Mỗi độ xuân về, trên các xóm, bản 4 Mường (Bi, Vang, Thàng, Động) lại rộn rã, vang vọng tiếng chiêng ngân. Âm thanh chiêng Mường cùng điệu hát sắc bùa là nét đặc trưng trong ngày Tết ở bản Mường.
Phường bùa xã Thượng Cốc trình diễn nghệ thuật hát sắc bùa tại Liên hoan sắc bùa, chiêng Mường huyện Lạc Sơn năm 2024.
"Hôm nay, ngày đầu xuân mới, chúng tôi đến mừng tuổi gia đình” - đó là lời mở đầu hát sắc bùa hòa cùng âm thanh của chiêng khi phường bùa tiến vào cổng nhà gia chủ. Khi gia chủ ra mở cổng nhà, đón đoàn vào sân, đến chân cầu thang thì cả phường bùa dừng lại hòa tấu chiêng và hát chúc Tết: "Chúc cho nhà ông bà lắm trâu, nhiều bò/chúc cho ông bà ăn nên làm ra”, "Sang năm mới, kính chúc gia đình gặp nhiều may mắn, thuận lợi, cầu tài thì đắc lộc, cầu bình an thì được bình an”… Đến khi phường bùa hát bài đóng cổng: "Chúc cho ông bà ăn lại, ở lại/đoàn phường chúng tôi hẹn đến ngày này năm sau chúng tôi lại đến… ” thì gia chủ thường tặng quà cho phường bùa gọi là mừng tuổi nhân dịp năm mới hay thay lời cảm ơn.
Ở cộng đồng Mường xóm Thao Cả, xã Vĩnh Tiến (Kim Bôi), hát sắc bùa diễn ra khá thường xuyên trong dịp đón năm mới. Vào ngày Tết, các thành viên phường bùa đều mặc trang phục truyền thống, phụ nữ mặc váy, đàn ông mặc quần áo nâu, đầu chít khăn nâu và mang theo chiêng để cùng đi chúc Tết các gia đình. Phường bùa xóm Thao Cả hiện thu hút hàng chục người tham gia, gồm mọi thành phần, lứa tuổi. Nghệ nhân Ưu tú Bùi Tiến Xô, xã Vĩnh Tiến cho biết: Hát sắc bùa là loại hình văn hóa dân gian có từ lâu đời, thường diễn ra vào các sự kiện quan trọng như: mừng thọ, đám cưới và đặc biệt không thể thiếu vào dịp Tết. Những câu hát sắc bùa chứa đựng ý nghĩa chúc tụng cho mọi người, mọi nhà sang năm mới nhiều sức khỏe, may mắn, an khang - thịnh vượng.
Đặc biệt, phong tục này đang được cộng đồng người Mường ở nhiều xã thuộc vùng Quyết Thắng, Cộng Hòa (Lạc Sơn) lưu giữ. Theo anh Bùi Bảo Du, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bốn Mường, xã Thượng Cốc, hát sắc bùa là lối chúc Tết độc đáo. Mỗi ca từ cùng âm thanh chiêng Mường hòa quyện thể hiện tình cảm, nguyện vọng, ước mơ của cộng đồng, kết nối mối quan hệ giữa người với người, giữa con người với thiên nhiên. Thế hệ trẻ chúng tôi mong muốn tiếp tục được góp sức nhỏ bé tham gia bảo tồn để hát sắc bùa mãi phát huy giá trị di sản.
Đồng chí Bùi Thị Thắm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện Lạc Sơn chia sẻ: Là địa bàn có tới 92% dân số là đồng bào dân tộc Mường, huyện đang bảo tồn các giá trị văn hóa Mường độc đáo: mo, chiêng, hát thường rang, bộ mẹng, hát đúm giao duyên, trò chơi đánh mảng… và hát sắc bùa. Tháng 12/2024, trong khuôn khổ Dự án 6, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, UBND huyện đã tổ chức chương trình đặc sắc "Liên hoan trình diễn sắc bùa, chiêng Mường” với chủ đề là các bài chiêng cổ của tỉnh Hòa Bình. Bên cạnh việc tạo không khí rộn ràng để người dân vui Xuân, đón Tết, hát sắc bùa còn đáp ứng nhu cầu của các gia đình trong ngày đầu năm mới với mục đích chúc xuân, chúc phúc, chúc bình an.
Theo Nghệ nhân Ưu tú, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Huy Vọng, xã Hương Nhượng (Lạc Sơn), hát sắc bùa là nét sinh hoạt, phong tục làm nên Tết cổ truyền đáng nhớ của người Mường xưa. Cái hay, cái đẹp của hát sắc bùa là kết hợp giữa lời ca và tiếng chiêng. Trên đường đi chúc Tết, phường bùa vừa đánh chiêng vừa hát. Các bài hát có thể ứng khẩu sáng tác linh hoạt tùy theo hoàn cảnh gia đình hoặc đối tượng. Hiện nay, tục hát sắc bùa có nguy cơ mai một. Một số cấp ủy, chính quyền quan tâm, khích lệ, đồng thời tạo môi trường thực hành; các nghệ nhân, nhà nghiên cứu và những cá nhân tâm huyết trong bảo tồn di sản văn hóa dân tộc Mường phát huy vai trò, trách nhiệm giữ gìn, sưu tầm, nghiên cứu… để hát sắc bùa xuất hiện ngày càng phổ biến hơn trong đời sống văn hóa cộng đồng người Mường Hòa Bình.
Bùi Minh