Văn thư, y tế trường học 20 năm đi làm, lương chưa nổi 10 triệu đồng

Văn thư, y tế trường học 20 năm đi làm, lương chưa nổi 10 triệu đồng
6 giờ trướcBài gốc
“Đến nay, sau 20 năm công tác, chuẩn bị bước sang năm thứ 21, mức lương của tôi còn chưa được 6 triệu đồng, không có thêm phụ cấp”, chị Trần Tươi, nhân viên văn thư một trường THCS tại Hà Nội, ngậm ngùi chia sẻ.
Nói với Tri Thức - Znews, chị Tươi cho rằng nhân viên trường học là bộ phận bị “lãng quên”, bởi họ đóng góp phần không nhỏ vào việc vận hành hoạt động của cơ sở giáo dục, nhưng chế độ đãi ngộ lại chưa được quan tâm đúng mức.
Lương không đủ nuôi thân
Năm 2004, chị Tươi tốt nghiệp trung cấp kế toán, ký hợp đồng làm nhân viên phục vụ tại trường học. Sang năm 2008, chị đỗ biên chế ngạch văn thư viên trung cấp. Làm việc từ đó đến nay, chị kể ngày nào cũng phải có mặt ở trường, một số buổi chiều có thể vắng mặt, song vẫn phải mang việc về nhà.
Làm văn thư nhưng công việc của chị Tươi không đơn giản là giao nhận văn bản, quản lý và sử dụng con dấu. Nữ nhân viên phải kiêm cả quản lý phần mềm, lưu trữ hồ sơ, sổ sách, làm báo cáo, kế hoạch, tờ trình, công văn… cái gì cũng đến tay chị. Không những vậy, trường không có thủ quỹ, chị cũng kiêm nhiệm luôn cả vị trí này, hàng tháng phụ trách thu, chi các loại quỹ trường, thu các loại phí của học sinh…
Công việc nhiều nhưng đến hiện tại, chị Tươi vẫn chỉ nhận lương văn thư, không có thêm một đồng phụ cấp. Thậm chí 16 năm, chị đảm nhiệm vị trí tổ trưởng tổ văn phòng, nhưng cũng không được hưởng phụ cấp như giáo viên là tổ trưởng tổ Khoa học Tự nhiên hay Khoa học Xã hội.
Trước thời điểm tăng lương cơ sở vào tháng 7 năm nay, lương của chị chỉ hơn 4 triệu đồng. Chị nói mức lương này còn không đủ nuôi thân, chứ chưa nói đến nuôi 3 con đang tuổi ăn học. Chồng chị cũng làm giáo viên, thu nhập không cao, vì vậy, hai vợ chồng chị phải buôn bán thêm bên ngoài mới đủ sống.
Chị Trần Tươi phải kiêm nhiệm thêm nhiều nhiệm vụ ngoài văn thư trường học. Ảnh: NVCC.
Không riêng chị Tươi, chị Mai Hương, nhân viên thư viện một trường tiểu học ở Hà Nội, cũng nhận mức lương hơn 7 triệu đồng sau gần 2 thập kỷ miệt mài. Chị Hương kể ai cũng nghĩ làm nhân viên thư viện nhàn, nhưng thực tế là đủ thứ việc không tên.
Chị phải có mặt cả ngày, từ 7h, hết cho mượn sách, hướng dẫn các em, sắp xếp sách theo danh mục, nhập sổ sách mới, đến thống kê lượng học sinh đọc, ghi chép tên học sinh/giáo viên mượn sách…
Từ năm 2015, chị cũng phải kiêm nhiệm thêm vị trí nhân viên thiết bị của trường, quản lý, quản lý sắp xếp đồ dùng cho giáo viên mượn trả, vào sổ khi có thiết bị mới…
“Cứ tưởng nhàn nhưng xoay vòng cả ngày, không mấy khi rảnh tay”, chị Hương nói.
Ngoài ra, nữ nhân viên cũng phải làm đủ thứ việc không thuộc trách nhiệm của một nhân viên thư viện, như phổ cập, hỗ trợ kiểm định... Dù vậy, chị Hương cũng chỉ nhận thêm 0,2% phụ cấp độc hại. Phải tới hai năm trước, mỗi tháng, chị nhận thêm 300.000-350.000 đồng hỗ trợ kiêm nhiệm nhân viên thiết bị, nhưng “năm nay chưa thấy gì”.
“Giáo viên còn có thêm các khoản phụ cấp hoặc dạy thêm. Còn nhân viên thư viện ngày làm 8 tiếng xuyên suốt ở trường, không có thời gian để làm thêm các công việc khác để cải thiện thu thập", chị Hương bộc bạch.
Trong khi đó, làm nhân viên y tế học đường 17 năm, chị Phạm Á cũng mới nhận lương 7 triệu đồng. May mắn hơn chị Tươi hay chị Hương, chị Á có thêm 20% phụ cấp ưu đãi nghề. Song với chị, mức này vẫn là thấp so với lượng công việc chị đảm nhận và không đảm bảo được cuộc sống.
Hàng ngày, chị đều có mặt từ 6h30 và tan làm lúc 17h, chăm lo, đảm bảo sức khỏe dinh dưỡng, thể chất, tinh thần cho học trò, công tác vệ sinh trường học, an toàn lao động, chưa kể còn sổ sách, bảo hiểm… Ngoài ra, chị còn nhiều nhiệm vụ khác do lãnh đạo giao.
Nhân viên y tế trường học cũng phải tiếp xúc, sơ cấp cứu ban đầu nếu xảy ra tại nạn thương tích trong trường học, tiếp xúc với nhiều loại dịch bệnh lây nhiễm… Chị Á cho rằng mức 20% phụ cấp ưu đãi nghề là chưa tương xứng, trong khi các nhân viên y tế bên ngoài có thể nhận 25-70%.
Lương thấp, hết giờ làm việc, chị Á nhận thêm công việc quét dọn trường học, từ 17h đến 19h mới xong việc. Mỗi tháng, chị có thêm hơn 2 triệu đồng. Ngoài ra, chị cũng trồng thêm rau, thêm vài chậu hoa cảnh để bán, song thu nhập cũng không nhiều.
Là nhân viên y tế trường học, song chị Phạm Á cũng tham gia hỗ trợ học sinh thi. Ảnh: NVCC.
Mong mỏi nhận được sự quan tâm
Bà Nguyễn Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng trường THCS Chương Dương (Hà Nội), nhận định đội ngũ nhân viên trường học đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ và duy trì hoạt động của các trường, nhưng lâu nay, chế độ chính sách, thu nhập còn chưa thỏa đáng.
Theo bà Hồng, đội ngũ nhà giáo tuy lương thấp nhưng có thêm một số khoản phụ cấp khác như phụ cấp đứng lớp, phụ cấp thâm niên…. Trong khi đó, nhóm nhân viên trường học thì chỉ một số bộ phận có phụ cấp nghề nhưng rất thấp và không có phụ cấp thâm niên, cũng khó được tăng lương trước thời hạn. Không ít trường hợp đã phải bỏ nghề, làm thêm công việc khác, hoặc nhiều đơn vị không tuyển được người.
Bà Hồng cho hay 5 năm nay, trường THCS Chương Dương không tuyển được nhân viên thư viện và nhân viên thiết bị. Hai vị trí này hiện tại đều do các giáo viên, thậm chí hiệu trưởng, hiệu phó đảm nhiệm. Còn nhân viên y tế của trường phải tuyển hợp đồng, kiêm nhiệm công tác bán trú.
“Trong khi đó, mức lương trung bình của nhân viên trường học chỉ 5-7 triệu đồng, không thể thu hút được nhân sự bởi lương chỉ đủ nuôi bản thân chứ chưa thể nuôi gia đình”, bà Hồng nhìn nhận cần phải quan tâm đến đội ngũ này hơn, nên có thêm phụ cấp, có thể bằng 1/2 hoặc 2/3 phụ cấp của giáo viên, để họ yên tâm với nghề.
Tâm sự với Tri Thức - Znews, chị Mai Hương cho hay cũng có thời gian, chị nghĩ đến việc chuyển sang công việc khác để có thể lo cho 3 con chu toàn hơn, song ở quê khó tìm việc, lại có tuổi, chị đành từ bỏ ý định.
Nhiều khi, chị cũng buồn tủi bởi cùng làm việc trong trường học nhưng dịp lễ, Tết, nhân viên trường học thường không được nhớ đến, dù một lời chúc cũng không được nhận nên rất chạnh lòng.
Trong khi đó, chị Tươi cho hay dù nhiều lần được lao động tiên tiến cấp huyện, là chiến sĩ thi đua, đạt giải trong nhiều kỳ thi, cống hiến nhiều cho ngành giáo dục, song còn nhiều thiệt thòi. Những văn thư như chị đã nhiều lần gửi đi tâm thư nhưng vẫn chưa nhận được chế độ, phụ cấp nghề tương xứng.
Ngoài ra, điều khiến chị băn khoăn là nhiều năm nay, dù có bằng trung cấp và hai bằng đại học kế toán và quản trị văn phòng từ năm 2009 và 2020, nhưng đến nay, chị vẫn chỉ hưởng mức lương theo hệ số của hệ trung cấp. Thậm chí từ năm 2022 đổ về trước, chị phải nhận lương hệ sơ cấp.
Chị Hương cũng có tình cảnh tương tự, từ năm 2023, chị đã hoàn thành liên thông đại học, nhưng vẫn chưa được chuyển ngạch.
“Chúng tôi mong cấp trên xem xét, sớm cho chuyển ngạch để nhận mức lương tương xứng”, chị Tươi nói.
Theo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT, hiện toàn quốc có khoảng 246.800 nhân viên trường học. Trong đó, 95.600 người thuộc biên chế, 151.200 người thuộc diện hợp đồng.
Theo Nghị định 204 của Chính phủ, nhân viên trường học được hưởng lương theo hệ số 1,86-4,89, tương đương lương hàng tháng khoảng 4,35-11,4 triệu đồng.
Nhóm nhân viên kế toán, thủ quỹ, nhân viên thiết bị được hưởng phụ cấp trách nhiệm 0,1-0,2% so với mức lương cơ sở, nhân viên y tế được hưởng phụ cấp ưu đãi 20%. Nhân viên văn thư, công nghệ thông tin, thư viện không có phụ cấp.
Tổng thu nhập của nhân viên trường học (bao gồm các loại phí đóng bảo hiểm) có thời gian công tác dưới 15 năm dao động từ 3,6-7 triệu đồng/tháng.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10, Thứ trưởng GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết nhân viên y tế, kế toán trường học cũng là viên chức, nhưng không phải nhà giáo nên không được hưởng chính sách ưu đãi hiện nay của nhà giáo.
Thời gian qua, bộ đã rà soát và phối hợp với các bộ, ngành tham mưu, đề xuất với Chính phủ sửa đổi một số chính sách, đặc biệt là chế độ tiền lương đối với đội ngũ viên chức ngành giáo dục.
Cụ thể, bộ sẽ nghiên cứu, đề xuất cho đội ngũ nhân viên trường học được hưởng chế độ phụ cấp nghề phù hợp với vị trí, việc làm, tương xứng với tính chất, mức độ đào tạo. Cùng với đó là tiếp tục rà soát để đánh giá mức độ phức tạp của vị trí việc làm nhân viên trường học, từ đó làm cơ sở điều chỉnh theo quy định hiện hành, góp phần cải thiện thu nhập.
Ngoài ra, bộ cũng đã có văn bản đề nghị các địa phương quan tâm, chỉ đạo các cơ quan tham mưu, tổ chức theo thẩm quyền việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho đội ngũ viên chức, nhân viên trường học theo quy định, đồng thời có chính sách đặc thù để hỗ trợ.
Ngọc Bích
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/van-thu-y-te-truong-hoc-20-nam-di-lam-luong-chua-noi-10-trieu-dong-post1517180.html