Vấn nạn sữa giả, thuốc giả còn kéo dài bao lâu?

Vấn nạn sữa giả, thuốc giả còn kéo dài bao lâu?
một ngày trướcBài gốc
Theo đó, ngày 16/4, Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả với quy mô lớn, bắt giữ 14 đối tượng về tội "sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh". Công an tỉnh Thanh Hóa đã thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ, huy động lực lượng khám xét khẩn cấp 6 địa điểm là nơi sản xuất, cất giấu hàng hóa của các đối tượng trên địa bàn TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Vĩnh Phúc, Hưng Yên, An Giang, Đồng Tháp. Qua khám xét, lực lượng công an đã thu giữ 21 loại thuốc tân dược, thuốc chữa xương khớp giả.
Đáng lo là trong số các loại thuốc giả có cả thuốc kháng sinh là Tetracyclin. Khi dùng thuốc kháng sinh giả này, người bệnh có khi nguy hiểm đến tính mạng.
Bên cạnh niềm vui vì cái giả, gian dối được phát hiện, đó là nỗi lo. Bởi, nạn thực phẩm giả, rồi thuốc giả không chỉ là lần đầu được phát hiện. Riêng đường dây sản xuất thuốc giả nói trên, theo báo chí, đã tồn tại 4 năm và lượng hàng hóa tuồn ra thị trường có thể rất nhiều mới bị phát hiện.
Câu hỏi được đặt ra: triệt phá được tổ chức sản xuất hàng giả là tốt rồi, nhưng vấn nạn này có thể còn xảy ra dai dẳng đến bao giờ và cách nào để giảm thiểu? Giải quyết vấn đề cũng chính là để bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng, thậm chí là chất lượng nòi giống, vì sữa cho trẻ kém chất lượng có thể khiến trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi hoặc béo phì. Với thuốc chữa bệnh, thuốc giả đẩy người bệnh và gia đình họ không chỉ suy sụp về sức khỏe mà thậm chí còn rơi vào cảnh nợ nần, túng quẫn.
Nhiều năm nay, các cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt để triệt phá các tổ chức, cá nhân làm hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là các loại sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Các biện pháp chế tài cũng đã nghiêm khắc và đang có đề xuất tăng nặng. Vậy vấn đề tại sao hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn có chỗ để tồn tại?
Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần tham khảo kinh nghiệm chống hàng giả, hàng kém chất lượng của Mỹ, Nhật Bản và một số quốc gia thuộc châu Âu. Ở những nơi đó, ngoài hành lang pháp lý chặt chẽ, người làm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bị phạt rất nặng, thậm chí bị phạt tù. Đặc biệt, người tiêu dùng cố ý mua hàng giả vì ham rẻ và vì lý do nào đó cũng bị phạt tiền rất nhiều (ở nước ta, người tiêu dùng mặc nhiên được coi là “nạn nhân”). Chỉ có như vậy mới khuyến khích người tiêu dùng sử dụng hàng thật, cẩn trọng khi dùng hàng giả, hàng nhái, không cố ý hoặc vô tình tiếp tay cho hàng giả, hàng kém chất lượng.
Cuối cùng, với người tiêu dùng, hầu hết trong số họ không nhận thức được hoặc vô tình tiếp tay cho hàng giả, hàng kém chất lượng khi mua chúng. Thế nhưng trách nhiệm của những người nổi tiếng ở đâu khi tiếp tay cho hàng giả, nhất là khi họ thậm chí cam đoan rằng chính bản thân họ đã dùng thuốc, dùng sữa và thấy có hiệu quả, để rồi khuyên người tiêu dùng mua sản phẩm giả, hoặc kém chất lượng?
Thành Thực
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/van-nan-sua-gia-thuoc-gia-con-keo-dai-bao-lau.676828.html