Ông Trần Hải Ðăng, Phó trưởng phòng Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết: “Rác thải cồng kềnh thuộc nhóm rác sinh hoạt khác, bên trong nhóm này gồm có 3 loại: chất thải nguy hại, rác cồng kềnh và chất thải khác còn lại. Riêng rác cồng kềnh, từ trước đến nay người dân phải tự thuê xử lý, giá xử lý là do thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp. Hiện tại, việc người dân ra ngoài những bãi đất trống là đã vi phạm quy định vứt rác bừa bãi, sẽ bị xử phạt từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng”.
Quy định, chế tài là thế, nhưng trên thực tế việc phát hiện và xử phạt rất khó. Thay vì được phân loại, tại nhiều nơi, rác thải cồng kềnh vẫn được bỏ chung với rác thải sinh hoạt. Những loại vật dụng do kích thước quá khổ, không được thu gom thì các bãi đất trống hay những bụi cỏ rậm rạp sẽ là nơi lý tưởng để rác thải cồng kềnh án ngữ.
Các loại đồ điện gia dụng như tủ lạnh, sau khi tháo hết linh kiện thì phần vỏ cũng nằm phơi nắng, phơi mưa ở bãi đất trống trên đường Ngô Gia Tự, Phường 5, TP Cà Mau.
Anh Nguyễn Bá Trung, ngụ Phường 5, TP Cà Mau, phàn nàn: “Ðường Ngô Gia Tự không thiếu những đống rác cồng kềnh này xuất hiện, ở những bãi đất trống hay ở trong các công trình bỏ hoang, người ta đem vứt rất nhiều. Kích thước những loại rác thải này thì to quá, nếu đem ra bỏ thì xe rác cũng không gom”.
Trong nhóm rác cồng kềnh thì giường, tủ, bàn, ghế có thể dễ dàng xử lý hơn tủ lạnh, biển hộp, các sản phẩm có cấu tạo điện tử, vì những vật liệu này để trong môi trường tự nhiên dễ sản sinh chất độc hại hoặc gây cháy nổ, và tất nhiên những mối nguy hiểm đó sẽ không báo trước cho bất kỳ người đi đường nào khi không may gặp phải.
Phế phẩm xây dựng được cho vào bao vứt trên lề đường khu vực Phường 2, TP Cà Mau.
“Nhiều người cho rằng, chỉ cần chúng được đưa ra khỏi nhà để không chiếm diện tích thì cũng không ai quan tâm chúng sẽ về đâu. Không thể chôn lấp, bán phế liệu không ai mua, chính người dân cũng lúng túng không biết phải xử lý thế nào”, anh Nguyễn Việt Khanh, Phường 6, TP Cà Mau, cho biết.
Xã hội phát triển kéo theo nhu cầu mua sắm nội, ngoại thất tăng cao, có người mua mới, cũng có người mua vì thị hiếu, sở thích thay đổi. Và rồi những món đồ cũ kỹ không thể tái sử dụng sẽ trở thành rác thải, nhưng vứt như thế nào để có trách nhiệm với môi trường thì ít ai để tâm đến. “Mặc dù ở các địa phương có lắp camera tại các khu dân cư để theo dõi, tuy nhiên, tình trạng vứt rác cồng kềnh thường diễn ra vào lúc sáng sớm, hay ban đêm, tại các địa điểm vắng người. Cũng có trường hợp người dân thuê xe ba gác, hoặc những người thu gom phế liệu để chở đi nên việc giám sát, nhắc nhở hay xử phạt rất khó khăn”, ông Trần Hải Ðăng thông tin.
Thực trạng rác thải cồng kềnh bị vứt bỏ lén lút đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng về môi trường và mỹ quan đô thị. Ðể giải quyết câu chuyện này, cần có những cơ chế về thu gom, song song đó, nên xây dựng mạng lưới điểm thu gom cố định hoặc di động, giúp người dân dễ dàng tiếp cận và đổ bỏ đúng nơi quy định. Ðặc biệt, cần phát triển các chương trình tái chế hoặc trao đổi rác thải cồng kềnh, biến các vật dụng cũ thành nguyên liệu tái sử dụng, tạo thêm giá trị kinh tế. Quan trọng hơn, cần thúc đẩy ý thức trách nhiệm cộng đồng thông qua các chiến dịch tuyên truyền sáng tạo, nhấn mạnh việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm chung. Khi người dân, chính quyền và doanh nghiệp cùng chung tay, vấn đề này không chỉ được xử lý hiệu quả mà còn góp phần xây dựng một môi trường sống xanh, sạch và văn minh./.
Hữu Nghĩa