Vấn nạn 'tin giả' trên không gian mạng và hệ lụy nghiêm trọng đối với xã hội

Vấn nạn 'tin giả' trên không gian mạng và hệ lụy nghiêm trọng đối với xã hội
9 giờ trướcBài gốc
Công an tỉnh Nghệ An đang truy tìm, xử lý đối tượng tung tin sai sự thật về việc “vỡ đập thủy điện Bản Vẽ”, gây hoang mang dư luận và khiến hàng nghìn người dân tại huyện Tương Dương (cũ) hoảng sợ, “ôm tài sản” chạy lên núi lánh nạn. Thông tin giả mạo xuất hiện trên một số tài khoản mạng xã hội vào chiều 27/7, thu hút nhiều lượt bình luận và chia sẻ. Hàng nghìn người dân sinh sống tại vùng hạ du nhà máy thủy điện Bản Vẽ, thuộc xã Yên Na lo sợ nước dâng gây ngập lụt, nên mang theo tài sản chạy lên núi.
Thông tin giả lan truyền trên mạng về vỡ đập thủy điện Bản Vẽ, tỉnh Nghệ An.
Xác định "vỡ đập" là thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng đến an ninh trật tự, Công an tỉnh Nghệ An đã xác minh người tung tin. Tối ngày 27/7, Phòng An ninh chính trị nội bộ phối hợp công an xã Tương Dương triệu tập người đàn ông 27 tuổi, trú xã Yên Thắng, huyện Tương Dương cũ, vì phát trực tiếp video với nội dung: "Nghe tin vỡ đập thủy điện Bản Vẽ, dân chạy toán loạn, mong bình an".
Người này cho biết khi đang ở nhà họ hàng tại xã Tương Dương, thấy người dân hô hoán đập thủy điện bị vỡ, dù chưa kiểm chứng, anh vẫn dùng điện thoại phát trực tiếp lên mạng xã hội. Sau khi biết thông tin sai sự thật, người đàn ông đã xóa video. Công an tỉnh Nghệ An đang củng cố hồ sơ để xử lý...
Trước đó, vụ lật tàu du lịch thương tâm trên vịnh Hạ Long ngày 19/7 không chỉ gây chấn động dư luận, mà còn phơi bày một thực trạng nhức nhối: Nhiều người dùng mạng xã hội bất chấp đạo đức và pháp luật để câu view, câu like trên nỗi đau của người khác.
Ngày 20/7, Công an tỉnh Quảng Ninh đã xác minh, làm việc với một công dân tên N.H.A.T. (trú tại phường Hồng Gai) về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật liên quan đến số lượng người thiệt mạng trong vụ tai nạn. Thông tin này nhanh chóng lan truyền, gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác cứu hộ tại hiện trường.
Nhiều thông tin, hình ảnh giả được lan truyền rộng rãi trên các trang mạng xã hội.
Đáng chú ý, tài khoản mạng xã hội D.N.Q. với hơn 260.000 người theo dõi còn tạo dựng một bài viết "gia đình anh Quý" bằng ảnh AI, thu hút hơn 22.000 lượt tương tác và hàng nghìn lượt chia sẻ. Trong hơn 4.000 bình luận, phần lớn người xem đều không nhận ra đây là một sản phẩm “giả cảm xúc” để câu view. Bài viết hiện đã bị gỡ bỏ sau khi gây phẫn nộ trong cộng đồng mạng. Đại diện Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh xác nhận đã nắm được tình trạng nhiều tài khoản cá nhân và fanpage đăng video, hình ảnh không đúng sự thật về vụ việc và sẽ phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý nghiêm.
Theo các chuyên gia, thông tin sai sự thật hay “tin giả” không chỉ là vấn đề truyền thông mà là thách thức xã hội toàn diện trong thời đại số. Chưa có một nghiên cứu chính thức và phổ quát cho các hệ lụy do “tin giả” gây ra đối với xã hội nhưng có thể kể tới những hệ lụy dễ nhận biết có thể gây ra bởi “tin giả” như: “Tin giả” có thể tác động đến tâm lý cộng đồng, gây hoang mang lo lắng cho cộng đồng, làm lệch lạc nhận thức của cộng đồng, kích động các hành vi cực đoan hoặc làm ảnh hưởng tới công tác quản lý xã hội… “Tin giả” cũng có thể gây thiệt hại về kinh tế cho tổ chức, cá nhân, làm rối loạn thị trường, gây ra sự nghi ngờ đối với các nguồn tin chính thống, hoặc cũng có thể gây ra các tổn thương sâu sắc về tinh thần cho các cá nhân bị tác động.
Xét từ góc độ pháp lý, tùy thuộc vào mục đích, chủ thể mà nó tác động, “tin giả” có thể là sự bắt đầu cho các chế tài hành chính, dân sự và hình sự. Theo Luật sư Đỗ Minh Hiển, Văn phòng luật sư JVN (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội), hành vi đăng tin sai sự thật lên mạng xã hội sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo nghị định số 144/2022/NĐ-CP với mức xử phạt từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang dư luận” quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP.
Người phát tán, chia sẻ thông tin sai sự thật sẽ phải gỡ bỏ thông tin giả mạo. Đối với trường hợp hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt gây ra hậu quả nghiêm trọng, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 288- Bộ Luật Hình sự đối với hành vi đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông.
Theo Luật sư Đỗ Minh Hiển, nếu hành vi của người vi phạm dẫn đến hậu quả thiệt hại cho tổ chức, cá nhân từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng hoặc gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 288, Bộ Luật Hình sự với mức hình phạt cao nhất đến 3 năm tù.
Vụ việc này cũng là bài học cảnh báo tới những người đang sử dụng mạng xã hội cần chuẩn bị và nâng cao năng lực truyền thông cá nhân, kiểm chứng thông tin trước khi chia sẻ và tuân thủ pháp luật là cách để bảo vệ bản thân và cộng đồng…
Minh Phương - Hồng Phương/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/phap-luat/van-nan-tin-gia-tren-khong-gian-mang-va-he-luy-nghiem-trong-doi-voi-xa-hoi-20250728160324427.htm