HTX Nông nghiệp và Du lịch Nà Hẩu - mô hình chăn nuôi cá thương phẩm sạch kết hợp du lịch sinh thái.
Với mục tiêu đề ra tại Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025, cùng với quá trình xây dựng nông thôn mới, chính quyền và người dân huyện Văn Yên sẽ chú trọng thực hiện các tiêu chí theo chiều sâu, chứ không chỉ hoàn thành theo lộ trình đề ra; trong đó có gắn thực hiện các tiêu chí thu nhập và tiêu chí môi trường trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Và sản xuất xanh được coi là giải pháp hữu hiệu vừa nâng cao hiệu quả kinh tế vừa bảo vệ môi trường.
Bắt nhịp xu hướng, nhiều hộ nông dân trong huyện Văn Yên đã nhanh chóng vận dụng những kiến thức trong sản xuất nông nghiệp, kinh nghiệm thực tế để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp xanh, sạch.
Gia đình chị Bùi Thị Quỳnh, thôn Yên Hòa, xã Yên Hợp chọn cách thức trồng rau trong nhà lưới để hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật. Với diện tích 1.500 m2, chị Quỳnh đầu tư tới 600 triệu đồng để làm nhà lưới. Dù đây là mức đầu tư khá cao đối với người nông dân, nhưng sản xuất trong nhà lưới, chị Quỳnh không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, rau củ có thể ăn ngay tại vườn mà không lo mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, chị Quỳnh có thể trồng rau trái vụ nên sản lượng cao gấp 1,5 lần so với phương pháp canh tác truyền thống, giá rau, củ trong vườn của chị luôn cao hơn giá trên thị trường, đầu ra ổn định.
Bên cạnh việc trồng rau trong nhà lưới, chị Quỳnh còn tự ủ phân hữu cơ được lấy từ chính những phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp tại vườn như lá cây, thân cây, thậm chí là các loại quả bị hư hỏng. Chị tận dụng các khoảng trống xung quanh vườn đặt những thùng tái chế phân hữu cơ, thuận tiện trong quá trình xử lý cũng như bón cho cây. Có thể thấy đây là một cách sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, khép kín đã được chị Quỳnh vận dụng hiệu quả.
Chị Quỳnh chia sẻ: "Sử dụng phân hữu cơ vừa có tác dụng bảo vệ môi trường, xây dựng ý thức cộng đồng không vứt rác bừa bãi vừa giảm chi phí mua thuốc bảo vệ thực vật…”.
Cũng là một trong những phương pháp sản xuất an toàn, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và du lịch Nà Hẩu phát triển nghề sản xuất kinh doanh cá tầm và phát triển du lịch sinh thái. Để có thương hiệu bền vững, HTX không chỉ lựa chọn giống cá đặc sản mà còn thực hiện nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, HTX đã có quy mô nuôi 1 vạn con/lứa, sản lượng bình quân đạt trên 20 tấn/năm. Mô hình chăn nuôi của HTX không chỉ tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động ở địa phương mà còn khai thác được thế mạnh của Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu khi kết hợp giữa chăn nuôi và du lịch sinh thái.
Ông Giàng A Câu - thành viên HTX Nông nghiệp và Du lịch Nà Hẩu cho biết: "Thay vì nuôi cá bằng các loại thức ăn từ cá, thịt động vật qua chế biến. HTX đã sử dụng các loại hạt, thức ăn có nguồn gốc thực vật ngâm, ủ, lên men. Tuy mất nhiều thời gian, công sức nhưng làm được thức ăn cho cá như vậy vừa đảm bảo vệ sinh nguồn nước, môi trường sinh sống của cá, giá thành rẻ, thịt cá lại thơm ngon hơn”.
Sản phẩm cá tầm được nuôi bằng thực phẩm xanh mang lại nguồn thu ổn định cho HTX Nông nghiệp và Du lịch Nà Hẩu
Sản xuất xanh tạo ra sản phẩm an toàn đối với người dùng luôn được đánh giá là tốn nhiều công sức hơn, nhưng ở góc độ tiếp cận khác có thể thấy lợi ích lâu dài về sức khỏe con người, "sức khỏe" môi trường. Đây là giải pháp sản xuất nông nghiệp bền vững, sản phẩm làm ra đón đầu được xu hướng tiêu dùng. Bởi vậy, mỗi một cách làm, một tư duy mới, một hành động dù nhỏ cũng giúp chuyển dần từ phương thức canh tác có hại trước đây sang canh tác an toàn, bền vững tạo ra sản phẩm sạch cho người tiêu dùng, nâng tầm giá trị sản phẩm nông nghiệp, thu hút sự hưởng ứng của người tiêu dùng và tăng thu nhập cho người sản xuất.
Đồng chí Lý Tòn Cầu - Chủ tịch UBND xã Nà Hẩu cho biết: "Xã luôn tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện sống thân thiện với môi trường, không chặt phá cây bừa bãi, không lạm dụng các loại thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp mà tận dụng từ thiên nhiên sẵn có; trong sinh hoạt tận dụng những phần thừa của rau, củ quả, cây cỏ mọc hoang làm phân xanh cho đồng ruộng".
Từ thực tế, sản xuất xanh đã mang lại nhiều cơ hội phát triển kinh tế nông thôn. Áp dụng các phương pháp sản xuất xanh, người nông dân có thể tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, sản xuất xanh còn khuyến khích sự đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp thông qua việc chế biến sâu, thúc đẩy công nghiệp phát triển. Điều này không chỉ góp phần tăng thu nhập, tạo ra cơ hội việc làm mới cho người dân mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Tuy nhiên, đồng chí Phạm Trung Kiên - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cũng bày tỏ: " Sản xuất xanh ở huyện Văn Yên vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Trong lộ trình thực hiện NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, những mô hình sản xuất xanh sẽ giúp giảm thiểu sử dụng hóa chất độc hại, giảm ô nhiễm môi trường song cần có sự đầu tư, quan tâm nhiều hơn nữa của ngành nông nghiệp, khoa học và công nghệ. Đồng thời cũng rất cần những chính sách hỗ trợ, khuyến khích và định hướng để vấn đề sản xuất xanh và xây dựng NTM hiệu quả, tạo ra những nông thôn hiện đại, đáng sống”.
Rõ ràng, trong bối cảnh các ngành sản xuất, trong đó có sản xuất nông nghiệp và hành động của con người ngày càng làm gia tăng ô nhiễm môi trường thì việc tìm kiếm giải pháp bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường sống đang được những nông dân, doanh nghiệp, HTX trên địa bàn huyện Văn Yên thực hiện là động thái tích cực trong việc chuyển đổi phương thức chăn nuôi và sản xuất, giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp hiện nay.
Thủy Thanh