Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.
Giá vàng thế giới giảm đêm qua rồi lại tăng sáng nay (16/7/2025), trong bối cảnh đồng USD giữ đà hồi phục gây áp lực giảm lên thị trường kim loại quý. Dù triển vọng giá vàng trong ngắn hạn khá ảm đạm, giới phân tích giữ lạc quan về triển vọng dài hạn, có ý kiến cho rằng giá kim loại quý này sẽ đạt mốc 3.600 USD/oz vào cuối năm nay.
Lúc gần 11h trưa nay, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á tăng 10,2 USD/oz so với chốt phiên ngày thứ Ba tại Mỹ, tương đương tăng 0,3%, giao dịch ở mức 3.334,8 USD/oz. Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, mức giá này tương đương 105,8 triệu đồng/lượng, giảm 300.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua.
Cùng thời điểm trên, website Vietcombank báo giá USD ở mức 25.940 đồng (mua vào) và 26.330 đồng (bán ra), tăng 20 đồng ở mỗi đầu giá so với sáng hôm qua.
Phiên đêm qua tại New York, giá vàng đóng cửa ở mức 3.336 USD/oz, giảm 7,8 USD/oz so với đóng cửa phiên trước, tương đương giảm 0,2%.
Đồng USD tăng giá mạnh trong phiên ngày thứ Ba, với chỉ số Dollar Index tăng 0,6%, chốt ở mức 98,62 điểm. Sáng nay, chỉ số này dao động nhẹ quanh mức 98,6 điểm.
Động lực cho USD tăng giá là số liệu thống kê cho thấy lạm phát của Mỹ tăng. Theo báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 đến từ Bộ Lao động Mỹ, CPI tháng 6 tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước, phù hợp với dự báo mà các nhà phân tích đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. CPI lõi - thước đo không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm - tăng 0,2% so với tháng trước, thấp hơn một chút so với dự báo. Cả năm, CPI lõi tăng 2,9%, bằng với dự báo.
Các số liệu trên khiến thị trường lo ngại hơn về tác động đối với lạm phát từ các kế hoạch áp thuế quan lên hàng hóa nhập khẩu của Tổng thống Donald Trump. Nếu thuế quan đẩy lạm phát tăng trở lại hoặc khiến lạm phát chững lại trên ngưỡng mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), các nhà hoạch định chính sách tiền tệ sẽ phải trì hoãn việc cắt giảm lãi suất.
Mối lo này đưa USD tăng giá và gây áp lực giảm lên giá vàng, dù những mối lo liên quan tới cuộc chiến thương mại tiếp tục hỗ trợ nhu cầu tìm kiếm một hầm trú ẩn ở vàng.
Diễn biến giá vàng thế giới 1 tháng qua. Đơn vị: USD/oz - Nguồn: Trading Economics.
“Tôi cho rằng thị trường tiếp tục hướng mối quan tâm tới thuế quan, giúp giá vàng được nâng đỡ. Tôi vẫn lạc quan về giá vàng dù giá đang ở trong phạm vi đã duy trì từ giữa tháng 5 tới nay”, Phó chủ tịch Peter Grant của công ty Zaner Metals nhận định với hãng tin Reuters.
Hiện tại, thị trường vẫn tin rằng Fed sẽ giảm lãi suất 2 lần trong năm nay, với lần giảm đầu tiên diễn ra vào tháng 9. Dự báo này không thay đổi so với trước khi số liệu lạm phát mới được công bố ngày 15/7/2025.
“Thực lòng mà nói, giá vàng đúng ra phải cao hơn. Điều đó có nghĩa là thị trường đang cần một động lực mới để đẩy giá vàng vượt mốc 3.400 USD/oz”, nhà giao dịch kim loại quý độc lập Tai Wong nhận định.
Ngày thứ Tư, Bộ Lao động Mỹ sẽ công bố một báo cáo lạm phát khác là chỉ số giá nhà sản xuất (PPI). Dữ liệu này cũng có thể tác động đáng kể tới tỷ giá USD và giá vàng.
Một báo cáo của CIBC ngày 15/3/2025 nhận định giá vàng có nhiềm tiềm năng tăng giá trong nửa sau của năm nay. Ngân hàng Canada này nâng dự báo giá vàng bình quân của năm nay lên 3.339 USD/oz, tăng 19% so với dự báo đưa ra hồi tháng 12/2024.
Các nhà phân tích của CIBC cho rằng giá vàng có khả năng vượt 3.600 USD/oz vào cuối năm nay và duy trì ngưỡng giá này cho tới hết năm 2026. Về năm 2027, CIBC dự báo giá vàng sẽ bình quân ở mức 3.000 USD/oz.
“Chúng tôi nhận thấy môi trường kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục có lợi cho giá vàng. Sự bất định thuế quan sẽ tiếp diễn, nền kinh tế còn chưa phản ánh những tác động tiêu cực của thuế quan đã có và sắp có”, báo cáo viết.
Điệp Vũ