Vành đai 2 sắp hạn chế ô tô cá nhân chạy xăng dầu gồm những đường nào?

Vành đai 2 sắp hạn chế ô tô cá nhân chạy xăng dầu gồm những đường nào?
15 giờ trướcBài gốc
Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 12/7/2025 của Thủ tướng về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường yêu cầu Hà Nội thực hiện các giải pháp, biện pháp để các tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, lộ trình đến ngày 01 tháng 7 năm 2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1; từ ngày 01 tháng 01 năm 2028 không có xe mô tô, xe gắn máy, hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường Vành đai 1, Vành đai 2; từ năm 2030 tiếp tục mở rộng thực hiện trong đường Vành đai 3.
Như vậy, chỉ còn chưa tới 1 năm nữa Hà Nội sẽ triển khai thực hiện cấm xe mô tô, xe gắn máy chạy xăng dầu lưu thông trong Vành đai 1.
Đối với khu vực Vành đai 2, việc cấm xe mô tô, xe gắn máy sẽ thực hiện từ 1/1/2028, đồng thời hạn chế xe ô tô cá nhân dùng xăng dầu.
Vậy, Vành đai 2 Hà Nội gồm những tuyến đường nào, chạy qua những đâu?
Theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội có 7 tuyến đường vành đai, trong đó có 5 tuyến vành đai chính (gồm: Vành đai 1, 2, 3, 4, 5) và 2 tuyến vành đai hỗ trợ (vành đai 2,5 và 3,5). Đây đều là những trục chính, định hình mạng lưới giao thông đường bộ của Hà Nội, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển đồng đều, toàn diện và bền vững của Thủ đô cũng như các địa phương thuộc Đồng bằng Bắc Bộ và cả nước.
Bản đồ quy hoạch Vành đai 2 Hà Nội.
Vành đai 2 Hà Nội là tuyến giao thông nội đô khép kín của Hà Nội dài 43,6km, chạy qua các điểm sau: Vĩnh Tuy - Minh Khai - Đại La - Ngã Tư Vọng - đường Trường Chinh - Ngã Tư Sở - đường Láng - Cầu Giấy - Bưởi - Nhật Tân - Vĩnh Ngọc - Đông Hội - cầu chui Gia Lâm - khu công nghiệp Hanel - Vĩnh Tuy. Hai cầu vượt sông Hồng trên Vành đai 2 là Vĩnh Tuy và Nhật Tân, một cầu vượt sông Đuống là Đông Trù.
Trước đó, dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở được thông xe đầu năm 2023. Dự án có chiều dài 5,08km, tuyến đường có mặt cắt ngang đường trên cao 19m và phần đi bằng (dưới thấp) từ 53,5-63,5m. Tổng mức đầu tư là 9.997 tỷ đồng, đầu tư theo loại hợp đồng BT, do Tập đoàn Vingroup - Công ty CP là chủ đầu tư. Việc đưa vào khai thác tuyến đường Vành đai 2 trên cao khắc phục cơ bản tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến.
Hiện Vành đai 2 chỉ còn đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy (đi trùng với đường Láng hiện nay) dài gần 4km chưa được mở rộng và xây dựng đường trên cao.
Đây là tuyến đường bao quanh khu vực nội đô mở rộng, kết nối các quận cũ của Hà Nội trước khi sắp xếp lại đơn vị hành chính như: Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình, Cầu Giấy, Thanh Xuân và Long Biên.
Tuyến đường được đầu tư mạnh với các dự án mở rộng, nổi bật là tuyến đường trên cao từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở giúp giảm tải các nút giao lớn.
Vành đai 2 là ranh giới chuyển tiếp giữa nội đô và vùng ven, thúc đẩy sự phát triển các khu đô thị mới như Times City, Aeon Mall Long Biên và tạo động lực cho quá trình đô thị hóa.
Trong khu vực của Vành đai 2 có các bệnh viện lớn của tuyến Trung ương như: Bạch Mai, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương...
Các trường đại học lớn nằm trong Vành đai 2 như: Đại học Bách khoa, Học viện Ngân hàng, Đại học Thủy Lợi, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Xây dựng Hà Nội, Đại học Y Hà Nội...
Duy Khánh
Nguồn Kinh tế Môi trường : https://kinhtemoitruong.vn/vanh-dai-2-sap-han-che-o-to-ca-nhan-chay-xang-dau-gom-nhung-duong-nao-100304.html