Vẫn 'rối' với 17 phương thức tuyển sinh

Vẫn 'rối' với 17 phương thức tuyển sinh
một ngày trướcBài gốc
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Quang Vinh
Cụ thể bao gồm: Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả học tập THPT (học bạ); xét tuyển thẳng theo quy định của Quy chế tuyển sinh (Điều 8); thi đánh giá năng lực - đánh giá tư duy do cơ sở đào tạo tự tổ chức để xét tuyển; sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực - đánh giá tư duy do đơn vị khác tổ chức để xét tuyển; thi văn hóa do cơ sở đào tạo tổ chức để xét tuyển; sử dụng kết quả thi văn hóa do cơ sở đào tạo khác tổ chức để xét tuyển; kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với điểm thi năng khiếu để xét tuyển; kết hợp kết quả học tập cấp THPT với điểm thi năng khiếu để xét tuyển; kết hợp kết quả thi tốt nghiệp cấp THPT với kết quả học tập cấp THPT để xét tuyển; kết hợp kết quả thi tốt nghiệp cấp THPT với chứng chỉ quốc tế để xét tuyển...
Như vậy, so với năm 2024, Bộ GDĐT đã giảm 4 phương thức, gồm: Xét kết hợp giữa tuyển thẳng theo đề án và các phương thức khác (mã 301); xét tuyển thẳng theo đề án của cơ sở đào tạo (mã 302); kết hợp chứng chỉ quốc tế với tiêu chí khác để xét tuyển (mã 408); Kết hợp phỏng vấn với tiêu chí khác để xét tuyển (mã 412). Bên cạnh đó, Bộ GDĐT bổ sung 1 phương thức sử dụng chứng chỉ quốc tế SAT hoặc chứng chỉ quốc tế khác đủ điều kiện để xét tuyển (mã 415).
Dẫu thế, việc tồn tại tới 17 phương thức tuyển sinh vẫn khiến nhiều người thấy “rối”. Trên thực tế tại mùa tuyển sinh năm nay, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 đã công bố Đề án tuyển sinh ĐH năm 2025, trong đó có tới 10 phương thức tuyển sinh hệ ĐH chính quy, theo 3 nhóm gồm: Thi tuyển, xét tuyển, kết hợp thi tuyển và xét tuyển.
Mới đây tại Hội nghị tổng kết, đánh giá công tác tuyển sinh năm 2024, triển khai công tác tuyển sinh năm 2025 - 2026 khối ĐH và CĐ sư phạm vừa diễn ra, Bộ GDĐT nhận định, các phương thức tuyển sinh năm 2024 so với năm 2023 có sự đa dạng hơn, nhưng vẫn tập trung chủ yếu sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, sử dụng kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với xét tuyển học bạ; một số kỳ thi đánh giá năng lực của các cơ sở giáo dục ĐH. Trong đó, sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển học bạ đóng vai trò chủ yếu, với trên 80%. Số còn lại trúng tuyển theo phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy (3,36%); xét tuyển kết hợp giữa tuyển thẳng theo đề án (1,96%) và các phương thức khác; các phương thức khác (gồm 12 phương thức) (13,33%)…
Ở các mùa tuyển sinh trước, nỗi lo nhiễu phương thức tuyển sinh từng được đề cập nhiều lần. Bộ GDĐT đánh giá tình trạng sử dụng quá nhiều phương thức xét tuyển sẽ gây nhiễu thông tin. Nhiều phương thức xét tuyển không có hoặc rất ít thí sinh đăng ký dẫn tới kém hiệu quả. Chưa đảm bảo công bằng giữa các phương thức xét tuyển. Nhiều cơ sở đào tạo chưa phân tích tương quan, đánh giá đối sánh kết quả học tập của sinh viên theo các phương thức.
Năm nay Bộ GDĐT đã siết phương thức tuyển sinh bằng học bạ. Các trường không được xét tuyển sớm, nếu dùng học bạ phải tính điểm cả năm lớp 12. Nhiều trường đã thông báo bỏ xét tuyển bằng học bạ độc lập như Trường ĐH Thương mại, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm Thái Nguyên, hay các trường khối công an...
Trước thềm mùa tuyển sinh 2025, Bộ GDĐT khuyến cáo các trường nên cân nhắc loại bỏ phương thức xét tuyển không hiệu quả, đồng thời cần có phương án xét tuyển bảo đảm công bằng giữa các phương thức xét tuyển như không phân chỉ tiêu theo phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển; quy điểm tương đương trúng tuyển.
Vi Cầm
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/van-roi-voi-17-phuong-thuc-tuyen-sinh-10302770.html