Ảnh minh họa
Theo số liệu từ Cục Thống kê, Bộ Tài chính, so với cùng kỳ năm 2024, vận tải hành khách tháng 4/2025 tăng 29,5% về vận chuyển và tăng 16,1% về luân chuyển; vận tải hàng hóa tăng 16,4% về vận chuyển và tăng 14,4% về luân chuyển.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2025, vận chuyển hành khách tăng 19,2% và luân chuyển tăng 13,0% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hàng hóa tăng 14,7% và luân chuyển tăng 11,5%.
CÚ HÍCH LỚN TỪ HAI KỲ NGHỈ LỄ
Báo cáo của Cục Thống kê cho thấy vận tải hành khách tháng 4/2025 ước đạt 486,4 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 5,9% so với tháng trước và luân chuyển 25,2 tỷ lượt khách.km, tăng 5,2%.
Tính chung trong 4 tháng đầu năm 2025, vận tải hành khách ước đạt 1.880,7 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm 2024 (cùng kỳ năm 2024 tăng 6,8%) và luân chuyển đạt 101,1 tỷ lượt khách.km, tăng 13,0% (cùng kỳ năm 2024 tăng 12,4%).
Trong đó, vận tải trong nước ước đạt 1.874,1 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm 2024 và 79,9 tỷ lượt khách.km luân chuyển, tăng 14,3%. Trong khi đó, vận tải ngoài nước ước đạt 6,6 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 8,4% và 21,2 tỷ lượt khách.km luân chuyển, tăng 8,2%.
Trong cơ cấu phương thức vận tải của 4 tháng đầu năm 2025, đường bộ tiếp tục chiếm tỷ trọng chiếm 89,6%, với 1.685,2 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 18,7% so với cùng kỳ. Nếu tính riêng trong tháng 4/2025, số lượt hành khách di chuyển bằng đường bộ là 28,4 triệu hành khách.
Theo số liệu từ Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), trong dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5, các tuyến cao tốc do doanh nghiệp này đầu tư, quản lý gồm Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đà Nẵng - Quảng Ngãi và TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đã phục vụ hơn 1,52 triệu lượt phương tiện, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2024.
Cũng trong tháng 4/2025, Bộ Xây dựng tổ chức khánh thành và đưa vào khai thác 4 tuyến cao tốc thuộc dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông, gồm đoạn cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi (Hà Tĩnh) có chiều dài 35,28km; đoạn cao tốc Hàm Nghi - Vũng Áng (Hà Tĩnh) có chiều dài dài 54,2km; đoạn cao tốc Bùng - Vạn Ninh (Quảng Bình) có chiều dài 48,84km; đoạn cao tốc Vân Phong – Nha Trang có chiều dài hơn 83km.
Những tuyến đường bộ cao tốc được thông xe trong tháng 4/2025 góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, đáp ứng kịp thời nhu cầu đi lại tăng cao của người dân trong những ngày nghỉ lễ kéo dài.
Bên cạnh đường bộ, lĩnh vực hàng không cũng có sự tăng trưởng đáng kể. Trong 4 tháng đầu năm 2025, hàng không đã vận chuyển 19 triệu hành khách, tăng 9,7%, và đóng góp 32,2 tỷ lượt khách.km, chiếm hơn 31% tổng luân chuyển toàn ngành.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, chỉ tính riêng ngày 30/4/2025, sản lượng vận chuyển hành khách đạt 244,96 nghìn khách (tăng 24,53%). Trong đó, vận chuyển hành khách quốc tế đạt 137,42 nghìn khách (tăng 26,47%); vận chuyển hành khách nội địa đạt 107,54 nghìn khách (tăng 22,14%) so với cùng kỳ năm ngoái.
ĐƯỜNG SẮT NỖ LỰC XÂY DỰNG HÌNH ẢNH
Theo số liệu từ Cục Thống kê, tổng sản lượng vận chuyển hành khách qua đường sắt trong 4 tháng đầu năm đạt 15,4 triệu lượt, tăng tới 154% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là ngành có mức tăng trưởng cao nhất trong tất cả các phương thức.
Dù tỷ trọng còn nhỏ khi chỉ chiếm 0,8% toàn ngành, nhưng sự bứt tốc của ngành đường sắt là đáng khích lệ, phản ánh thành quả của các chương trình nâng cấp dịch vụ và điều chỉnh biểu đồ chạy tàu.
Nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp nghỉ lễ, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức chạy thêm nhiều chuyến tàu các tuyến chính, đồng thời, một số tuyến tàu dự báo có nhu cầu tăng cao cũng được chạy thêm các chuyến tàu bổ sung vào dịp cao điểm nghỉ lễ 30/4 -1/5.
Cũng có mức tăng trưởng cao trong các lĩnh vực vận tải là đường thủy nội địa. Trong tháng 4 đầu năm 2025, vận chuyển hành khách bằng đường thủy nội địa ước đạt 156,5 triệu lượt, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2024; trong khi luân chuyển đạt 2,6 tỷ hành khách.km, tăng 15,7%.
Ở chiều ngược lại, do tình hình thời tiết trong những tháng đầu năm không thuận lợi nên sản lượng vận tải hành khách thông qua đường biển giảm sút rõ rệt. Trong 4 tháng đầu năm 2025, vận chuyển hành khách bằng đường biển chỉ đạt 4,6 triệu lượt, giảm 19% so với cùng kỳ; luân chuyển đạt 0,3 tỷ khách.km, giảm 7,7%.
VẬN TẢI HÀNG HÓA DUY TRÌ ĐÀ TĂNG TRƯỞNG ỔN ĐỊNH
Không chỉ vận tải hành khách bùng nổ, vận tải hàng hóa cũng tiếp tục ghi nhận xu hướng tăng trưởng ổn định, phản ánh sự hồi phục của chuỗi cung ứng và nhu cầu logistics.
Khối lượng hàng hóa vận chuyển ước đạt 241,2 triệu tấn, tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2024. Luân chuyển hàng hóa đạt 48,1 tỷ tấn.km, tăng 1% so với tháng trước và tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2024.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2025, vận tải hàng hóa ước đạt 949,1 triệu tấn, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước; luân chuyển đạt 188,9 tỷ tấn.km, tăng 11,5%.
Đường bộ vẫn là phương thức vận tải chủ yếu, chiếm gần 75% tổng khối lượng vận chuyển. Tuy nhiên, đường biển đóng vai trò quan trọng trong luân chuyển hàng hóa, chiếm hơn 54% tổng sản lượng vận tải hàng hóa theo km, phản ánh vai trò xương sống của hàng hải trong xuất nhập khẩu.
Đường thủy nội địa cũng phát huy hiệu quả, với khối lượng vận chuyển đạt 196 triệu tấn sau 4 tháng, tăng 12,1%; luân chuyển đạt 39,2 tỷ tấn.km, tăng 7%. Trong khi đó, vận tải hàng không giảm nhẹ về luân chuyển, chỉ đạt 3,3 tỷ tấn.km, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2024.
Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới, chi phí logistics tại Việt Nam hiện chiếm khoảng 16,8% GDP, cao hơn đáng kể so với mức 12% của Thái Lan. Đây là gánh nặng chi phí đang ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, nhất là trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu chính như Hoa Kỳ đang có động thái siết chặt thương mại.
Khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) và EuroCham cho thấy hơn 70% doanh nghiệp châu Âu hoạt động tại Việt Nam đánh giá mức độ biến động thị trường ở mức “cao” hoặc “rất cao”, phần lớn do lo ngại tác động dây chuyền từ chính sách thuế mới của Hoa Kỳ.
Dù chỉ khoảng 47% doanh nghiệp có quan hệ trực tiếp với thị trường Mỹ, song đến 25% cho biết đã và đang chịu ảnh hưởng gián tiếp từ biến động chuỗi cung ứng.
LOGISTICS TRƯỚC SỨC ÉP CHI PHÍ VÀ THUẾ ĐỐI ỨNG TỪ HOA KỲ
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu dự báo lợi nhuận ròng sẽ giảm từ 10% đến 30%, trong đó phổ biến nhất là mức sụt giảm 20%. Có đến 69% doanh nghiệp ghi nhận đơn hàng từ Mỹ giảm sút, 61% bị hủy hoặc trì hoãn hợp đồng và 46% chịu áp lực từ chi phí logistics tăng cao.
Trước tình hình đó, ngành logistics Việt Nam đối diện nguy cơ dư thừa công suất trên nhiều phân khúc. Với riêng vận tải biển, tỷ lệ thừa cung tàu trên toàn cầu đã ở mức 15%, nếu xuất khẩu sang Mỹ bị chững lại, lượng hàng giảm có thể đẩy công suất sử dụng xuống mức đáng báo động.
Song song, các trung tâm kho bãi đối mặt với tình trạng quá tải cục bộ trong ngắn hạn, trước khi rơi vào dư thừa diện tích nếu đơn hàng không hồi phục. Điều này kéo theo tồn kho container, vật tư đóng gói và nguồn lực vận hành logistics tăng cao.
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp logistics cần chủ động phối hợp với cơ quan nhà nước và đối tác quốc tế để đàm phán về các chính sách thuế. Việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tối ưu chuỗi cung ứng và minh bạch hóa quy trình vận hành là những giải pháp quan trọng giúp nâng cao khả năng thích ứng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh đầu tư công nghệ – đặc biệt là nền tảng dịch vụ chung giúp kết nối khách hàng, tối ưu hóa chi phí và tự động hóa vận hành. Đồng thời, tăng cường hợp tác trong ngành, phát triển dịch vụ chuyên môn và hoàn thiện chuỗi giá trị logistics là điều kiện then chốt để duy trì năng lực cạnh tranh...
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 20-2025, phát hành ngày 19/05/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1402
Đan Tiên