Đồng loạt giảm mạnh
Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, vàng miếng SJC tại Công ty Doji, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn và Công ty Phú Quý cùng ở mức 80 - 83,5 triệu đồng/lượng (mua - bán), giảm 500.000 đồng mỗi lượng so với phiên giao dịch trước.
Vàng trong nước đồng loạt giảm giá.
Giá vàng nhẫn trong nước cũng tiếp tục lao dốc. Cụ thể, công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng nhẫn loại 1-5 chỉ ở mức 79 - 81,7 triệu đồng/lượng (mua - bán), giảm 700.000 đồng/lượng chiều mua vào và 500.000 đồng/lượng chiều bán ra so với kết phiên hôm qua.
Tương tự, Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji hạ giá mua - bán vàng nhẫn 9999 về mức 80,5 - 82,7 triệu đồng/lượng, giảm lần lượt 600.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 500.000 đồng ở chiều bán ra so với mức chốt hôm qua.
Công ty Phú Quý niêm yết giá vàng nhẫn tròn 999.0 từ 80,5 - 82,7 triệu đồng/lượng, giảm 400.000 đồng/lượng.
Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn tròn trơn ở mức 80,52 - 82,67 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giảm 510.000 đồng so với chốt phiên trước.
Vàng thế giới bốc hơi 49 USD/ounce
Trên thị trường quốc tế, giá vàng thế giới dao động quanh ngưỡng 2.561 USD/ounce, giảm 49 USD/ounce so với cùng thời điểm phiên trước. Mức giá này tương đương 79 triệu đồng/lượng khi quy đổi theo tỷ giá USD tại Vietcombank.
Biểu đồ biến động giá vàng thế giới.
Trên thị trường thế giới, sức cầu bắt đáy đã xuất hiện, có lúc kéo giá vàng giao ngay lên gần 2.620 USD/ounce. Tuy nhiên, áp lực bán vẫn khá mạnh. Nỗi lo vẫn còn bao phủ trên diện rộng trong bối cảnh những diễn biến tại Mỹ sau khi ông Donald Trump thắng cử tổng thống vẫn có thể nhấn chìm mặt hàng này.
Về trung và dài hạn, vàng vẫn được dự báo tăng giá. Vàng thường được hưởng lợi từ chính sách tiền tệ nới lỏng của Fed, chính sách tài khóa mạnh mẽ hơn của ông Trump, với nợ công có thể gia tăng cùng với những chính sách thuế cực đoan.
Tuy nhiên, trước mắt, giới đầu tư vẫn rất thận trọng với các cam kết chính sách đối ngoại của ông Donald Trump. Vàng thường giảm mạnh khi căng thẳng địa chính trị suy giảm.
Hiện ông Trump mới chỉ đang xây dựng nội các cho nhiệm kỳ mới (bắt đầu từ 20/1 năm sau). Nhưng mỗi phát biểu và tuyên bố của ông liên quan tới Ukraine, Trung Đông… cũng có thể ảnh hưởng tới tâm lý trên thị trường.
Trước đó, ông Trump cam kết sẽ chấm dứt các cuộc chiến tranh, xung đột. Ông Trump có thể gây sức ép về kinh tế, tài chính lên EU, NATO và sức ép về năng lượng lên Nga…, qua đó có thể chấm dứt xung đột ở Ukraine.
Còn tại Trung Đông, một Israel mạnh lên hẳn có thể cũng sẽ khiến căng thẳng trong khu vực hạ nhiệt.
Dù vậy, thực tế cho thấy, xung đột ở một số nơi mang tính lịch sử và kéo dài. Nỗ lực của một nước, của một cá nhân có thể chỉ giúp hạ nhiệt phần nào.
Hơn thế, chính sách về kinh tế của ông Trump cũng có thể khiến giá cả hàng hóa leo thang (nếu chi phí năng lượng không giảm đủ mạnh). Các nước cũng đang chạy đua hạ lãi suất hoặc/và bơm tiền để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Khi thế giới bước vào một chu kỳ lạm phát mới, vàng sẽ là mặt hàng được hưởng lợi.
Anh Hoàng