Ngành dược Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.
Góc khuất mang tên “thuốc giả”
Theo thống kê của Statista, quy mô thị trường dược phẩm toàn cầu đạt khoảng 1.500 tỷ USD vào năm 2023 và được dự báo tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thập kỷ tới. Tại Việt Nam, ngành dược ghi nhận tốc độ tăng trưởng trung bình 10 - 12% mỗi năm, với kỳ vọng cán mốc 16 tỷ USD vào năm 2026, thuộc nhóm nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.
Hiện cả nước có khoảng 238 nhà máy đạt chuẩn GMP-WHO, đáp ứng gần 70% nhu cầu tiêu thụ nội địa, cùng với hơn 5.000 cơ sở bán buôn và 65.000 cơ sở bán lẻ, ngành dược đang hình thành một hệ sinh thái phân phối rộng khắp và hiện đại.
Không chỉ có các tên tuổi truyền thống như Pharma, Traphaco, Imexpharm, DHG... đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ và mở rộng sản xuất, thị trường còn chứng kiến sự gia nhập của các “đại gia” ngoài ngành như Vingroup, Masan, FPT Retail. Điều này tạo nên một “cuộc đua ngầm”, định hình lại toàn bộ chuỗi giá trị ngành dược trong nước, từ sản xuất đến phân phối và xuất khẩu.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên từng chỉ ra 3 nguyên nhân chính dẫn đến vấn nạn thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Đó là: hệ thống pháp lý chưa hoàn thiện, việc thực thi chưa nghiêm và ý thức tuân thủ của một bộ phận doanh nghiệp, người tiêu dùng còn yếu.
Các chuyên gia nhấn mạnh, thuốc giả không chỉ gây nguy hiểm cho người bệnh, mà còn làm xói mòn uy tín doanh nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng huy động vốn và mở rộng thị trường của ngành dược Việt Nam.
Trong bối cảnh thị trường tài chính biến động, cổ phiếu ngành dược ngày càng được xem là “nơi trú ẩn” an toàn nhờ tính ổn định, nhu cầu không đổi và khả năng duy trì doanh thu đều đặn. Các doanh nghiệp có hệ thống phân phối mạnh, sản phẩm đạt chuẩn quốc tế, tiềm năng xuất khẩu hoặc chiến lược mua bán - sáp nhập (M&A) khôn ngoan đang được nhà đầu tư đặc biệt săn đón. Các start-up công nghệ trong lĩnh vực công nghệ y tế (healthtech), công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain truy xuất nguồn gốc thuốc cũng là điểm đến mới của dòng vốn mạo hiểm.
Phía sau bức tranh tươi sáng của ngành dược là “mảng tối” về chất lượng sản phẩm và vấn nạn thuốc kém chất lượng, thuốc giả. Theo báo cáo của Bộ Y tế năm 2024, trong tổng số 43.197 mẫu thuốc, dược liệu và mỹ phẩm được kiểm nghiệm, có 228 mẫu không đạt chất lượng, tương đương 0,53%. Đáng chú ý, nhóm dược liệu chiếm tỷ lệ vi phạm cao nhất (3,04%), tiếp theo là mỹ phẩm (1,5%) và đông dược (0,4%).
Dù Bộ Y tế đã tiến hành hàng trăm đoàn thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính hơn 2,5 tỷ đồng, các chuyên gia cho rằng, công tác kiểm soát vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân lực, thiết bị và năng lực bao phủ. Những phân khúc chưa được chuẩn hóa như thuốc đông y, dược liệu hay mỹ phẩm tiếp tục là “điểm nghẽn” trong nỗ lực nâng tầm ngành dược Việt Nam.
Không phải cuộc chơi “sóng ngắn”
Dù được đánh giá là lĩnh vực đầy tiềm năng, ngành dược không dành cho đầu tư ngắn hạn. Chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D) cao, thời gian đưa sản phẩm ra thị trường kéo dài, yêu cầu pháp lý nghiêm ngặt cùng sự cạnh tranh gay gắt từ các tập đoàn đa quốc gia là những rào cản không nhỏ. Bên cạnh đó, xu hướng siết chặt chính sách bảo hiểm y tế và kiểm soát giá thuốc ở nhiều quốc gia cũng khiến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp dược ngày càng bị “bóp nghẹt”.
Do đó, một chiến lược đầu tư khôn ngoan cần bắt đầu từ việc chọn lọc kỹ càng những doanh nghiệp có nền tảng tài chính vững vàng, sở hữu hệ thống phân phối hiệu quả, sản phẩm đạt chuẩn và năng lực đổi mới công nghệ. Các công ty có chiến lược dài hạn về số hóa, nghiên cứu - hợp tác quốc tế và cam kết tuân thủ đạo đức kinh doanh sẽ có nhiều lợi thế hơn trong đường đua dài hạn.
Ngoài ra, đầu tư vào các quỹ ETF hoặc cổ phiếu của các tập đoàn dược lớn trên thế giới cũng là một hướng đi an toàn và có tiềm năng sinh lời ổn định, đặc biệt trong bối cảnh thị trường toàn cầu đang hướng đến y tế và sức khỏe như ưu tiên hàng đầu.
Trong cuộc đua tỷ đô này, theo ông Nguyễn Quang Thái, Chủ tịch Công ty cổ phần Dược phẩm Thái Minh, chỉ những doanh nghiệp có “chất lượng thật” mới có thể đi đường dài. Việc sở hữu nhà máy đạt chuẩn GMP-WHO, hệ thống truy xuất nguồn gốc minh bạch, năng lực quản trị chất lượng cao và khả năng ứng dụng công nghệ vào sản xuất, từ AI, công nghệ sinh học đến blockchain sẽ là “tấm hộ chiếu” để doanh nghiệp dược Việt vươn ra quốc tế.
Trước vấn nạn thuốc giả, ông Phan Văn Hiệu, Chủ tịch Công ty Dược phẩm CVI cho biết, các doanh nghiệp dược phẩm tại Việt Nam đã chủ động triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và duy trì uy tín thương hiệu. Một trong những giải pháp quan trọng là đầu tư vào công nghệ truy xuất nguồn gốc, sử dụng mã vạch, QR code và blockchain để kiểm tra tính xác thực của sản phẩm.
Đồng thời, các doanh nghiệp cũng tăng cường kiểm tra chất lượng tại các cơ sở sản xuất và phân phối, hợp tác chặt chẽ với cơ quan chức năng để phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả. Bên cạnh đó, việc nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về các sản phẩm chính hãng, đảm bảo chất lượng cũng là một chiến lược dài hạn để xây dựng lòng tin và giảm thiểu rủi ro từ thuốc giả.
Dương Ngân