Vàng miếng và vàng nhẫn ổn định lại sau 2 phiên giảm liên tiếp

Vàng miếng và vàng nhẫn ổn định lại sau 2 phiên giảm liên tiếp
14 giờ trướcBài gốc
Mở cửa phiên giao dịch ngày 17/7, giá vàng miếng ổn định lại sau 2 phiên giảm liên tiếp. Hiện, các thương hiệu DOJI, SJC, PNJ, Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức 118,6 – 120,6 triệu đồng/lượng. Riêng chiều mua vào của Phú Quý thấp hơn các thương hiệu khác 700.000 đồng/lượng.
Cùng thời điểm, giá vàng nhẫn các thương hiệu cũng không ghi nhận sự biến động, hiện niêm yết như sau: DOJI giao dịch ở ngưỡng 115,1 – 118,1 triệu đồng/lượng; Phú Quý mua bán ở mức 114,8 – 117,8 triệu đồng/lượng; PNJ niêm yết 114,7 – 117,6 triệu đồng/lượng; SJC giữ nguyên ở mức 114,2 – 116,7 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước đồng loạt "đứng im".
Trên thế giới, giá vàng quốc tế (XAU) hôm nay là 3.341,04 USD (cập nhật lúc 08:01:01 17/07/2025), tăng 0,32% trong 24 giờ qua, tương ứng với tăng 10,59 USD/Ounce.
Giá vàng thế giới bật tăng nhờ được hỗ trợ từ các cuộc xung đột đang diễn ra ở Trung Đông và sự bất ổn xung quanh lập trường thuế quan của Mỹ.
"Các yếu tố địa chính trị vẫn là yếu tố chi phối thị trường. Với các cuộc không kích của Israel và lập trường cứng rắn hơn của Mỹ về thuế quan, một số bất ổn vẫn còn tồn tại", Jim Wyckoff, nhà phân tích cấp cao tại Kitco Metals cho biết. Ông Jim Wyckoff dự đoán giá vàng sẽ dao động từ 3.250 đến 3.476 USD/ounce trong ngắn hạn.
Reuters đưa tin, tại Trung Đông, một cuộc không kích của Israel đã nhắm vào khu vực xung quanh Dinh Tổng thống ở thủ đô Damascus của Syria.
Về mặt thương mại, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Ba đã tuyên bố áp thuế 19% đối với hàng hóa từ Indonesia. Trong khi đó, Ủy ban châu Âu đang chuẩn bị nhắm mục tiêu vào 84,1 tỷ USD hàng hóa Mỹ để áp dụng các biện pháp trả đũa tiềm tàng nếu các cuộc đàm phán thương mại với Washington thất bại, sau khi Tổng thống Trump tuần trước đe dọa sẽ áp thuế 30% đối với hàng nhập khẩu từ châu Âu.
Ngoài ra, giá vàng cũng được hưởng lợi từ việc công bố số liệu cho thấy tốc độ sản xuất của Mỹ vẫn ổn định trong tháng 6, sau khi tăng 0,3% trong tháng 5. Trước đó, dữ liệu công bố hôm thứ Ba cho thấy, giá tiêu dùng tăng 0,3% trong tháng 6, tăng so với mức 0,1% trong tháng 5. Điều này có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải thận trọng trước khi hạ lãi suất, bởi giá vàng có xu hướng tăng mạnh trong thời kỳ bất ổn và môi trường lãi suất thấp đặc biệt có lợi cho kim loại quý này.
Trong khi đó, lượng vàng nhập khẩu của Ấn Độ trong tháng 6 đã giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống mức thấp nhất trong hơn hai năm, do giá cao làm giảm nhu cầu, theo Reuters.
Theo Chiến lược gia hàng hóa Ewa Manthey tại ngân hàng ING, động lực tăng giá vàng vẫn còn, nhưng đà tăng giá vàng cần chất xúc tác mới, khi dòng vốn ETF và vị thế mua ròng giảm. Theo ông, với dòng vốn ETF chảy chậm lại và vị thế mua ròng hợp đồng tương lai giảm, vàng cần chất xúc tác mới, nhưng lực mua của các ngân hàng trung ương vẫn duy trì và động lực tăng giá vẫn còn.
Trong bản cập nhật hàng tháng của ING, chuyên gia Manthey lưu ý rằng, đà tăng giá vàng đã chững lại kể từ khi đạt mức cao kỷ lục trên 3.500 USD/ounce vào tháng 4. "Tuy nhiên, giá vẫn tăng khoảng 28% tính đến thời điểm hiện tại trong năm nay, với chiến tranh thương mại toàn cầu, rủi ro địa chính trị và việc các ngân hàng trung ương mua ròng là những động lực chính, chắc chắn cho đà tăng giá của kim loại quý".
Châu Giang
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//tien-te/vang-mieng-va-vang-nhan-on-dinh-lai-sau-2-phien-giam-lien-tiep-1108202.html