Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội (Ban Giao thông - Chủ đầu tư) cho biết, dự án đường Vành đai 4 qua Hà Nội có chiều dài 52,7 km, đi qua các quận huyện, gồm: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và quận Hà Đông. Đến nay sau 2 năm triển khai, 7 quận huyện đã giải phóng mặt (GPMB) phục vụ dự án được 91,7%. “Hiện dự án vẫn còn 8,3 % mặt bằng, tương đương hơn 4,4 km chiều dài chưa được giải phóng mặt bằng xong. Trên phạm vi thi công toàn tuyến vẫn còn nhiều điểm ngắt quãng, xôi đỗ”, đại diện Ban Giao thông cho biết.
Theo Ban Giao thông, 4,4 km này không nằm ở một địa phương hay một đoạn tuyến mà nằm rải rác trên địa bàn 6 quận huyện. Cụ thể, trong 7 quận huyện có dự án đi qua thì có 6 quận huyện còn tồn tại mặt bằng chưa được giải phóng hết, gồm: Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và quận Hà Đông.
Ngày 16/12, cho ý kiến về việc này đại điện một số quận, huyện trên cho biết, hiện hầu hết diện tích đất nông nghiệp đã được giải phóng xong. Mặt bằng dự án chưa giải phóng xong hiện nay liên quan đến đất ở, đất mồ mả lâu năm và việc di chuyển hạ tầng đường điện cao thế.
Trao đổi với PV Tiền Phong, Bí thư Huyện ủy huyện Thường Tín Nguyễn Tiến Minh cho biết, toàn bộ mặt bằng và đoạn tuyến dự án Vành đai 4 đi qua huyện Thường Tín dài 9 km, có 134 ha đất nông nghiệp và thổ cư cần giải phóng thì đến nay huyện đã thực hiện xong. “Mặt bằng còn vướng hiện nay là đường điện và trạm biến áp kèm theo chưa được di chuyển khỏi phạm vi dự án. Việc này, huyện và các đơn vị chuyên môn của huyện không thể chủ động thực hiện mà phải phối hợp với cơ quan điện lực để họ bố trí di dời, huyện đóng vai trò là đơn vị phối hợp”, ông Minh nói.
Đề cập đến tiến độ thực hiện, ông Minh cho biết, huyện đặt ra mục tiêu xong trong tháng 12 năm nay.
Vành đai 4 đang thi công đoạn qua huyện Hoài Đức.
Tại địa bàn quận Hà Đông, ông Phùng Chí Tâm – Trưởng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hà Đông (đơn vị phụ trách GPMB) cho biết, việc GPMB thi công Vành đai 4 trên địa bàn quận đang vướng nhiều nội dung, trong đó lớn nhất là nội dung liên quan đến giải phóng diện tích đất ở và các khu mồ mả.
Nêu khó khăn về đất ở, ông Tâm cho biết, từ năm 2024, Luật Đất đai mới có hiệu lực đã làm thay đổi nhiều nội dung, từ giá đền bù cho đến quá trình xác định các nguồn gốc đất để đền bù cho dân, do quy định mới nên một mặt cần có hướng dẫn để thực hiện. Thêm vào đó, người dân có tâm lý đợi chờ áp dụng các quy định mới sẽ có lợi hơn.
Đề cập đến thời gian hoàn thành việc GPMB phục vụ dự án Vành đai 4, ông Tâm cho biết, quận đang bám sát chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, đặt mục tiêu xong trong năm 2024.
Trước đó, tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ dự án Vành đai 4, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài yêu cầu các cơ quan, đơn vị, sở ngành và các quận huyện tập trung nỗ lực, cùng với đó phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tham vấn về cơ chế, chính sách, phấn đấu hoàn thành công tác GPMB trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Theo Bí thư Hà Nội, đây là cơ sở, là tiền đề để hoàn thành tuyến đường song hành trước Đại hội Đảng bộ Thành phố, đồng thời giúp chủ đầu tư đạt mục tiêu khởi công Dự án thành phần 3 (đường cao tốc) trong quý II/2025.
Trọng Đảng