Tuy nhiên, đà giảm của kim loại quý này bị hạn chế phần nào bởi sự suy yếu của đồng USD.
Vàng miếng tại Incheon, phía tây thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Vào lúc 14 giờ 5 phút (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay giảm 0,2% xuống còn 3.425,91 USD/ounce sau khi đã chạm mức cao nhất kể từ ngày 16/6 vào đầu phiên. Giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ cũng giảm nhẹ 0,1% xuống 3.439 USD/ounce.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social ngày 22/7, Tổng thống Trump cho biết, Mỹ và Nhật Bản đã đạt được một thỏa thuận thương mại, trong đó bao gồm mức thuế 15% sẽ được áp dụng đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ từ quốc gia này.
Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent thông báo các quan chức Mỹ và Trung Quốc sẽ gặp nhau tại Stockholm, Thụy Điển vào tuần tới để thảo luận về việc gia hạn thời hạn đàm phán thỏa thuận thương mại.
Ông Tim Waterer, Trưởng phòng Phân tích Thị trường của công ty dịch vụ tài chính CM Trade, nhận định rằng nếu có thêm các thỏa thuận thương mại được ký kết trước ngày 1/8, điều này có thể tiếp tục thúc đẩy nhu cầu về các tài sản rủi ro và làm giảm nhu cầu đối với vàng. Tuy nhiên, nếu đồng USD tiếp tục chịu áp lực, việc vàng quay trở lại mốc 3.500 USD/ounce vẫn là một triển vọng khả thi trong ngắn hạn.
Một yếu tố tạo lực đỡ cho vàng là việc Chỉ số đồng USD – được coi là thước đo "sức khỏe" của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – dao động gần mức thấp nhất hai tuần so với các đồng tiền đối thủ. Diễn biến này giúp vàng vốn được định giá bằng đồng bạc xanh trở nên rẻ hơn đối với người nắm giữ các loại tiền tệ khác. Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 0,2% lên 39,34 USD/ounce. Giá bạch kim cũng tăng 0,2% lên 1.445,20 USD/ounce. Tại Việt Nam, vào lúc 14 giờ 25 phút chiều 23/7, giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 120,700 - 122,700 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra).
Hương Thủy/Bnews/vnanet.vn