Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), cây hồ tiêu đã giúp Việt Nam trở thành “kho vàng đen” của thế giới khi khi sản lượng chiếm 40% và xuất khẩu chiếm 60% trên toàn cầu.
Giá ‘vàng đen’ ngày càng tăng
Trị giá của hồ tiêu Việt Nam tăng mạnh kể từ năm 2024 và chưa có dấu hiệu ngừng lại giúp ngành hàng này bước vào thời kỳ hoàng kim mới và khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam năm 2024 đạt gần 250.000 tấn, trị giá 1,31 tỷ USD, tăng 44,4% về giá trị so với năm 2023 - mức cao nhất trong 8 năm qua.
Năm 2024, các doanh nghiệp trong ngành hồ tiêu cũng đồng loạt ghi nhận mức tăng trưởng mạnh từ 32-68%, thậm chí có công ty doanh thu xuất khẩu tăng đột biến 150% so với năm 2023.
Trong nửa đầu tháng 1 vừa qua, Việt Nam đã xuất khẩu 7.313 tấn hồ tiêu với tổng kim ngạch đạt 48,3 triệu USD, giảm 3% về lượng nhưng tăng 61,86% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024.
Ở thời điểm hiện tại giá tiêu trong nước vẫn đang biến động tăng nhẹ từng ngày. Ngày 5/2, giá tiêu tại thị trường trong nước ổn định ở các địa phương trọng điểm, giao dịch từ 149.000 - 150.200 đồng/kg. Trong khi cùng ngày này năm ngoái (ngày 5/2/2024) giá tiêu chỉ ở mức 80.500 - 83.500 đồng/kg.
Giá tiêu nội địa liên tục tăng ngay sau Tết giúp nông dân các địa phương bước vào vụ thu hoạch mới với tâm thế phấn khởi.
'Vàng đen’ ngày càng đắt giá. Ảnh minh họa.
Trên thị trường thế giới, giá tiêu đen Việt Nam xuất khẩu loại 500 g/l giao dịch ở mức 6.350 USD/tấn; loại 550 g/l có mức 6.650 USD/tấn. Giá hồ tiêu trắng xuất khẩu đang ở mốc 9.550 USD/tấn.
Ông Marcellus Giovanni - Giám đốc điều hành Tập đoàn xuất khẩu gia vị của Brazil, Brazspice Spices International - nhận định trong tuần thứ 5 của năm 2025, giá tiêu đen tại Việt Nam đã ghi nhận sự tăng trưởng ổn định khoảng 1,32%.
Theo chuyên gia, giá tiêu của Việt Nam sẽ duy trì ở mức cao, có thể tăng nhẹ, bởi nguồn cung sụt giảm, trong khi nhu cầu tại các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu vẫn ổn định, Trung Quốc có thể tăng nhập khẩu từ tháng 3-4 vì hàng trong kho đã dần cạn.
Nâng cao chất lượng thế nào?
Việt Nam đã đứng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu trong hơn 20 năm qua. Tuy nhiên, diện tích hồ tiêu đang có dấu hiệu sụt giảm qua từng năm.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) diện tích hồ tiêu cả nước năm 2024 đang ở khoảng 113.000 ha, cho sản lượng ước đạt 190.000 tấn. Trong khi diện tích hồ tiêu cả nước năm 2023 đạt 115.000 ha, năm có diện tích cao nhất là năm 2017 khoảng 151.900 ha. Dự kiến, diện tích hồ tiêu có thể giảm xuống còn khoảng 110.000 ha trong thời gian tới. Nguyên nhân giảm chủ yếu do ảnh hưởng thời tiết, sâu bệnh hại và giá tăng mạnh của một số mặt hàng nông sản khác như sầu riêng, cà phê trong thời gian vừa qua.
Bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch VPSA - dự báo sản lượng hồ tiêu toàn cầu năm 2025 sẽ tiếp tục giảm so với năm 2024, do cây hồ tiêu không còn là cây trồng chủ lực. Điều này đặc biệt đúng trong bối cảnh cạnh tranh gia tăng từ các cây trồng khác, cùng với chi phí duy trì sản xuất hồ tiêu ngày càng tăng cao.
Hơn nữa, biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng khốc liệt, ảnh hưởng đến các vùng trồng tiêu ở nhiều quốc gia như Indonesia, Ấn Độ, Malaysia, Sri Lanka và Brazil, dẫn đến sản lượng sụt giảm đáng kể.
Năm 2025 đánh dấu năm thứ 4 sản lượng hồ tiêu toàn cầu giảm liên tiếp. Dự báo trong vài năm tới, sản lượng hồ tiêu toàn cầu vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Điều này sẽ khiến giá "vàng đen" tiếp tục tăng cao.
Diện tích hồ tiêu của Việt Nam đang có dấu hiệu sụt giảm qua từng năm.
Trong bối cảnh đó, ngành hồ tiêu Việt Nam đang chuyển từ tăng trưởng diện tích sang nâng cao chất lượng, đẩy mạnh chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường nhằm thâm nhập sâu vào chuỗi cung ứng hạt tiêu toàn cầu.
Việc chăm sóc diện tích canh tác mới cần có thời gian dài nên người nông dân đã đẩy mạnh áp dụng các phương pháp canh tác bền vững vào chăm sóc cây hồ tiêu, trồng xen canh để giảm chi phí và thích ứng với biến đổi khí hậu. VPSA cho hay sẽ tập trung hỗ trợ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng và an toàn thực phẩm. Đây là một phần trong chiến lược dài hạn nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường và nâng cao vị thế của hạt tiêu Việt Nam trên thị trường thế giới.
Bên cạnh đó, cả nước hiện có khoảng 200 doanh nghiệp chế biến, kinh doanh hồ tiêu, trong đó có 15 doanh nghiệp hàng đầu, chiếm 70% lượng xuất khẩu cả nước. Toàn ngành hàng có 14 nhà máy chế biến sâu. Đặc biệt, có 5 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, chiếm gần 30% thị phần xuất khẩu.
VPSA khẳng định công nghệ chế biến hồ tiêu nước ta không thua kém bất kỳ nước nào. Sản phẩm hồ tiêu của doanh nghiệp Việt đã tiếp cận được các tiêu chuẩn của thị trường, kể cả các thị trường khó tính và đặc thù như Liên minh châu Âu (EU), Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE)...
Thanh Huyền