Vấn vương bông gòn

Vấn vương bông gòn
15 giờ trướcBài gốc
Từ góc ban công nhà, tôi đưa mắt nhìn theo những đám bông lơ lửng trôi ngang cùng gió. Từ tháng 3 đến tháng 5, trên cây những quả là quả, chi chít từ đầu cành đến cuối nhánh. Một góc nhỏ khu vườn tôi tĩnh lặng, vấn vương bông gòn.
Cây bông gòn. Ảnh: Thuận Nguyễn
Khi đọc một cuốn sách nghiên cứu về địa danh Sài Gòn, tôi có được thông tin thú vị về cây bông gòn. Trong “Ðại Nam quấc âm tự vị”, tác giả Huỳnh Tịnh Của đưa ra lý giải về tên gọi Sài Gòn là “củi gòn”. Ông căn cứ vào từ “sài” nghĩa là “củi” và “gòn” tức “cây bông gòn”.
Học giả Trương Vĩnh Ký cũng cho rằng: Từ “Sài Gòn” được phiên âm từ tiếng của người Khmer, vì địa danh này xưa kia là rừng rậm có nhiều cây gòn được người dân sử dụng làm củi. Không ai tìm thấy dấu tích của rừng gòn theo giả thuyết trên nhưng đó lại là một cách lý giải khá thú vị và cũng thật lãng mạn về một loài cây gắn với địa danh.
Quay trở lại về câu chuyện cây gòn ngay sân nhà tôi. Thân cây khi còn nhỏ xanh thẳng, về già lại trở nên xám xù xì. Khi nắng hong chín thành màu của đất nâu, rồi sau, hoa bung nở bồng bềnh cả tuổi thơ. Vậy mà, đến mùa quả, phất phơ như trêu ngươi trước những ngọn gió khô, tạo nên một khoảng không gian trắng, tĩnh, cho tôi mơ mộng. Chẳng giống những loài cây khác, cây gòn rụng lá vào mùa khô, vì “cây gòn phải hy sinh để dồn sức nuôi trái gòn lớn đàng hoàng chớ” (Những cây gòn lạc, Nguyễn Ngọc Tư).
Mùa quả, nhìn từ xa, tưởng như cây đội được mây trên đầu. Bông gòn phơi khô, sau khi lấy sạch hết những hạt tròn như hạt tiêu thì dùng để làm ruột gối êm êm giấc ngủ. Mẹ tôi giờ vẫn giữ thói quen ngày cũ, trước khi may bao gối bông gòn, cho thêm vào đó mấy lá đinh lăng khô, nghe thơm tròn cả giấc ngủ. Nên dân gian vẫn hay có câu: “Gòn lụi cứng vỏ nhưng mềm ruột” là thế.
Khi bắt gặp cây gòn nào đó ở mọi nẻo cao nguyên, với tôi đó là điều hạnh phúc. Như ngay trên quốc lộ 19-đoạn ngang qua huyện Đak Pơ, trong khuôn viên Trạm Y tế xã Cư An có một cây gòn gần 40 tuổi. Còn ở xã Yang Bắc (huyện Đak Pơ), nhiều ngôi làng nép mình bên những cây gòn đang mùa bung trái. Không chỉ gắn bó như một kỷ niệm, cây gòn ngày nay còn được dùng để phát triển nông nghiệp xanh bền vững. Một số hộ ở huyện Chư Sê, Chư Prông trồng cây bông gòn để làm trụ cho hồ tiêu phát triển. Lại thấy thương cây hơn. Bởi khi người ta chặt ngang trên đầu cây, bỏ bớt ngọn cây, vậy mà, chúng vẫn tái sinh mạnh mẽ.
Cùng với nhiều loài cây khác, cây gòn cùng gắn với cao nguyên này theo một cách rất riêng. Dẫu không được nhắc tên nhiều như loài cây khác nhưng như mạch ngầm âm thầm chảy từ núi đồi đến phố thị. Bạn tôi kể rằng: Ngày trước, bên hiên nhà bạn có một cây gòn tán cao vươn hẳn lên mái nhà. Cứ mùa bông gòn, bạn cùng các em bày trò hứng bông.
Năm nào cũng vậy, mùa bông gòn trở thành một phần kỷ niệm tuổi thơ đong đầy của bạn. Dạo gần đây, khi những quán ở Pleiku dựng thêm góc check-in, không ít quán trồng lại cây gòn hoặc tận dụng cây bông gòn có sẵn như ở ngã tư Nguyễn Tất Thành giao với đường Bờ Kè để tạo góc chụp ảnh khác lạ, tưởng như tuyết rơi mùa hè. Nhiều du khách đứng hàng giờ chỉ để canh gió thổi, chụp với cánh bông gòn bay.
Từ khi Dự án đường Quyết Tiến nối dài (đoạn từ đường Đồng Tiến đến Sư Vạn Hạnh) chính thức thông xe thì cây bông gòn nhà tôi hiện ra với nắng gió, tò mò dưới đôi mắt nhiều người qua đường. Thi thoảng có vài người đi ngang ngoái loại, đôi người hỏi thăm. “Năm nay, được mùa bông gòn nhiều, chắc nắng nóng”-mẹ tôi gặp ai cũng nói vậy.
Nhìn từng trái bông lơ lửng, tôi vẫn thường nhủ rằng có lẽ mỗi chúng ta, ai cũng có một cây bông gòn để nhớ, để thương. Như từng trái gòn kia, mai này hòa vào dòng người trên phố, đáp xuống lòng đường, gieo vào lòng người giây phút bình yên. Tôi đã từng thấy một cặp đôi dừng xe giữa cầu, người con gái giơ tay hứng vài mẩu bông gòn vô tình bay lạc. Họ cười, trao nhau cái nhìn trìu mến.
Giờ đây, thi thoảng tôi vẫn gặp đôi ba gốc gòn già ven đường, đứng kiêu hãnh, cô độc trong vườn nhà hay bền bỉ bên hông của tiệm tạp hóa nhỏ. Mùa bông, trái bung trắng xóa, người bán hàng đôi lúc chau mày vì sợi bông bay dính vào tấm bạt. Nhưng đôi lần, họ cũng dừng tay gom bông bỏ vào túi, có lẽ là định mang về nhồi vào chiếc gối đã xẹp.
Vậy đấy, thiên nhiên chẳng đòi hỏi gì, cứ lặng lẽ gửi đi một chút ân tình, chút mơ mộng để thương những năm tháng tận tâm với đời. Bởi thế, trong những dòng tự sự về một loài bông gòn trắng của nhà phê bình văn học Hoàng Đăng Khoa có sự so sánh đầy chiêm nghiệm: “ngẫm thơ mình bông trắng/rớt sân nhà không dậy nổi tiếng vang” (Đối diện).
Nếu một ngày, bạn thấy trái bông nào đó rơi rơi, đừng vội phóng xe qua. Bởi biết đâu từ trong tiếng thầm thì dịu nhẹ có chút vấn vương của những cánh bông gòn đang mở đón ta.
NGUYỄN THỊ DIỄM
Nguồn Gia Lai : https://baogialai.com.vn/van-vuong-bong-gon-post320903.html