Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu lý giải hiện tượng này xuất phát từ thói quen và tâm lý đầu tư đã hằn sâu trong tư duy của người Việt. Theo ông, người dân Việt Nam từ lâu đã có xu hướng xem vàng như một biểu tượng của sự an toàn tài chính. Khi giá vàng tăng mạnh, thay vì dè dặt, nhiều người lại càng có xu hướng đổ tiền vào kênh này, bởi họ tin rằng giá còn có thể tăng tiếp và việc sở hữu vàng là cách bảo toàn giá trị tài sản hiệu quả nhất.
Giá vàng đang vào đà tăng cao.
Sự lựa chọn vàng cũng phản ánh nỗi lo chung về hiệu quả của các kênh đầu tư hiện có. Trên thị trường chứng khoán, biến động liên tục khiến nhiều nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ không còn tự tin tham gia. Trong khi đó, lãi suất ngân hàng duy trì ở mức thấp khiến việc gửi tiết kiệm không còn hấp dẫn.
Thị trường bất động sản hiện cũng chưa có dấu hiệu khởi sắc rõ ràng trong năm nay, đặc biệt ở phân khúc nhà ở và đất nền vốn từng thu hút dòng tiền lớn. Thị trường ngoại tệ tuy tiềm năng nhưng lại không phổ biến do yêu cầu kiến thức chuyên môn và mức độ tiếp cận hạn chế. Từ đó, vàng nổi lên như một kênh giữ tài sản vừa quen thuộc vừa dễ tiếp cận.
Không chỉ vậy, thị trường còn đang đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn cung, nhất là đối với vàng miếng SJC – sản phẩm phổ biến trên thị trường. Điều này càng khiến nhu cầu tăng vọt, bởi người dân lo sợ giá sẽ còn tiếp tục leo thang nếu không tranh thủ mua ngay.
Chủ tịch Hiệp hội Vàng Việt Nam, ông Đinh Nho Bảng nhận định rằng thói quen tích trữ vàng không phải là điều mới mẻ mà đã tồn tại qua nhiều thế hệ. Vàng từ lâu được coi là phương tiện thanh toán, tích lũy và đầu tư an toàn, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế nhiều biến động.
Ông Bảng đưa ra một ví dụ thực tế để minh họa cho quan điểm của mình, nếu cách đây 20 năm, một người gửi 100 triệu đồng vào ngân hàng và để nguyên đó, thì đến nay, giá trị thực của số tiền này đã bị “ăn mòn” đáng kể bởi lạm phát. Ngược lại, nếu cùng số tiền ấy được dùng để mua vàng vào thời điểm đó, thì hiện tại, tài sản đã gia tăng đáng kể. Thực tế này góp phần hình thành tâm lý phổ biến rằng vàng không chỉ là nơi “trú ẩn” an toàn, mà còn là một kênh đầu tư dài hạn đầy tiềm năng.
Thống kê thị trường cho thấy, trong 10 năm qua, giá vàng có xu hướng tăng đều, đặc biệt là giai đoạn cuối năm 2024 khi mức giá tiến sát 92 triệu đồng/lượng. Đến giữa tháng 4/2025, giá vàng tiếp tục vượt mốc 100 triệu đồng/lượng. Diễn biến tăng mạnh này được xem là yếu tố tâm lý thúc đẩy người dân tranh thủ mua vào, với niềm tin rằng giá sẽ còn cao hơn trong tương lai.
Về tính thanh khoản, vàng cũng sở hữu lợi thế đáng kể. Đây là loại tài sản có thể chia nhỏ, dễ mua bán, phù hợp với đa dạng nhu cầu giao dịch. Với người dân – đặc biệt là tầng lớp lao động tự do hoặc những người không có hệ thống bảo hiểm nhân thọ – thì việc tích lũy vàng trở thành một hình thức tiết kiệm và bảo hiểm tài chính không chính thức nhưng rất thực tế.
Việc giá vàng liên tục lập đỉnh không làm suy giảm nhu cầu mua vào, mà trái lại càng thúc đẩy tâm lý sở hữu. Với người Việt, vàng không chỉ là tài sản đầu tư mà còn mang tính bảo đảm lâu dài cho cuộc sống. Trong bối cảnh các kênh đầu tư khác kém hấp dẫn, vàng vẫn là lựa chọn ưu tiên – vừa để bảo toàn tài sản, vừa thể hiện một giá trị văn hóa tài chính đã ăn sâu trong xã hội.
Bích Ngọc