độ tuổi từ 18-24 cũng bị tuyên phạt từ 8-12 năm tù/bị cáo.
Nội dung bản án xác định, vào ngày 26-6-2022, khi nghe bị cáo Châu Tuấn Kiệt kể lại việc cãi nhau với một thanh niên khác thì Dương Thanh Sang và 12 thanh niên khác cùng tham gia đi đánh nhau. Khi đi các bị cáo mang theo: súng, dao, kiếm, mã tấu, gậy bóng chày… đến điểm hẹn gặp Phan Lê Thanh Sang (ngụ thành phố Biên Hòa) và đồng bọn cũng mang theo súng tự chế, bom xăng, dao, mã tấu, kiếm… để đánh nhau. Trong lúc hai bên xô xát gần khu vực Trường tiểu học Lê Văn Tám (phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa) thì Dương Thanh Sang đã dùng súng bắn chết Phan Lê Thanh Sang.
Thượng tá TRẦN KHẮC ĐIỆP, Phó giám thị Trại giam Xuân Lộc:
Giúp phạm nhân trẻ sớm hoàn lương, làm lại cuộc đời
Trong thời gian gần đây, nhiều phạm nhân bị đưa vào cơ sở giam giữ có tuổi đời còn trẻ. Để giúp phạm nhân cải tạo tốt, sớm được trở về xã hội, tái hòa nhập cộng đồng, cán bộ quản giáo luôn quan tâm định hướng về nghề nghiệp; tuyên truyền kiến thức pháp luật, kỹ năng sống. Từ đó, giúp phạm nhân thấy được lỗi lầm, sai trái của mình mà sửa chữa để có cơ hội được giảm án, tha tù, đặc xá.
Về việc xét xử đối với người chưa thành niên phạm tội, trong 8 tháng của năm 2024, TAND hai cấp tại Đồng Nai đã xét xử gần 60 vụ án/gần 150 bị cáo trong tổng số hơn 60 vụ/hơn 160 bị cáo đã thụ lý. Trong năm 2023, đã xét xử hơn 30 vụ/gần 80 bị cáo trong tổng số thụ lý hơn 50 vụ/gần 140 bị cáo đã thụ lý).
Đáng chú ý, cũng có những thiếu niên chỉ mới 15 tuổi đã rủ nhau tham gia thực hiện hành vi cướp tài sản rất manh động và liều lĩnh. Điển hình như vào ngày 20-7, Công an huyện Vĩnh Cửu bắt giữ nhóm 4 đối tượng chỉ mới 15 tuổi tham gia vụ cướp tài sản tại thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu). Qua điều tra ban đầu công an xác định, khoảng 22h ngày 17-7, sau khi bàn bạc, lên kế hoạch, các đối tượng lợi dụng địa bàn vắng, chặn đường của anh C.C.S. (ngụ xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom) rồi cướp chiếc xe của anh S. và bỏ trốn.
Trước đó, Công an thành phố Biên Hòa bắt 5 đối tượng từ 14-19 tuổi đã thực hiện các vụ cướp tài sản tại địa bàn phường Phước Tân (thành phố Biên Hòa) và khu vực lân cận. Cụ thể, khoảng 3h30 ngày 10-7, anh P.H.N. (ngụ phường Tam Phước, thành phố Biên Hòa) chạy xe máy để đi làm việc. Khi anh N. đang đi trên đường Nguyễn Khắc Hiếu (phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa) thì thấy nhóm 5 thanh niên chạy xe bám theo và ném vỏ chai bia vào người anh N. uy hiếp, yêu cầu anh dừng xe. Anh N. vứt xe bỏ chạy thì bị nhóm thiếu niên tấn công. Sau đó, các đối tượng cướp xe máy của anh N. rồi tẩu thoát. Công an phường Phước Tân phối hợp với lực lượng trinh sát của Đội Cảnh sát hình sự Công an thành phố Biên Hòa vào cuộc điều tra truy xét và nhanh chóng bắt giữ các đối tượng.
Ngoài ra, tình trạng trẻ vị thành niên cùng tụ tập ăn nhậu rồi mang hung khí đi giải quyết mâu thuẫn cũng rất đáng lo ngại. Đơn cử như ngày 1-8, TAND tỉnh tuyên phạt các bị cáo cùng ngụ tại huyện Cẩm Mỹ gồm: Nguyễn Tấn Phát (17 tuổi, ngụ xã Bảo Bình), Thóng Hưng Quý (18 tuổi, ngụ xã Xuân Tây), Trần Gia Huy (17 tuổi, ngụ xã Bảo Bình), Bùi Đức Tấn Đạt (18 tuổi, ngụ xã Xuân Bảo), Chế Ngọc Thành (19 tuổi, ngụ xã Bảo Bình) từ 5-8 năm tù về tội giết người.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh, do có mâu thuẫn từ trước nên ngày 1-3-2023, Tấn Phát đã rủ các bị cáo còn lại đi đánh nhau với nhóm Nguyễn Minh Phát (17 tuổi, ngụ xã Bảo Bình). Khi đi, các bị cáo mang theo bom xăng, dao rựa. Trong lúc hỗn chiến tại xã Xuân Tây (huyện Cẩm Mỹ), các bị cáo đã chém trúng đầu Minh Phát gây thương tật 35%.
Vì đâu nên nỗi?
Trưởng phòng Thực hành quyền công tố, xét xử án hình sự về trật tự xã hội, VKSND tỉnh Doãn Cao Sơn cho hay, tình hình tội phạm trong nhóm đối tượng ở độ tuổi thanh, thiếu niên ngày càng diễn biến phức tạp. Đôi khi chỉ là vì những mâu thuẫn rất nhỏ, những xích mích không đáng có nhưng các đối tượng vẫn sẵn sàng chuẩn bị hung khí nguy hiểm như dao, súng, mã tấu, bom xăng… để thanh toán, ẩu đả lẫn nhau. Hậu quả là gây ra các vụ cố ý gây thương tích, giết người và bị vướng vào vòng lao lý với những bản án nặng khi tuổi đời còn quá trẻ.
Đội thi Trường trung học phổ thông song ngữ Á Châu (thành phố Biên Hòa) tranh tài trong cuộc thi Trường học không ma túy tại Trường trung học phổ thông Lê Quý Đôn - Long Bình Tân (phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hòa). Ảnh: Lê Duy
Nguyên nhân được xác định là do các thanh thiếu niên sống trong môi trường gia đình không lành mạnh hoặc hôn nhân của cha mẹ bị tan vỡ. Nhiều bậc cha mẹ do tập trung làm ăn kinh tế mà không dành nhiều thời gian bên con để chăm sóc, giáo dục con. Từ đó, dẫn đến con trẻ sớm bị các đối tượng hư hỏng ngoài xã hội lôi kéo, tụ tập ăn nhậu, làm sai lệch nhân cách của trẻ và sớm sa chân vào con đường phạm pháp. Bên cạnh đó, có một bộ phận thanh, thiếu niên thường có lối sống buông thả, lười lao động, thích đua đòi, hưởng thụ rất dễ dẫn đến phạm pháp.
“Một số trẻ vị thành niên do đang trong quá trình hình thành nhân cách nên chưa nhận thức được về những việc làm, hành vi của bản thân. Trong khi đó, trẻ không có người lớn định hướng, giáo dục một cách kịp thời, đúng đắn, dẫn đến trẻ bị sai lệch về nhân cách và sớm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật” - ông Sơn cho hay.
Trợ giúp viên pháp lý tỉnh Nguyễn Ngọc Huyền, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước (Sở Tư pháp), cho biết hiện nay, mặt trái của mạng xã hội đã tác động rất lớn đến cách hành xử của thanh, thiếu niên. Sự tiếp xúc sớm với các trang mạng đen có nhiều phim ảnh bạo lực, đồi trụy đã khiến cho một bộ phận thanh, thiếu niên bị ảnh hưởng, bắt chước và có hành động tiêu cực.
Trên thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự cho thấy, quan điểm xử lý người chưa thành niên phạm tội vẫn còn nặng về răn đe, áp dụng hình phạt; chưa chú trọng tạo cơ hội cho người chưa thành niên phạm tội sửa chữa, cải thiện hành vi; hoạt động tư pháp đối với người chưa thành niên được phân công cho nhiều cấp, nhiều ngành nhưng không có cơ quan chủ trì điều phối… Đây được xem là một trong những nguyên nhân dẫn tới thực trạng tỷ lệ người chưa thành niên vi phạm, tái phạm vẫn còn cao và có xu hướng gia tăng.
Mặt khác, trẻ vị thành niên chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tình cảm, nhận thức; thiếu kiến thức xã hội, pháp luật; hành động cảm tính, bốc đồng, manh động; khó kiểm soát cảm xúc... Do đó, việc xây dựng pháp luật đối với người chưa thành niên phạm tội phải đạt được mục đích chính là giáo dục, cải tạo, giúp đỡ trẻ vị thành niên tự sửa chữa sai lầm, cải thiện nhận thức và hành vi, trở thành công dân tốt cho xã hội.
Tố Tâm
Nguồn Đồng Nai : https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202410/van-nan-nhuc-nhoi-4d17829/