Anh Nguyễn Văn Huỳnh - Giám đốc Hợp tác xã Huỳnh Phát ở xã An Thịnh (Văn Yên) nhận Bằng khen của UBND tỉnh tại Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Yên Bái lần thứ IV, năm 2024.
>> Văn Yên nhân rộng mô hình thanh niên khởi nghiệp
Phó Bí thư Huyện đoàn Hoàng Thị Tố Nga chia sẻ: "Mặc dù là lực lượng lao động dồi dào, có sức khỏe nhưng thiếu vốn, thiếu nghề, cộng với nhận thức còn hạn chế nên nhiều thanh niên đồng bào DTTS chưa có định hướng rõ ràng trong khởi nghiệp và lập nghiệp. Để giải quyết vấn đề đó, Huyện đoàn Văn Yên đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành các văn bản tuyên truyền, hướng dẫn và phối hợp tổ chức tuyên truyền cho ĐVTN về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thanh niên, công tác dân tộc và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhất là tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho ĐVTN vùng DTTS và miền núi về tinh thần sáng tạo của tuổi trẻ, lập thân, lập nghiệp, phát triển kinh tế”.
Để thúc đẩy, cổ vũ, khuyến khích và xây dựng tinh thần khởi nghiệp, khát vọng làm giàu chính đáng của ĐVTN DTTS, Huyện đoàn Văn Yên đã phối hợp tổ chức tốt các lớp tập huấn về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; làm đầu mối trong việc hỗ trợ, tư vấn về pháp luật liên quan tới kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã; kết nối định hướng đầu ra sản phẩm cho các mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ; đặc biệt, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội đẩy mạnh việc hỗ trợ thanh niên nói chung và thanh niên DTTS nói riêng tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi phục vụ phát triển kinh tế tại 22/25 xã, thị trấn với tổng dư nợ đến nay trên 140 tỷ đồng; giúp đỡ, tư vấn cho các mô hình có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của Tỉnh đoàn, của Liên minh Hợp tác xã và nhiều nguồn vốn hợp pháp khác.
Từ sự đồng hành, hỗ trợ của tổ chức Đoàn, cùng sự nỗ lực của ĐVTN trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều tấm gương thanh niên DTTS mạnh dạn học hỏi, chủ động thay đổi tư duy, tự tin lập nghiệp phát triển kinh tế với những mô hình khởi nghiệp vừa mang lại giá trị kinh tế vừa giải quyết được việc làm cho lao động địa phương.
Tiêu biểu như anh Hoàng Văn Vui - dân tộc Tày, thành lập Hợp tác xã Du lịch và nông sản Suối Nguồn ở xã Phong Dụ Thượng; anh Bàn Tòn Phú - dân tộc Dao xã Đại Sơn với mô hình trồng và chế biến quế và các sản phẩm từ quế; anh Lâm Văn Huỳnh - dân tộc Tày với mô hình chăn nuôi dúi thương phẩm ở xã Ngòi A; anh Hoàng Văn Tâm - dân tộc Tày, xã Yên Thái với mô hình hợp tác xã thu mua quế vỏ; anh Lương Văn Quốc - dân tộc Tày, xã Yên Thái với mô hình hợp tác xã chế biến lâm sản từ gỗ; anh Nguyễn Văn Huỳnh - dân tộc Tày, Giám đốc Hợp tác xã Huỳnh Phát ở xã An Thịnh chuyên sản xuất, kinh doanh bếp củi có nhiều tác dụng…
Phó Bí thư Huyện đoàn Hoàng Thị Tố Nga nhận định: "Thông qua các mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp, ĐVTN vừa khẳng định mình vừa có thêm cơ hội để tương trợ, học hỏi lẫn nhau trong phát triển kinh tế, phát huy tính xung kích, đoàn kết của tuổi trẻ; đồng thời góp phần tăng cường thu hút, tập hợp thanh niên ở khu vực nông thôn, đồng bào miền núi trong tổ chức Đoàn”.
Huyện đoàn Văn Yên đã chỉ đạo tổ chức Đoàn các cấp chủ động tổ chức nhiều hoạt động góp phần đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp, như: lồng ghép một số nội dung liên quan đến các đề án phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, của huyện vào trong các buổi sinh hoạt Đoàn ở cơ sở; hàng năm tổ chức các buổi đối thoại giữa thanh niên với lãnh đạo huyện; tổ chức các buổi tọa đàm, định hướng nghề nghiệp cho học sinh các trường THPT thông qua các buổi ngoại khóa; thành lập câu lạc bộ tư vấn, hỗ trợ các bạn trẻ đang có ý tưởng khởi nghiệp, kinh doanh...
Thu Hạnh