Khoảng cách giá vàng trong - ngoài nước giãn rộng lên 18 triệu đồng/lượng. Ảnh minh họa
Giá vàng trong nước đảo chiều phục hồi trong phiên giao dịch thứ Tư (ngày 14/5) sau hai ngày đầu tuần giảm sâu. Cụ thể, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp lớn niêm yết quanh mốc 118,5 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 120,5 triệu đồng/lượng chiều bán ra, tăng một triệu đồng/lượng mỗi chiều so với phiên sáng hôm qua.
Riêng Phú Quý SJC vẫn giữ mức giá thu mua thấp hơn khoảng một triệu đồng/lượng mỗi chiều so với mặt bằng chung.
Phân khúc vàng nhẫn đồng loạt được điều chỉnh tăng đáng kể ở cả hai chiều. Cụ thể, vàng nhẫn SJC loại 9999 tăng 500.000 đồng mỗi lượng, lên 113 triệu đồng/lượng mua vào và 115,5 triệu đồng/lượng bán ra.
Tại hệ thống DOJI ở cả Hà Nội và TP HCM, vàng nhẫn cũng được giao dịch với giá tương tự, 113 triệu đồng/lượng mua vào và 115,5 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 500.000 đồng/lượng so với phiên trước.
Bảo Tín Minh Châu gây chú ý khi mạnh tay điều chỉnh tăng tới một triệu đồng mỗi lượng, nâng giá mua vào lên 116 triệu đồng và bán ra 119 triệu đồng/lượng.
Phú Quý SJC cũng không nằm ngoài xu hướng tăng, hiện đang thu mua vàng nhẫn ở mức 114 triệu đồng/lượng và bán ra ở 117 triệu đồng/lượng – cùng tăng một triệu đồng/lượng so với đầu ngày.
Trong khi đó, thương hiệu PNJ công bố giá mua vào là 113 triệu đồng/lượng và bán ra 115,5 triệu đồng/lượng, điều chỉnh tăng 500.000 đồng ở cả hai chiều.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng thế giới cũng đảo chiều tăng nhẹ vào cuối phiên thứ Ba, nối tiếp đà phục hồi sau cú lao dốc mạnh đầu tuần. Cụ thể, giá vàng giao ngay tăng thêm 12,5 USD lên mức 3.251,2 USD/ounce, trong khi hợp đồng vàng tương lai chốt phiên ở 3.247,8 USD/ounce, tăng 19,8 USD so với rạng sáng qua.
Theo Kitco News, động lực chính của đà tăng đến từ tâm lý phòng thủ quay lại thị trường sau khi giá vàng sụt mạnh vào thứ Hai do ảnh hưởng từ thông tin Mỹ - Trung đạt được thỏa thuận giảm thuế nhập khẩu. Dù vậy, giới phân tích cho rằng bức tranh toàn cảnh vẫn còn nhiều yếu tố bất định.
Ông Bart Melek – Trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại TD Securities nhận định, vàng đã chịu áp lực bán tháo sau tin tức "hòa hoãn" giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, các mức thuế hiện hành vẫn ở mức cao và tiếp tục gây sức ép lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Đồng quan điểm, chuyên gia Carlo Alberto De Casa của Swissquote cho rằng, dù thị trường ban đầu hưng phấn với tin cắt giảm thuế, nhưng những lo ngại xung quanh chính sách thương mại vẫn hiện hữu. Chứng khoán đã chững lại sau nhịp tăng mạnh, còn đồng USD cũng đang trong xu hướng điều chỉnh.
Trước đó, Mỹ tuyên bố sẽ giảm thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc xuống 30% (từ mức 145%), trong khi Bắc Kinh đáp lại bằng cách giảm thuế với hàng Mỹ xuống 10% (từ mức 125%). Các điều chỉnh này sẽ có hiệu lực trong 3 tháng tới, nhưng chưa đủ để trấn an hoàn toàn các thị trường vốn đang "nhạy cảm" với biến động địa chính trị.
Quy đổi theo tỷ giá USD/VND, giá vàng thế giới tương đương khoảng 102,5 triệu đồng/lượng, chưa thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới khoảng 18 triệu đồng/lượng.
Sáng 14/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 64 ngày 13/5/2025 yêu cầu triển khai loạt biện pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được giao theo dõi sát diễn biến thị trường, triển khai giải pháp bình ổn và khẩn trương hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về kinh doanh vàng.
Dù chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới từng được kéo giảm về mức 1-2% vào đầu tháng 4, nhưng biến động địa chính trị và áp lực tăng giá vàng quốc tế thời gian gần đây khiến khoảng cách này giãn rộng trở lại.
Thủ tướng yêu cầu NHNN tiếp tục phối hợp các bộ ngành đảm bảo thị trường vàng vận hành ổn định, hạn chế tác động đến tỷ giá, lãi suất và an toàn hệ thống tài chính. Đặc biệt, NHNN phải sớm ban hành kết luận thanh tra hoạt động kinh doanh vàng và xử lý nghiêm các vi phạm trong tháng 5.
Bộ Công an cũng được giao phối hợp với NHNN xử lý dứt điểm các hành vi buôn lậu, đầu cơ, thao túng và kinh doanh trái phép trên thị trường vàng.
Thu Trang